[ad_1]

Các dự án đường cao tốc trong giai đoạn kế tiếp sẽ cần nhiều chính sách tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài cũng như kế hoạch phân bổ vốn ngân sách.

Huy động nguồn vốn nào để làm xong 5.000km cao tốc vào năm 2030?

Để tới năm 2030 hoàn thành 5.000km và năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc dài khoảng 9.014km sẽ cần rất nhiều các giải pháp, chính sách để huy động nguồn vốn tổng lực xây dựng hạ tầng.

Cần huy động khoảng 900.000 tỷ đồng

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, định hướng đến năm 2050, tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cao tốc dài khoảng 9.014km và mạng lưới quốc lộ dài khoảng 29.795km.

Trong số đó, giai đoạn 2021-2025 phấn đấu hoàn thành khoảng 1.800km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 3.000km. Giai đoạn 2026-2030 phấn đấu hoàn thành khoảng 2.000km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 5.000km.

Đê thực hiện khối lượng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tính toán nhu cầu vốn triển khai đầu tư các dự án đường bộ cao tốc đến năm 2030 khoảng 900.000 tỷ đồng (đã bao gồm kinh phí cho các dự án chuyển tiếp); trong đó giai đoạn 2021-2025 nhu cầu khoảng 390.000 tỷ đồng, mới chỉ cân đối được nguồn vốn ngân sách Trung ương được 250.000 tỷ đồng, phần còn lại sẽ huy động từ nguồn ngoài ngân sách.

Giai đoạn 2026-2030 dự kiến nhu cầu khoảng 510.000 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) và vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021-2030.

Trong giai đoạn này, các dự án chưa xác định được nguồn vốn, nên Bộ Giao thông Vận tải đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục kêu gọi đầu tư để huy động vốn thực hiện các tuyến cao tốc có tiến độ trước năm 2030 theo quy hoạch.

“Việc cân đối vốn ngân sách và kêu gọi các nguồn vốn khác là hết sức cần thiết cũng như cần có cơ chế đột phá để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tổng nhu cầu đất sử dụng theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ cho phương án quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc đến năm 2050 khoảng 66.789ha; trong đó diện tích chiếm dụng trước năm 2030 khoảng 46.495ha, nhu cầu diện tích cần bổ sung sau năm 2030 khoảng 20.294ha.

Giải pháp đột phá nguồn vốn để làm đường

Để tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, phân bổ vốn ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Tổng cục Đường bộ kiến nghị các chính sách, giải pháp đột phá để thực hiện quy hoạch.

Chính sách 1: Thu hút tối đa nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông như phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại với lãi suất thấp (3-4%). Sau khi hoàn thành tuyến đường, địa phương khai thác giá trị quỹ đất hai bên tuyến và các khoản thu thuế, dịch vụ do phát triển hạ tầng giao thông đem lại để hoàn trả ngân sách Nhà nước.

Chính phủ cũng cho phép tổ chức tín dụng được phép cho vay vượt khung quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với các dự án trọng điểm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định; khuyến khích các nhà đầu tư huy động vốn từ các Quỹ như hưu trí, thất nghiệp, bảo hiểm xã hội… hay trên thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư được huy động vốn góp; vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài; phát hành trái phiếu công trình để huy động nguồn vốn trong xã hội; tạo điều kiện tiếp cận với các tổ chức tín dụng (trong nước và nước ngoài) vay vốn với lãi suất ưu đãi, hợp lý để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP…

Chính sách 2: Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư hạ tầng đường bộ theo quy hoạch như bố trí nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông hàng năm đạt 3,5-4,5% GDP; các dự án PPP được ngân sách Nhà nước tham gia hơn 50% tổng mức đầu tư để kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách cùng tham gia đầu tư.

Huy động nguồn vốn nào để làm xong 5.000km cao tốc vào năm 2030?

Dự án cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã hoàn thành và đưa vào khai thác. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chính sách 3: Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện dự án bao gồm cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; xây lắp đối với các dự án đầu tư cao tốc.

Trường hợp huy động được nguồn lực, cho phép triển khai ngay các dự án không phụ thuộc vào thời kỳ quy hoạch; thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy hoạch để đầu tư phân kỳ.

Chính sách 4: Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, quy định rõ trách nhiệm của địa phương về công tác đầu tư phát triển hạ tầng đường bộ.

Trong số đó, quy định tỷ lệ ngân sách địa phương tham gia đầu tư đường bộ cao tốc đoạn đi qua địa phương theo tỷ lệ nhất định (các tỉnh tự chủ ngân sách theo tỷ lệ 50/50, các tỉnh còn lại theo tỷ lệ nhất định) để tạo sự chủ động, quyết liệt, đồng hành vào cuộc trong quá trình triển khai thực hiện, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào công tác tổ chức thực hiện của trung ương. Trường hợp địa phương chưa có kinh phí, Trung ương phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại.

Chính sách 5: Hoàn thiện thể chế, chính sách đột phá như ban hành Luật Đường bộ, trong đó quy định cho địa phương đầu tư các tuyến quốc lộ, cao tốc; phân quyền địa phương quản lý hạ tầng giao thông đô thị; điều chỉnh Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng mở rộng phạm vi thu-chi ngân sách địa phương tạo điều kiện để địa phương có nguồn lực đầu tư, quản lý bảo trì đường bộ; điều chỉnh Luật PPP để các dự án PPP được ngân sách Nhà nước tham gia hơn 50% tổng mức đầu tư.

Mặt khác, phát hành trái phiếu Chính phủ cho địa phương vay lại với mục tiêu tập trung đầu tư phát triển các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay Luật Ngân sách chưa cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, nguồn bù đắp bội chi chưa có hình thức vay lại từ trái phiếu Chính phủ và việc vay lại có thể vượt quá mức dư nợ của địa phương./

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/huy-dong-nguon-von-nao-de-lam-xong-5000km-cao-toc-vao-nam-2030-107990.html

[ad_2]