[ad_1]

Lo ngại rủi ro thanh khoản, nhiều ngân hàng tiếp tục chủ động nâng biểu lãi suất tiết kiệm…

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất tháng 1/2022?

Hiện đã đến mùa cao điểm cuối năm, thanh khoản hệ thống bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng tạm thời. Vì vậy, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm để hút tiền gửi từ thị trường.

TIẾP TỤC NÂNG BIỂU LÃI SUẤT TIẾT KIỆM

Như VnEconomy đã đưa, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu từ đầu tháng 11/2021. Tuy nhiên, mới chỉ xuất hiện tại một số ngân hàng có vốn hoá nhỏ.

Sang đến cuối tháng 12/2021, theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trung bình tiếp tục tăng nhẹ đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.

Cụ thể, trung bình lãi suất huy động kỳ 6 tháng và 12 tháng (theo mẫu thống kê của BVSC) tăng nhẹ 0,05 và 0,04 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 4,76%/năm và 5,55%/năm vào cuối tháng 12.

Nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước là nhóm duy nhất không điều chỉnh lãi suất trong tháng 12. Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng tiếp tục được duy trì ở mức 3,775%/năm trong tháng thứ 7 liên tiếp; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang không thay đổi ở mức 4,95%/năm sau 5 tháng.

Ngược lại, nhóm ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng thương mại quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) cùng điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong tháng 12/2021. Trong đó, đối với kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng thương mại quy mô nhỏ và ngân hàng thương mại quy mô lớn tăng lần lượt 0,07 và 0,05 điểm phần trăm, lên mức 5,48%/năm và 4,47%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, 2 nhóm ngân hàng này có mức điều chỉnh lần lượt là 0,04 và 0,06 điểm phần trăm, lên mức 6,06%/năm và 5,31%/năm.

Đáng chú ý, mặc dù đã chủ động nâng biểu lãi suất tiền gửi nhưng thanh khoản hệ thống vẫn gặp khó khi lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng nhanh và mùa cao điểm cuối năm còn đến sớm hơn thường lệ. Tại ngày 31/12/2021, số dư trên kênh OMO ở mức 10.539,75 tỷ đồng, cùng kỳ những năm trước hầu như không có tổ chức tín dụng nào tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ trên.

Do đó, xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn tiếp tục trong những ngày gần đây. Điển hình như Techcombank tăng 0,1% cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy ở 5 kỳ hạn phổ biến. Cũng điều chỉnh tăng 0,1% một năm lãi suất nhưng NamABank chỉ áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, hiện gửi tại quầy, mức lãi suất lên 6,2% một năm.

Hay như tại Eximbank, ngân hàng cũng tăng lãi suất khá mạnh cho giao dịch online, tăng 0,1% cho kỳ hạn 6, 9 tháng và tăng 0,32% cho kỳ hạn 12 tháng. Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã tung chương trình ưu đãi và cộng thêm lãi suất khi gửi tiết kiệm online.

Dự báo chung cho năm 2022, BVSC cho rằng, mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25-0,5%), nhất là trong nửa cuối của năm 2022.

LÃI SUẤT TIẾT KIỆM NGÂN HÀNG NÀO CAO NHẤT?

Về bảng xếp hạng lãi suất cao nhất tháng 12/2022, Techcombank đang dẫn đầu với mức 7,1%/năm. Khách hàng muốn nhận được mức lãi suất này cần phải gửi khoản tiền từ 999 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12 tháng.

Duy trì ở vị trí thứ hai là ngân hàng MSB với mức ấn định 7%/năm và điều kiện số tiền gửi áp dụng từ 200 tỷ đồng trở lên tại hai kỳ hạn là 12 tháng và 13 tháng.

Liền sau là LienVietPostBank hiện đang xếp ở vị trí thứ ba với lãi suất là 6,99%/năm. Điều kiện để khách hàng nhận được mức lãi suất này là phải có khoản tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng và 60 tháng, trong đó giá trị tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng phải từ 300 tỷ trở lên.

Bên cạnh đó, khách hàng có thể cân nhắc lựa chọn gửi tiền ở một số ngân hàng khác cũng có lãi suất tiết kiệm tương đối cạnh tranh như MBBank (6,9%/năm), Ngân hàng Việt Á (6,9%/năm)… Nhưng, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.

Tại nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) trong tháng này chỉ Vietcombank là có điều chỉnh giảm lãi suất tại một số kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến mức lãi suất cao nhất đang được huy động tại ngân hàng này. Trong đó, mức lãi suất ngân hàng cao nhất là 5,6%/năm tại VietinBank; ba ngân hàng còn lại có chung mức 5,5%/năm.

VPBank vẫn ở vị trí cuối cùng với mới lãi suất cao nhất chỉ đạt 5,4% cho kỳ hạn 15-36 tháng, kèm theo điều kiện khách hàng gửi 50 tỷ đồng trở lên.

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất tháng 1/2022? - Ảnh 1

[ad_2]