Khi dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp xây dựng là nhóm đối tượng được điểm danh sau cùng trong việc xem xét hỗ trợ. Lo “chết trên đống tài sản”, các doanh nghiệp đang xin ngân hàng “trợ thở dòng tiền”.

Đối với ngành xây dựng, các doanh nghiệp ở ngành này gặp nhiều khó khăn trong quý II/2021 với 48,6% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn quý I/2021; 34,1% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn ổn định, chỉ có 17,3% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.

Kiến nghị Thủ tướng: Doanh nghiệp xây dựng cần “ôxy tín dụng”
Đối với ngành xây dựng, các doanh nghiệp ở ngành này gặp nhiều khó khăn trong quý II/2021 với 48,6% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn quý I/2021

Theo các doanh nghiệp, quý III/2021 hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng tiếp tục duy trì nhịp độ như quý II/2021 với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn là 17,8%, 33,6% số doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và 48,6% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn.

Thi công đình đốn, dòng tiền đứt gãy vì Covid-19 khiến tình hình kinh doanh năm 2021 gặp vô vàn khó khăn, song nhiều doanh nghiệp xây dựng vẫn đang trù tính kế hoạch trở lại sau giãn cách.

Ông Phạm Hòa Lạc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng – Thương mại Băng Dương (TP.HCM) cho biết, tác động nặng nề từ Covid-19 làm đảo lộn mọi hoạt động, khiến hầu hết các công trình xây dựng, dự án đầu tư Công ty tham gia bị dừng lại, dòng tiền đứt gãy nên gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo Công ty đã lên kế hoạch để khởi động lại hoạt động xây dựng sau thời điểm ngày 30/9, khi TP.HCM và một số địa phương nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

“Ngay trong mùa dịch, chúng tôi đẩy mạnh tìm việc thông qua đấu thầu qua mạng các dự án xây dựng hạ tầng ở cả khu vực đầu tư công và khu vực tư nhân. Tại một số địa bàn dịch được kiểm soát tốt như Phú Quốc (Kiên Giang), Long Sơn (TP. Vũng Tàu), hoạt động thi công xây dựng của Công ty vẫn được duy trì, có gói thầu giá trị xây dựng lên tới hàng trăm tỷ đồng”, ông Lạc nói.

Chia sẻ về kế hoạch hậu giãn cách, ông Hoàng Văn Lanh, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng Nguyễn Hoàng cũng cho biết, là tổng thầu của nhiều công trình xây lắp hạ tầng quan trọng tại TP.HCM, Công ty Nguyễn Hoàng đang rốt ráo chuẩn bị cho việc tái khởi động sau giãn cách. Cụ thể, Công ty cùng các nhà thầu phụ rà soát mức độ đáp ứng về thiết bị, cung ứng vật tư và nhân lực để bổ sung kịp thời cho thời điểm tái khởi động hàng loạt công trình lớn như xây dựng khối nhà 5B, Trung tâm Sơ sinh và Chuyên khoa hệ nội (Bệnh viện Nhi Đồng 1), Dự án Cải tạo Bệnh viện An Bình (giai đoạn I), Dự án Xây dựng Bệnh viện Củ Chi…

Tuy nhiên, sự trở lại của doanh nghiệp xây dựng được dự báo là gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng khan hiếm nhân công, thiếu nguồn cung vật tư, thiết bị, giá cả tăng… Các doanh nghiệp đang chờ TP.HCM đưa ra phương án mở cửa trở lại, kèm theo hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn để có chuẩn bị tốt hơn.

Để vượt qua thách thức không chỉ bằng nỗ lực của doanh nghiệp, mà còn trông cậy rất lớn vào các chính sách mang tính trợ giúp, tiếp sức từ Chính phủ và các địa phương.

Ông Phạm Hòa Lạc đánh giá, việc doanh nghiệp phải ngưng hoạt động bởi các biện pháp giãn cách xã hội không chỉ đứt gãy chuỗi sản xuất mà đứt gãy dòng tiền, khiến tài chính nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất cân đối. Nỗi lo đáo hạn các khoản vay ngân hàng đè nặng, nguy cơ hiện hữu các khoản tín dụng nhảy nhóm nợ xấu, dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín doanh nghiệp.

Là ngành kinh doanh có rủi ro cao, doanh nghiệp xây dựng luôn được xếp vào danh mục bị “soi” khi vay vốn từ phía các tổ chức tín dụng. Vì thế, khi dịch bệnh xảy ra, đây cũng là nhóm đối tượng được điểm danh sau cùng trong việc xem xét hỗ trợ. Lo “chết trên đống tài sản”, các doanh nghiệp BĐS đang xin ngân hàng “trợ thở dòng tiền”.

Đến từ một doanh nghiệp BĐS có tiếng ở TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ: “Chúng tôi có dự án ở thành phố mới Thủ Đức. Trước khi có ảnh hưởng dịch bệnh, đã có một số khó khăn nhất định liên quan đến điểm nghẽn về pháp lý, lệch pha cung cầu. Khi dịch bệnh ập tới, khó khăn nhân đôi. Hiện nay, tình hình dịch đang nóng, là yếu tố bất khả kháng tác động, buộc tất cả các doanh nghiệp BĐS gần như dừng hoạt động”.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp BĐS TP Hồ Chí Minh đã phải đóng cửa văn phòng, doanh nghiệp ở tất cả các nhóm đều khó khăn. Các chủ đầu tư thường có kế hoạch hoạch định dài hơi nên cũng có nguồn lực dự phòng cho đầu tư phát triển dự án, nhưng đấy là với điều kiện bình thường vẫn có nguồn thu, hiện tại không có nguồn thu mà dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư. Còn các doanh nghiệp môi giới hiện cũng đang không có nguồn thu và phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ được nhân sự.

