[ad_1]

Hoạt động cho vay qua app, website vẫn phát triển, có khoảng hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến liên quan đến tín dụng đen – thông tin được đưa ra trong báo cáo thực hiện Chỉ thị số 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” mà Bộ Công an gửi Thủ tướng mới đây…

Các ứng dụng thường xuyên được thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm đánh giá sự theo dõi của cơ quan chức năng - Ảnh minh họa.
Các ứng dụng thường xuyên được thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm đánh giá sự theo dõi của cơ quan chức năng – Ảnh minh họa.

Báo cáo của Bộ Công an cho hay, bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoạt động công khai, minh bạch, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản và có liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động liên quan đến hoạt động tín dụng đen (có khoảng hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến).

 
Tại Việt Nam có hơn 100 công ty cho vay lấy danh nghĩa cho vay ngang hàng để cho vay trực tuyến (Vnvon, sieudong, Eloan, Moneybank…), hầu hết có vốn nước ngoài (Trung Quốc, Nga, Indonesia…).

Các ứng dụng thường xuyên được thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm đánh giá sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… có thể bị sử dụng vào những mục đích trái pháp luật.

NÚP BÓNG CÔNG TY TÀI CHÍNH, KINH DOANH KHÔNG GIẤY PHÉP

Thực tế khách hàng của các app ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không mong muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.

Có nhiều công ty lợi dụng công nghệ cao để hoạt động biến tướng với các mô hình như: cầm đồ online; hợp tác, cung cấp khách hàng cho công ty cầm đồ; tạo lập ứng dụng để cá nhân đi vay và cá nhân cho vay tự do kết nối, thỏa thuận với nhau; hợp tác với bên thứ ba là đối tác giới thiệu khách hàng cho các công ty tài chính của hệ thống ngân hàng.

“Tại Việt Nam có hơn 100 công ty cho vay lấy danh nghĩa cho vay ngang hàng để cho vay trực tuyến (Vnvon, sieudong, Eloan, Moneybank…), hầu hết có vốn nước ngoài (Trung Quốc, Nga, Indonesia…) đăng ký hoạt động là dịch vụ tư vấn tài chính và kết hợp với các công ty, cửa hàng cầm đồ để thực hiện hoạt động cho vay tiền, thu hồi nợ”, theo Bộ Công an.

Các doanh nghiệp này thường đăng ký núp bóng thành các công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và cho vay theo mô hình hoạt động của công ty tài chính nhưng lại không có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp này thường tạo ra nhiều ứng dụng (app) cho vay với tên gọi khác nhau để hoạt động cho vay lãi nặng với thủ đoạn tương tự các đối tượng hoạt động tín dụng đen dưới hình thức cho vay trực tuyến.

Ngoài ra, tình trạng các đối tượng kêu gọi, huy động vốn, hứa hẹn trả lãi suất cao, thu lời bất chính dưới hình thức đa cấp tài chính, tiền ảo diễn biến phức tạp. Các đối tượng lập nhiều sàn giao dịch ảo để kêu gọi người đầu tư.

CÁ THỂ HÓA TRÁCH NHIỆM HÀNH VI VI PHẠM KHÔNG GIAN MẠNG

Một trong những kiến nghị, đề xuất để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Bộ Công an đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.

Ứng dụng hiệu quả của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu của các bộ ngành có liên quan trong quản lý số thuê bao, tài khoản ngân hàng, các tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay nhằm xác thực thông tin, hạn chế, xóa bỏ các số thuê bao điện thoại, các tài khoản ngân hàng không chính chủ (SIM rác, tài khoản rác), từ đó tiến tới “định danh công dân và cá thể hóa trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng”.

Kịp thời phối hợp với Bộ Công an và các bộ ngành liên quan phát hiện, yêu cầu doanh nghiệp có liên quan tăng cường kiểm duyệt, gỡ bỏ, cấm hoạt động với các ứng dụng, website có dấu hiệu liên quan đến hoạt động tín dụng đen, có phương án sao lưu, phục hồi dữ liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan theo quy định.

“Ngân hàng Nhà nước tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng có liên quan đến hoạt động cho vay dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen, trong đó có hoạt động vay trực tuyến, vay qua app, vay ngang hàng, về việc người nước ngoài đầu tư kinh doanh dịch vụ cho vay tại Việt Nam”, Bộ Công an đề xuất.

 

 F88 thu nhiều khoản phí, lách quy định về lãi suất

Hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến liên quan đến tín dụng đen - Ảnh 1

Cũng trong báo cáo trên, Bộ Công an cho biết, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng.

Bộ Công an dẫn chứng rằng: “Công an một số địa phương phản ánh hoạt động của công ty cầm đồ F88 có nhiều chi nhánh, cửa hàng tại nhiều địa phương hoạt động cho vay cầm đồ tại cửa hàng và cho vay trực tuyến nhưng thu nhiều khoản phí, tiền phạt cao nhằm lách quy định về lãi suất, sử dụng phương thức đòi nợ, nhắc nợ gây bức xúc. Một số báo phản ánh một số vụ việc người đi vay tiền bị thu thêm các khoản tiền phí, tiền phạt lớn, sử dụng hình thức nhắc nợ, đòi nợ phản cảm, gây bức xúc”.

[ad_2]