[ad_1]

Nhiều dự báo cho rằng, tín hiệu phục hồi của thị trường bất động sản sẽ sớm xuất hiện ở nửa cuối năm 2023. Lực đẩy này đến từ quá trình thanh lọc của bất động sản đã kéo dài gần một năm, cộng hưởng chính sách thúc đẩy đầu tư công, gỡ vướng cho doanh nghiệp địa ốc.

Khi nào thị trường bất động sản “tan băng”?

Bước sang năm 2023, tính đến nay, thị trường bất động sản đã và đang rơi vào giai đoạn trầm lắng kéo dài. Một số phân khúc ghi nhận tình trạng cắt lỗ và xu hướng này đang lan rộng như đất nền, bất động sản thấp tầng, bất động sản nghỉ dưỡng. Thanh khoản sụt giảm, thậm chí một số loại hình bất động sản đóng băng.

Tình cảnh doanh nghiệp bất động sản nợ lương, cắt giảm quy mô nhân sự, cắt giảm chi phí marketing dự án đã không còn là hiện tượng hiếm gặp. Thậm chí, nhiều văn phòng môi giới phải đóng cửa. Môi giới bắt đầu chuyển nghề sau khoảng thời gian khó hoạt động.

Sự trầm lắng của thị trường được đánh giá là diễn biến tất yếu sau thời gian tăng trưởng “nóng”. Mặt khác, ảnh hưởng của chính sách điều chỉnh lãi suất tăng của Ngân hàng Nhà nước cùng với cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng trong nước đã đẩy nhà đầu tư vào gánh nợ lãi cao. Trong khi đó, người mua gặp khó khi không tiếp cận được vốn vay, cũng như lo ngại về mức lãi suất cho vay đang gia tăng không ngừng.

Theo đánh giá từ giới chuyên gia, có quá nhiều lý do đẩy thị trường bất động sản vào giai đoạn suy thoái như hiện tại. Dẫu vậy, tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản đang bắt đầu xuất hiện, là cơ sở để kỳ vọng vào sức bật của kênh đầu tư này trong năm 2023.

Là người từng trải qua cuộc khủng hoảng thị trường 2011-2013, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, khó khăn của thị trường hiện tại sẽ qua nhanh. Ông Quyết lý giải, vì bản chất của thị trường nội tại và nền kinh tế của Việt Nam năm 2022 khá tốt so với hơn 10 năm trước.

Ông Quyết dẫn ra một vài chỉ dẫn tích cực như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt khoảng 2-3% năm 2011-2012 nhưng con số này trong năm 2022 ghi nhận tăng 7%. Và được dự đoán 2023 sẽ còn tăng. Về dòng tiền, dự trữ quốc gia khá ổn. Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu tốt hơn so giai đoạn trước.

Cũng theo giới chuyên gia, với tháo gỡ vướng mắc về pháp lý khi các Luật định được ban hành, nguồn room tín dụng mới cùng với động thái chỉ đạo quyết liệt hỗ trợ bình ổn thị trường bất động sản từ Chính phủ, dòng tiền FDI đổ mạnh vào Việt Nam… sẽ là những lực đẩy góp phần làm “tăng băng” bất động sản.

Một dự báo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra, đó là bước sang quý II, quý III, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính…; cùng với việc các vướng mắc trên dần được tháo gỡ.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng có dự báo đầy lạc quan vào sự “tan băng” của thị trường địa ốc. Theo ông Châu, thị trường bất động sản trong năm 2023 vẫn có những “điểm sáng” tích cực, sẽ hồi phục và không rơi vào khủng hoảng. Đến giữa năm 2023, tức là kết thúc quý II, thị trường sẽ ổn định và trở về quỹ đạo vốn có của nó thay vì chuyển thành là những gam màu xám.

[ad_2]

Nguồn: https://markettimes.vn/khi-nao-thi-truong-bat-dong-san-tan-bang-14835.html