[ad_1]

Giá cả hàng hóa leo thang, chuỗi cung ứng đứng trước rủi ro bị đứt gãy, biến động logistics khó lường… đang tạo áp lực lên các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần những liều “kháng sinh” trợ lực để phục hồi sau giai đoạn bị “bào mòn” vì Covid-19…

“Kháng sinh” giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa hồi phục

Một trong số liều “kháng sinh” được “kê” cho doanh nghiệp là thực hiện chuyển đổi số. Đại diện của một trong hai doanh nghiệp được lựa chọn chia sẻ bài học kinh nghiệm tại hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Tô Ngọc Phương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Hanpo Vina, cho biết việc chuyển đổi số đã đem đến những kết quả vượt mong đợi của doanh nghiệp.

TRỢ LỰC TỪ CHUYỂN ĐỔI SỐ

“Chuyển đổi số giúp Hanpo hệ thống hóa quản trị theo thời gian thực (realtime), nhờ đó chúng tôi đã giảm 50% hàng lỗi trong năm 2021 và tiếp tục giảm thêm 20% trong 6 tháng đầu năm 2022”, ông Phương cho biết.

Cụ thể, theo ông Phương, biên lợi nhuận của doanh nghiệp đã có cải thiện đáng kể khi quy trình sản xuất được kiểm soát, chi phí sản xuất được tiết kiệm và lượng hàng doanh nghiệp xuất cho các đối tác lớn như Samsung, Canon, Fuji Xerox… có xu hướng tăng lên. “So sánh lợi ích đạt được với khoản chi phí vài trăm triệu bỏ ra đầu tư vào chuyển đổi số, chúng tôi cảm thấy hoàn toàn xứng đáng”, ông Phương bày tỏ.

“Kháng sinh” giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa hồi phục - Ảnh 1

Song, lãnh đạo của Hanpo thừa nhận quyết định bỏ ra khoản tiền lớn để thực hiện chuyển đổi số là “khá cân não” với Ban lãnh đạo, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và rủi ro tạm dừng sản xuất rất lớn trước sự lan rộng của Covid-19 là rất lớn.

Thực tế này cũng được ghi nhận trong Khảo sát về thách thức chuyển đổi số và tiếp cận tài chính của doanh nghiệp, được Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện. Có tới 60,1% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số, cao hơn đáng kể so với các khó khăn liên quan tới thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh (52,3%), thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số (52,3%) và thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số (45,4%)…

Còn theo ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen, tập quán của người lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt có cả những người lãnh đạo ở tầm trung của doanh nghiệp.

 “Tuy nhiên, đáng mừng là qua hơn 1 năm triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp đã nhận thấy lợi ích của việc chuyển đổi số. Do đó, họ đã mạnh dạn tự đầu tư để nâng cấp hệ thống sản xuất – kinh doanh và quản trị”, ông Long chia sẻ về những kết quả của chương trình.

VÀ TRỢ LỰC TỪ HỖ TRỢ TIẾP CẬN TÀI CHÍNH

Liên quan tới những khó khăn trong tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được kênh tài chính chính thống. Đáng chú ý, trong số 25% doanh nghiệp này thì có tới 90% doanh nghiệp phải dựa vào vay ngân hàng.

“Thay vì sử dụng các kênh đa dạng khác trên thị trường tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa quá lệ thuộc vào kênh ngân hàng trong khi các ngân hàng thường yêu cầu tài sản bảo đảm. Điều này đã tạo ra rào cản cho doanh nghiệp tiếp cận vốn”, bà Bùi Thu Thủy, Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp, nhận định.

Đồng quan điểm, bà Đặng Thùy Linh, Giám đốc số hóa hành chính khách hàng doanh nghiệp khối chuyển đổi số của Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB), cũng cho rằng các doanh nghiệp hiện nay rất thiếu và gần như không có tài sản thế chấp vào các khoản vay của ngân hàng. Vì vậy, MSB cũng như nhiều ngân hàng khác đã thực hiện các chương trình để giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng được nguồn vốn với đặc trưng là không có hoặc không đủ tài sản đảm bảo. Gói hạn mức tín dụng lên tới 15 tỷ đồng đã được MSB cung cấp cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và xây dựng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho biết từ năm 2015, BIDV có bộ phận kinh doanh chuyên biệt cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, giai đoạn phục hồi sau Covid-19, BIDV triển khai gói tín dụng do phụ nữ làm chủ với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường.

Đáng chú ý, theo ông Phương, việc chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp thu được lợi ích kép.

“Đó là không chỉ giúp doanh nghiệp giảm hàng lỗi, hàng hỏng; nâng cao biên lợi nhuận; thêm cơ hội xuất hàng cho các đối tác lớn… mà còn giúp Hanpo được xếp vào nhóm có “dòng tiền tốt” để tiếp cận khoản tài chính lên tới 3 tỷ đồng giữa thời điểm dịch bùng phát mà không phải thế chấp”, ông Phương cho hay.

HÀNG TRĂM DOANH NGHIỆP ĐƯỢC HỖ TRỢ

Chia sẻ về kết quả ban đầu của dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (LinkSME) tại hội thảo, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết giai đoạn phục hồi sau Covid-19, khu vực doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan tới quản trị doanh nghiệp, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả đầu vào tăng…

 

“Kháng sinh” giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa hồi phục - Ảnh 2

Hàng trăm doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính

“Hơn 98% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực còn rất hạn chế để triển khai các chương trình chuyển đổi số, thích ứng với tình hình mới giai đoạn sau Covid-19. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và tiếp cận tài chính”, ông Hùng nói.

Cụ thể, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số.

Bên cạnh hỗ trợ về chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp và Dự án LinkSME cũng đã triển khai đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 14 doanh nghiệp đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD.

Cùng với những kết quả trên, dự án LinkSME cũng đã xây dựng hai nền tảng thông tin số tại địa chỉ digital.business.gov.vn và a2f.business.gov.vn nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh chóng và hiệu quả các công cụ, báo cáo, tài liệu liên quan tới chuyển đổi số và tiếp cận tài chính.

Trong đó, nền tảng thông tin tại địa chỉ digital.business.gov.vn là nền tảng số với nhiều thông tin hữu ích về các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, chương trình đào tạo, tài liệu và công cụ, đồng thời kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các chuyên gia tư vấn và đơn vị cung cấp giải pháp số. Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất công nghiệp đã được phát triển, số hóa và tích hợp nền tảng Cổng thông tin này.

Sổ tay và các công cụ đánh giá khả năng tiếp cận các nguồn vốn mới cũng như đánh giá mức độ sẵn sàng tái cấu trúc tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được phát triển và tích hợp trên nền tảng a2f.business.gov.vn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng tiếp cận các công cụ và tài liệu trên nền tảng, đồng thời, tham gia trực tiếp vào các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và kết nối với các nguồn tài chính mới phù hợp với năng lực của doanh nghiệp.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong thời gian tới, dự án LinkSME sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy và mở rộng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tài liệu hóa và nhân rộng mô hình hỗ trợ thành công trên phạm vi toàn quốc.

#box1659338580721{background-color:#669d34}

Nguồn: https://vneconomy.vn/khang-sinh-giup-doanh-nghiep-nho-va-vua-hoi-phuc.htm

[ad_2]