[ad_1]

Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy sự hồi sinh du lịch của Việt Nam một cách ấn tượng tương tự như Thái Lan. Dù tỷ lệ việc làm liên quan đến du lịch nói chung ở Việt Nam thấp nhất trong các quốc gia Đông Nam Á, thị trường việc làm phi chính thức liên quan đến ngành này lại tương đối cao, đặc biệt là lĩnh vực nhà hàng chiếm đến 83%…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo vừa công bố, HSBC nhận định Việt Nam là khu vực ở vị trí thuận lợi để đón 3 “cú hích” khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc mở cửa.

BA CÚ HÍCH NỔI BẬT

Dấu ấn đầu tiên theo sau việc Trung Quốc mở cửa là sự đi lên của ngành du lịch. Cụ thể, khác với Thái Lan, du lịch Việt Nam không chiếm tỷ trọng quá cao trong nền kinh tế của đất nước. Kể cả trước đại dịch, thu từ du lịch chỉ chiếm 4,4% GDP toàn quốc, xếp thứ 4 trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, không thể xem nhẹ tầm quan trọng của sự sụt giảm nặng nề của ngành du lịch đối với thị trường việc làm tại Việt Nam.

“Dù tỷ lệ việc làm liên quan đến du lịch nói chung ở Việt Nam thấp nhất trong các quốc gia Đông Nam Á, thị trường việc làm phi chính thức liên quan đến ngành này lại tương đối cao, đặc biệt là lĩnh vực nhà hàng chiếm đến 83%”, báo cáo nêu rõ.

Do đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một dấu hiệu tươi sáng cho sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch, đặc biệt là ở Việt Nam khi Trung Quốc chiếm khoảng 30% tỷ trọng khách du lịch quốc tế.

Kinh tế Việt Nam hưởng lợi những gì sau khi Trung Quốc mở cửa? - Ảnh 1

Một yếu tố khác vô cùng quan trong khi nhắc tới sự mở cửa của Trung Quốc là quan hệ hợp tác thương mại. Từ năm 2020, ASEAN đã vượt EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Tỷ trọng của Trung Quốc trong xuất khẩu từ ASEAN đã tăng mạnh trong 15 năm qua, Trung Quốc trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của phần lớn các nền kinh tế trong khu vực.

Ở Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 sau Mỹ. Là một trong những quốc gia có thị phần xuất khẩu đứng thứ hai sau Indonesia, Việt Nam cũng sẽ là một quốc gia hưởng lợi, mặc dù ở mức độ thấp hơn, khi hàng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không còn phải trải qua sự kiểm tra nghiêm ngặt như trong đại dịch khi Trung Quốc dần nới lỏng các chính sách.

Kinh tế Việt Nam hưởng lợi những gì sau khi Trung Quốc mở cửa? - Ảnh 2

Đồng thời, một “cú hích” đáng chú ý khác khi Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là sự gia tăng nguồn vốn FDI từ quốc gia đại lục. Trong khi khủng hoảng tài chính châu Á (AFC) có tác động tiêu cực đến môi trường FDI của ASEAN, tỷ trọng FDI chảy vào khu vực trên tổng dòng vốn đầu tư của thế giới đã tăng trong suốt một thập kỷ sau Khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC), đạt mức cao kỷ lục 11% vào năm 2021, gần như ngang bằng với Trung Quốc.

“Trong đó, Singapore, Việt Nam và Malaysia là những quốc gia có lĩnh vực sản xuất là trụ cột tăng trưởng chính. Sản xuất tiếp tục là “xương sống” của FDI vào ASEAN, một lĩnh vực mà Trung Quốc đã bắt kịp với các quốc gia châu Á khác trong những năm gần đây”, báo cáo của HSBC nhấn mạnh.

CẨN TRỌNG VỚI RỦI RO LẠM PHÁT

Dù việc Trung Quốc nới lỏng các chính sách phòng chống dịch đã mở ra nhiều triển vọng phát triển tươi sáng cho khu vực ASEAN, thì tình hình kinh tế toàn cầu vẫn đem lại nhiều rủi ro cho sự hồi phục của các quốc gia này. HSBC cảnh báo bức tranh lạm phát của ASEAN vẫn còn mờ mịt khi tình hình ở nhóm quốc gia này phụ thuộc nhiều vào các chính sách địa phương bên cạnh giá cả tài nguyên, khoáng sản toàn cầu.

Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp ở một số thị trường cao hơn so với năm 2019 trong bối cảnh mức độ phục hồi của ngành du lịch trong khu vực còn nhỏ. Tức là khả năng phục hồi còn lớn, gây áp lực về giá do nhu cầu.

Cùng với đó, mặc dù lạm phát nhập khẩu giảm, nhưng các quốc gia không thể loại trừ những cú sốc bên ngoài. Giá điện ở Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực tăng do giá than nhập khẩu vẫn tăng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến sự phục hồi của Trung Quốc và những tác động ngầm đối với nhu cầu năng lượng toàn cầu. Trong khi đó ví dụ, triển vọng lạm phát của Thái Lan phụ thuộc rất nhiều vào giá năng lượng toàn cầu.

Việt Nam cùng với Philippines là hai quốc gia duy nhất ở ASEAN chưa chứng kiến lạm phát đạt đỉnh. Trong đó, tại Việt Nam, lạm phát toàn phần bình quân ở mức 3,2% trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam hưởng lợi những gì sau khi Trung Quốc mở cửa? - Ảnh 3

Tuy nhiên, các chỉ số lạm phát gần đây liên tục vượt ngưỡng 4%, phản ánh đà lạm phát đang gia tăng. Mặc dù tình hình được xoa dịu phần nào nhờ giá dầu bình ổn, lạm phát cơ bản và lương thực tiếp tục leo thang ở Việt Nam.

Đồng thời, kể từ khi xuất hiện đại dịch, thế giới đã phải đối mặt với vô số cú sốc bên ngoài, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và mô hình tiêu dùng thay đổi hoàn toàn. Giá điện ở Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực tăng do giá than nhập khẩu vẫn tăng.

Nhìn chung, áp lực giảm bớt của đồng USD trong thời gian gần đây cũng sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước trong cuộc chiến chống lạm phát. Là ngân hàng trung ương cuối cùng trong khu vực đưa ra động thái, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái quyết liệt kể từ tháng 9 năm ngoái, triển khai các đợt tăng lãi suất liên tiếp 100 điểm cơ bản mỗi lần.

“Việt Nam cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát mạnh mẽ hơn, báo hiệu việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất. HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở trong cả quý 1/2023 và quý 2/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7,0% vào giữa năm 2023”, nhóm nghiên cứu của HSBC nêu quan điểm.

Nguồn: https://vneconomy.vn/kinh-te-viet-nam-huong-loi-nhung-gi-sau-khi-trung-quoc-mo-cua.htm

[ad_2]