[ad_1]

Kiến nghị bố trí vốn chuẩn bị đầu tư 12 dự án trọng điểm ở TP.HCM

Tổng vốn 12 dự án là 72.781 tỷ đồng, dự kiến triển khai theo hình thức PPP, được Sở GTVT kiến nghị TP.HCM trình HĐND xem xét, bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư trong năm nay.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) vừa đề xuất UBND TP.HCM danh mục 12 dự án chuẩn bị đầu tư năm 2022 để trình HĐND TP tại kỳ họp vào tháng 3 tới.

Theo khái toán, tổng nguồn vốn 12 dự án là 72.781 tỷ đồng, dự kiến triển khai theo hình thức PPP. Chi phí thực hiện công tác lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư khoảng 8,3 tỷ đồng.

Trong đó, dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là tuyến giao thông xuyên Á, dài hơn 50 km, triển khai theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), tổng mức đầu tư 15.900 tỷ đồng.

Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài hình thành được kỳ vọng phát huy lợi thế một số tuyến cao tốc hiện hữu tại khu vực. Công trình không chỉ kết nối TP.HCM qua Tây Ninh mà còn kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế…

Kiến nghị bố trí vốn bị đầu tư 12 dự án trọng điểm ở TP.HCM ảnh 1

Đường xuyên Á (quốc lộ 22) là tuyến đường bộ duy nhất nối TP.HCM với cửa khẩu Mộc Bài. Ảnh: Quỳnh Danh.

Dự án cầu Thủ Thiêm 4 (nối TP Thủ Đức và quận 7), quy mô 6 làn xe, vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng. Công trình được xem là cần thiết nhằm giải tỏa áp lực giao thông giữa các quận Bình Thạnh – TP Thủ Đức, quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè… Cầu Thủ Thiêm 4 còn có vai trò kết nối Khu đô thị Thủ Thiêm với trung tâm thành phố hiện hữu, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới phía nam thành phố.

Cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè qua Cần Giờ, tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng), dự kiến triển khai theo hình thức BOT, được đề xuất làm các công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2022-2023. Khi hình thành, cầu sẽ phá thế độc đạo của phà Bình Khánh, kết nối khu nam thành phố với huyện Cần Giờ.

Đường trên cao số 1 (từ nút giao Cộng Hòa đến đường Ngô Tất Tố) dài 9,5 km, quy mô 4 làn xe, đi qua quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Công trình triển khai theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư 17.500 tỷ đồng. Đường trên cao số 1 xây dựng nhằm giải quyết ùn tắc, kẹt xe tại khu vực trọng yếu, tăng tính kết nối trục đông – tây thành phố.

Kiến nghị bố trí vốn bị đầu tư 12 dự án trọng điểm ở TP.HCM ảnh 2

Cầu Thủ Thiêm 4 kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 7. Ảnh: Lê Quân.

8 công trình khác được Sở GTVT đề xuất bố trí vốn lập kế hoạch đầu tư gồm: Đường trục động lực (tuyến song song quốc lộ 50); dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM; đường nối tuyến Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM Trung Lương); các dự án xây cụm cảng trung chuyển – ICD tại phường Long Bình (TP Thủ Đức); xây cảng cạn ở huyện Củ Chi; xây dựng cảng ở Tân Kiên (huyện Bình Chánh); xây 2 bến xe hàng ở TP Thủ Đức và trong khu dân cư phía nam xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) cũng được đề xuất làm các công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2022-2023.

Trong Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở TP.HCM giai đoạn 2020-2030, các dự án giao thông được lựa chọn đầu tư phân loại theo thứ tự ưu tiên, cần thiết và hiệu quả.

Hiện, TP.HCM tập trung khép kín vành đai 2, xây các tuyến đường giải tỏa điểm nóng sân bay Tân Sơn Nhất. 5 năm tới, thành phố ưu tiên thực hiện 3 tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và TP.HCM – Trung Lương (mở rộng); tập trung các tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố cùng việc đẩy nhanh khép kín vành đai 3.

Giai đoạn này, thành phố cũng tập trung vào dự án trọng điểm như metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên, 89% khối lượng); metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) và metro số 5 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn, đang giải phóng mặt bằng).

Thư Trần

[ad_2]