[ad_1]

Kế hoạch thu xếp vốn tới năm 2030 nhấn mạnh cam kết dài hạn của HSBC nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mức phát thải ròng bằng 0.
Nhằm hỗ trợ các mục tiêu khí hậu và cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26, đặc biệt mục tiêu chuyển đổi thành nền kinh tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC Việt Nam) vừa công bố cam kết thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030.

Trong thư gửi Chính phủ Việt Nam, HSBC đã trình bày kế hoạch tài trợ về tài chính lẫn chuyên môn cho các dự án xanh, dự án phát triển bền vững trọng điểm và có tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải các-bon của Việt Nam. Đây là một phần trong cam kết về cân bằng khí thải của Tập đoàn HSBC, nhằm cung cấp từ 750 tỷ USD tới 1 nghìn tỷ USD đến năm 2030 để tài trợ và đầu tư bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp khi họ chuyển sang các phương thức kinh doanh bền vững hơn và giảm phát thải các-bon.

Theo báo cáo của HSBC với tựa đề “Giải quyết cuộc khủng hoảng tiếp theo”, TPHCM nằm trong số các thành phố ở châu Á (cùng với thành phố Mumbai, Thượng Hải, Bangkok và Jakarta) đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao. Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo rằng Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất, đồng thời cũng ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến thu nhập quốc gia của Việt Nam giảm 3,5% vào năm 2050.

Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đầu tư đáng kể vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng xanh. HSBC đã gia tăng các hoạt động và giải pháp hỗ trợ khi phát triển bền vững ở châu Á tăng tốc vào năm 2021. Đây cũng là mục tiêu chính của HSBC Việt Nam nhằm giúp xây dựng một tương lai phát triển và bền bỉ hơn cho Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết: “Chính phủ Việt Nam có tham vọng rõ ràng trong việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu thông qua tài chính và chuyển giao công nghệ. Nhờ những cam kết mạnh mẽ đó, các doanh nghiệp sẽ tự tin hơn để vay và đầu tư”.

Lĩnh vực phát hành nợ bền vững đạt giá trị 1,2 nghìn tỷ USD trên toàn cầu trong chín tháng đầu năm 2021, trong đó khu vực Châu Á Thái Bình Dương chiếm 19%, và báo cáo của HSBC cho thấy nhu cầu vẫn gia tăng đối với các nhà phát hành.

Theo Khảo sát Đầu tư và Tài chính Bền vững 2021 của HSBC, khoảng 73% nhà phát hành tại châu Á cho biết họ mong muốn công ty của mình tích cực tìm kiếm lời khuyên về các vấn đề xanh, xã hội hoặc bền vững liên quan đến các giao dịch trên thị trường vốn trong 12 tháng tới, đây là tỷ lệ cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới.

HSBC Việt Nam đã hỗ trợ các dự án xanh và bền vững quan trọng tại Việt Nam, góp phần vào việc giúp nền kinh tế giảm phát thải các-bon: như: Khoản tín dụng xanh đầu tiên dành cho tòa nhà đạt chứng chỉ xanh; Tài trợ cho Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân năm 2020; Khoản tín dụng xanh kép trong năm 2020 bao gồm khoản vay có kỳ hạn dành cho Công ty Cổ phần Năng lượng Mặt trời REE để đầu tư vào các giải pháp điện năng lượng mặt trời mái nhà, và khoản tài trợ thương mại cho REEPRO để hỗ trợ nhập khẩu thiết bị lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà; Cấp khoản tín dụng thương mại xanh ngắn hạn trong lĩnh vực xây dựng điện gió cho Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1 (PCC1), một công ty Việt Nam hàng đầu về tổng thầu xây dựng điện; Phát hành trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu đầu tiên trên thế giới cho Công ty Cổ phần Vinpearl vào năm 2021.

[ad_2]