“Vào quý IV-2021, nếu lực lượng này không hoạt động được, bởi các đơn vị vừa rồi đã quá khó khăn, mọi chuyện sẽ càng tệ hơn nữa. Do đó, hiện các doanh nghiệp đang rất cần sự trợ lực từ phía các cơ quan Chính phủ, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết. Các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa số các chủ đầu tư dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng rất lớn.

Các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ và giảm để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào quý VI năm nay. Còn với những doanh nghiệp môi giới, để có thể duy trì được hoạt động, họ cần chi trả chi phí mặt bằng, nhân viên, họ cũng rất cần đến vốn vay để trả lương. Gói cho vay ưu đãi này cũng cần xem xét”, bà Hương đề xuất.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MSH Group (My Second Home) cho rằng, việc lãi suất hạ thấp sẽ hỗ trợ rất nhiều cho thị trường BĐS cả về hai phía gồm những doanh nghiệp kinh doanh, xây dựng BĐS lẫn khách hàng. Các doanh nghiệp được hưởng lợi khi được vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp, giảm được chi phí vốn và hỗ trợ được tốt trong vấn đề xây dựng công trình BĐS. Các doanh nghiệp kinh doanh sẽ có cơ hội vay thêm được các khoản vay từ ngân hàng phát triển các sản phẩm phù hợp với thị trường và mang lại nhiều giá trị bền vững cho khách hàng. Trong khi đó, người mua BĐS cũng có lợi khi được vay tiền với lãi suất thấp hơn để mua nhà.

Đại diện cho nhóm doanh nghiệp này, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, sau gần 2 năm chống chọi với COVID-19, các doanh nghiệp BĐS hầu hết đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào nguy cơ bị phá sản, nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời.

“Hiệp hội nhận thấy, lĩnh vực BĐS đóng góp khoảng 7-8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS vượt qua cơn bão đại dịch COVID-19 lần này, để tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho các tầng lớp nhân dân”, HoREA đề xuất và nhấn mạnh rằng, hiện nay hầu như các doanh nghiệp BĐS chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.

Theo HoREA, việc thực hiện giãn cách xã hội diện rộng khiến doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn bủa vây, trong đó, khó khăn nhất là thiếu dòng tiền. Việc thiếu “ôxy dòng tiền” có thể làm cho doanh nghiệp bị “ngộp thở” ngay lập tức, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động, không còn tiền để “cầm cự” qua giai đoạn quá khó khăn này, doanh số bán hàng bị “rơi thẳng đứng”, không thể huy động được vốn như trước đây.

Bởi vậy, trong công văn gửi Ngân hàng Nhà nước mới đây, HoREA cho rằng, lãi vay vừa qua giảm chưa như kỳ vọng trong khi doanh nghiệp vẫn phải đều đặn trả lãi vay cho ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp đã phải “vay nóng” để trả lương, trả lãi ngân hàng, duy trì hoạt động tối thiểu… Do đó, nếu không được tiếp cận vốn mới, doanh nghiệp BĐS sẽ đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, “chết trên đống tài sản” của chính mình (có tài sản nhưng chưa bán được dẫn đến “thiếu dòng tiền”).

“Được tiếp cận tín dụng trong lúc này hơn lúc nào hết chính là “ôxy tín dụng” cấp cứu cho doanh nghiệp và phải trông cậy vào “máy trợ thở dòng tiền” từ nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA khẳng định và đề nghị Ngân hàng Nhà nước khi sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ cho doanh nghiệp cần cho phép các ngân hàng thương mại được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, bao gồm cho cả doanh nghiệp BĐS và hộ gia đình, cá nhân. Thời hạn cơ cấu nợ kéo dài đến ngày 30/6/2022 như dự thảo.

Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là hợp lý hợp tình, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên…

Trước đó, vào ngày 9/8/2021, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cũng đã có công văn khẩn thiết kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ, giúp cho các doanh nghiệp xây lắp cầm cự được qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, thời gian qua, dịch COVID-19 đã và đang tác động xấu đến nhiều mặt đời sống kinh tế – xã hội của nước ta, trong đó các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thay mặt cho các doanh nghiệp xây dựng, VACC khẩn thiết kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ, giúp cho các doanh nghiệp cầm cự được qua thời điểm khó khăn.

Cụ thể, VACC đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; Bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

VACC đồng thời kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng có quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công trình nào phải tạm dừng.

Theo ông Hiệp, những công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san nền có mặt bằng thoáng, không bị tập trung đông người hoặc những công trình xây dựng đang ở vào giai đoạn hoàn thiện cuối để bàn giao mà không nằm trong vùng dịch trọng điểm, VACC xin đề nghị vẫn cho phép tiếp tục triển khai (nhưng phải áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm tra phòng chống dịch).

Bên cạnh các nội dung nói trên, VACC đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một số biện pháp khác, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo đó, VACC kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng thu bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm cho tất cả các lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng.

Cũng trong ngày 9/8, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VECAS) cũng đề xuất một số chính sách trong phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng nhằm gỡ khó cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, hành nghề hoạt động xây dựng và hành nghề kiến trúc.

Theo bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch VECAS, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên trong thời gian qua, các hoạt động tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân không được tổ chức theo kế hoạch và không đảm bảo thời gian quy định, hoặc không thể tổ chức. Nhiều cá nhân trên cả nước gặp nhiều khó khăn do đã hết hạn chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, hành nghề kiến trúc hoặc chưa được cấp.

Do vậy, VECAS kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng ban hành chính sách cho phép các cơ quan, tổ chức xã hội – nghề nghiệp đủ điều kiện tổ chức sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, hành nghề kiến trúc theo hình thức trực tuyến.