Theo kế hoạch của UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), sẽ có hàng chục căn nhà kiên cố xây dựng trên đất nông nghiệp bị cưỡng chế tháo dỡ. Người mua đất làm nhà mất mát nặng nề, tiền vào tay giới đầu cơ bất động sản.
​​​​​​​

Kết cục buồn của họa phân lô bán nền ở Buôn Ma Thuột

Những ngôi nhà bị phá dỡ vì tin lời “cò” đất

Sáng 11-5, UBND phường Thành Nhất (Buôn Ma Thuột) tiếp tục cưỡng chế, tháo dỡ 10 căn nhà kiên cố, vừa xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Hàng chục công an, trật tự, thanh niên tình nguyện thực hiện việc hỗ trợ người dân có nhà bị cưỡng chế dọn dẹp đồ đạc, đưa đến nơi ở trọ.

Tại khu vực chính quyền địa phương cưỡng chế có gần 30 căn nhà xây kiên cố trên những khu đất trống hoặc xen kẽ trong vườn điều, cà phê, tiêu.

Những ngôi nhà có giá trị từ 300 triệu đồng/căn đến hơn 500 triệu đồng/căn nhưng xây dựng hoàn toàn trên đất trồng cây lâu năm. Tại khu vực này, những con đường tự mở đã được giới đầu cơ làm trước đó để các hộ dân đi lại và được nối thông ra đường nhựa phía ngoài.

Ngậm ngùi nhìn căn nhà mới xây ở chưa được bao lâu bị tháo dỡ, bà P.T.L. (Buôn Ki), cho biết cách nay gần 1 năm, bà đến đây và được người bán đất hứa “bao pháp lý” nên mới tin tưởng mua lô đất diện tích 10m x 30m, giá 400 triệu đồng.

Kết cục buồn của họa phân lô bán nền ở Buôn Ma Thuột

Ngôi nhà 600 triệu đồng của bà L. chỉ còn là đống đổ nát

“Cò đất cũng nói để được xây, phải chung chi cho phường nên tôi đã đưa thêm 40 triệu đồng để lo thủ tục, giấy tờ các thứ tôi vẫn còn giữ. Thế nhưng, vừa hoàn thiện căn nhà với chi phí 600 triệu đồng thì bị cưỡng chế”, bà L. buồn bã.

Trao đổi với phóng viên tại hiện trường, ông Phan Hữu Trí, chủ tịch UBND phường Thành Nhất, cho biết mới về nhận nhiệm vụ tại phường 2 ngày và quyết định đầu tiên ông ký lại là thực hiện việc cưỡng chế 10 căn nhà xây trái phép trên đất rẫy. Theo ông, để đi đến việc phải cưỡng chế, bản thân ông cũng xót xa nhưng phải thực hiện để lập lại kỷ cương.

Để dẫn đến việc phải cưỡng chế cũng có phần trách nhiệm của chính quyền trong việc quản lý đất đai, xây dựng. Nếu không buông lỏng, làm sao để xảy ra việc phân lô bán nền, xây hàng chục căn nhà trái phép trên đất rẫy?

Ông Phan Hữu Trí – chủ tịch UBND phường Thành Nhất

“Do những vi phạm này mà chủ tịch và phó chủ tịch phường đã bị UBND TP kỷ luật bằng hình thức cách chức. Việc này cũng nhắc nhở địa phương, trong công tác quản lý đất đai, xây dựng thời gian tới phải minh bạch, kỷ cương hơn”, ông Trí nói.

Kết cục buồn của họa phân lô bán nền ở Buôn Ma Thuột

Những ngôi nhà mới xây, chưa kịp vào ở đã phải phá bỏ do vi phạm

Theo lãnh đạo UBND phường Thành Nhất, tại Buôn Ki có 24 căn nhà kiên cố xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng đợt đầu thực hiện trước việc cưỡng chế 10 căn.

“Sau khi hoàn thành, họp rút kinh nghiệm sẽ tiếp tục thực hiện cưỡng chế những căn còn lại”, ông Phan Thanh Tuấn – phó chủ tịch UBND phường Thành Nhất – cho biết.

Kết cục buồn của họa phân lô bán nền ở Buôn Ma Thuột

Theo kế hoạch, 14 căn nhà khu vực này sẽ thuộc diện phải tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế

Cũng theo ông Tuấn, kết luận thanh tra của UBND TP Buôn Ma Thuột về công tác quản lý đất đai, xây dựng tại phường, thì có tới 60 công trình vi phạm. Đến tháng 6-2022, tất cả các công trình vi phạm đã có kết luận thanh tra đều phải xử lý.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Hưng – chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột – thừa nhận có sự buông lỏng, tiếp tay của chính quyền địa phương dẫn đến việc phải cưỡng chế các công trình vi phạm.

UBND TP Buôn Ma Thuột yêu cầu đến ngày 30-6, 21 xã phường phải triệt để xử lý các vụ phân lô bán nền đất rẫy, các công trình vi phạm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. TP sẽ không để có sự can thiệp, để những công trình xây dựng trái phép được tồn tại, gây khó khăn cho cơ sở.

Kết cục buồn của họa phân lô bán nền ở Buôn Ma Thuột

Ông Trí (áo thun, cầm chai nước), chủ tịch UBND phường Thành Nhất, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quyết định của Nhà nước

Ông Hưng cho rằng việc xử lý cưỡng chế là hệ lụy của họa phân lô bán nền. Điều đó cho thấy có sự buông lỏng của các địa phương, tạo điều kiện cho các đầu nậu, doanh nghiệp bất động sản gom đất nông nghiệp rồi phân lô, hứa hẹn sẽ lên thổ cư, “bao pháp lý” để bán nền.

Dân mất nhà sẽ lòi… nhóm lợi ích?

Theo ông Hưng, sau việc cưỡng chế các công trình trái phép này cũng sẽ lòi ra những người đứng sau nhận tiền, hứa hẹn.

“Người dân mất nhà sẽ có thể khiếu kiện những người đứng sau, nếu đến mức độ hình sự sẽ giao công an xử lý. Qua đây, ai chụp giật, hứa hẹn lung tung, xã phường buông lỏng quản lý, nhận tiền… sẽ bị lộ ra”, ông Hưng nói.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/ket-cuc-buon-cua-hoa-phan-lo-ban-nen-o-buon-ma-thuot-109592.html



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: