[ad_1]

Các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) đang là cánh cửa mở ra nhiều hy vọng cho những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, khi các điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất còn ngặt nghèo, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà giá rẻ, dường như câu chuyện “an cư lạc nghiệp” của không ít người dân còn rất xa vời.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11, Thông tư số 32 và Thông tư số 25 là 4,8%/năm, tương đương với mức lãi vay của ngân hàng chính sách xã hội.

Khó khăn cũ vẫn lặp lại?

Theo Thông tư 11, đối tượng vay vốn gồm người mua, thuê, thuê mua NƠXH và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được quy định tại Thông tư số 7 của Bộ Xây dựng. Hoặc doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH, nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án NƠXH theo quy định.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 32, đối tượng vay vốn là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng.

Hoặc, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình…

Lãi suất đi ngang, lo khó vẫn hoàn khó với người vay mua nhà ở xã hội

Lãi suất ưu đãi không đổi khiến nhiều người mua nhà lo những khó khăn cũ lặp lại. (Ảnh TL)

Quyết định của Ngân hàng Nhà nước phần nào đó khiến người mua nhà “thở phào” bởi trước đó đã có đề xuất loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để thuê, mua NƠXH theo quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, việc mức lãi suất áp dụng trong năm 2022 không thay đổi so với 2021 (dù giảm 0,2 điểm % so với năm 2019 và 2020) vẫn mang đến nhiều lo lắng về việc các khó khăn cũ sẽ lặp lại.

Về phía doanh nghiệp, nhiều chủ đầu tư dự án NƠXH than rằng với mức lãi suất hiện tại cùng với cơn “bão giá” vật liệu xây dựng, nếu không tăng giá bán sẽ bị lỗ. Bởi một thực tế, để tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất 4,8% là rất khó.

Điển hình, trong thời gian gần đây, một sự việc gây xôn xao dư luận là một số doanh nghiệp chuyên xây dựng NƠXH tại Bắc Ninh đã làm đơn xin điều chỉnh giá bán, giá cho thuê, thậm chí xin ngừng bán các căn hộ. Nguyên nhân đến từ việc chi phí đầu tư tăng, trong khi mức giá bán phê duyệt quá thấp.

Đại diện một số doanh nghiệp ở Bắc Ninh thông tin, do không tiếp cận được nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nên họ đang phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất 9,6%/năm. Trong khi đó, khi làm cơ sở để phê duyệt giá bán nhà, các cơ quan chức năng lại chỉ tính lãi suất là 4,8%, gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư.

Với mức lãi suất hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị tăng mức giá bán. Điển hình như công ty Cổ phần Cát Tường cho rằng, với dự án từ 2019, giá nhà phải ở mức 14 triệu/m2 mới phù hợp. Bởi, với nguồn cung nguyên vật liệu tăng 25% trên tổng suất đầu tư, lợi nhuận chỉ được 10%, nếu chủ đầu tư tiếp tục bán nhà theo giá được phê duyệt sẽ bị lỗ. Dự án NƠXH Cát Tường đã được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh phê duyệt giá bán là 10,5 triệu đồng/m2 căn hộ.

Giấc mơ “an cư” còn xa vời

Việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cộng với giá vật liệu xây dựng tăng khiến các doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán. Còn với người mua nhà ở, giấc mơ an cư lạc nghiệp có thể sẽ tiếp tục xa vời. NƠXH vốn đã thiếu nguồn cung, nay giá lại có nguy cơ bị đẩy lên cao hơn.

Không thể phủ nhận nguồn vốn vay ưu đãi đã trở thành “cứu cánh” cho nhiều người mua nhà trong 3 năm qua. Tuy nhiên, số lượng người được đáp ứng nhu cầu mua nhà ở vẫn còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Anh Nguyễn Tiến Cường, quê Bắc Giang, cùng gia đình lên Hà Nội gần 10 năm nay. Lao động tự do, cuộc sống bấp bênh, nên mua một căn NƠXH vẫn là điều mơ ước bấy lâu của anh.

“Sau khi tìm hiểu, vợ chồng tôi có “ngắm” một căn hộ có giá gần 1 tỷ tại một dự án NƠXH trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Khó khăn lớn nhất hiện tại của nhà tôi là tiếp cận vốn vay ưu đãi. Với ngân hàng chính sách, phải có tiền gửi trước 6 tháng, chứng minh thu nhập, hộ khẩu thường trú ổn định. Ngân hàng thương mạị thì điều kiện “dễ thở” hơn, nhưng lãi suất lại cao hơn”, anh Cường chia sẻ.

Theo các chuyên gia, để giải “cơn khát” nhà ở cho người thu nhập thấp, đầu tiên cần nhanh chóng tăng nguồn cung. Thống kê cho thấy, mục tiêu phát triển NƠXH trong giai đoạn 2015 – 2020, chỉ đạt 42% kế hoạch đề ra. Để làm được thì cần “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc công ty TNHH Xây dựng thương mại Lê Thành, chia sẻ: “Các ưu đãi hiện nay chưa khuyến khích được nhà đầu tư tham gia vào dự án NƠXH, nguồn vốn tài chính quá khó tiếp cận”.

Đồng quan điểm, đại diện nhiều doanh nghiệp đã thực hiện dự án NƠXH cũng cho rằng nếu Chính phủ có thêm gói vay ưu đãi như gói 30.000 tỷ đồng trước đây sẽ thu hút được nhà đầu tư.

Cùng với việc gỡ khó cho doanh nghiệp là tạo cơ chế thuận tiện cho người mua nhà. Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cho tạm dừng thực hiện quy định phải gửi tiết kiệm tại ngân hàng chính sách để được vay vốn ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi mua nhà trong bối cảnh khó khăn kép do dịch Covid-19.

Có thể thấy, bên cạnh việc giảm lãi suất, việc “cởi trói” cho doanh nghiệp và tạo cơ chế thông thoáng cho người dân trong quá trình tiếp cận nguồn vốn là các yếu tố quan trọng để giúp những người có thu nhập thấp hiện thực hóa giấc mơ an cư, lạc nghiệp.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khi NƠXH phát triển, nhiều người thu nhập thấp có thể mua nhà sẽ giảm được tình trạng mua bán đất bằng… giấy viết tay hay phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép ở những địa phương có dân số cơ học tăng nhanh.

[ad_2]