[ad_1]

Hoàng hậu Độc Cô hoằng dương Phật Pháp, trợ giúp chồng khai sáng đế nghiệp
Ảnh: Đời sống pháp luật

Hoàng hậu Độc Cô Già La thời Tùy Văn Đế Dương Kiên là người tín Phật, thường cảm thán đời người là khổ, thân phụ nữ lại càng khổ hơn, duy chỉ có niệm Phật mới có thể giải thoát. Theo ghi chép trong lịch sử, hoàng hậu biết trước thời điểm mình phải xa rời cõi trần, bà tắm gội sạch sẽ, tay cầm tràng hạt, niệm A Di Đà, lặng lẽ qua đời. Ngày đó có hương thơm lạ bay khắp phòng, nhạc Trời vang vọng không trung.

Độc Cô Già La xinh đẹp nết na, 14 tuổi được gả cho Dương Kiên (khi đó 17 tuổi), vợ chồng họ tình cảm sâu đậm, đã từng ước hẹn đến đầu bạc răng long, biển cạn đá mòn quyết không thay đổi, Dương Kiên đã phát thệ với Độc Cô Già La, tuyệt đối không sinh con với người đàn bà khác.

Sau khi cưới không lâu, cha mẹ của Độc Cô Già La đều qua đời, Dương Kiên lại càng thương yêu Độc Cô Già La hơn. Độc Cô Già La đi theo Dương Kiên cùng trải qua các kiếp nạn lớn. Vào lúc Dương Kiên khó khăn nhất, bà đã trợ giúp ông ra quyết định, cùng nhau vượt qua hiểm nguy. Hơn 20 năm sau, năm 581, Dương Kiên sau bao năm ẩn mình đã trở thành hoàng đế, quốc hiệu Đại Tùy, lập Độc Cô Già La làm hoàng hậu.

Cho dù làm hoàng đế, Dương Kiên cũng không muốn tách khỏi người vợ thân yêu của mình theo các quy tắc thông thường. Hoàng đế và hoàng hậu Độc Cô vẫn như những cặp vợ chồng bình thường chung sống lâu dài với nhau, không có thê thiếp, vô cùng thân mật. Sáng sớm hoàng hậu sẽ tự mình phục vụ hoàng đế rửa mặt và thay quần áo, sau đó cùng với ông vào triều, yên lặng đứng chờ hoàng đế; tan triều, hai người lại vui vẻ cùng trở về nội cung, cứ như bóng với hình không chút rời xa. Trang phục và đồ ăn mỗi ngày của hoàng đế đều phải do hoàng hậu tự mình xem qua, chăm sóc từng li từng tí.

Hoàng hậu Độc Cô những lúc rảnh rỗi thì lại đọc sách, học vấn của bà rất uyên bác, có tầm nhìn xa, làm việc quả cảm và quyết đoán, khiến cho Văn Đế vô cùng tín phục. Cho nên mọi vấn đề lớn nhỏ trong nước, Văn Đế thường xuyên bàn bạc và nghe theo lời của bà. Trong năm Khai Hoàng, rất khó mà phân biệt được những quyết sách chính trị là chủ ý của Tùy Văn Đế hay là của hoàng hậu Độc Cô. Tài năng chính trị của hoàng hậu đã giúp cho Tùy Văn Đế giữ gìn giang sơn xã tắc được ổn định. Triều đình và dân chúng kính phục, mới gọi bà và Văn Đế là “Nhị Thánh”.

Hoàng hậu Độc Cô không chỉ là nhân vật trọng yếu trong chính trị nhà Tùy, mà còn là nhân vật quan trọng giúp hoằng dương và bảo hộ Phật Pháp dưới thời nhà Tùy, giúp cho Phật Pháp hưng thịnh.

Hoàng hậu Độc Cô từ nhỏ đã tín Phật, tên “Già La” của bà tức là gỗ trầm hương theo tiếng Phạn, là một cái tên mang nhiều ý tứ Phật Giáo. Hoàng hậu Độc Cô thọ Bồ Tát giới, lúc còn sống được gọi là “Diệu Thiện Bồ Tát”, pháp hiệu “Trang Nghiêm”. Bà thường cảm thán cuộc đời là bể khổ, thân phận phụ nữ lại càng khổ hơn, duy chỉ có niệm Phật thì mới có thể giải thoát. Ở trong cung, bà thường nghe tăng ni giảng kinh thuyết pháp, thường niệm A Di Đà Phật.

Hoàng hậu Độc Cô thích làm việc thiện, thường giúp đỡ người nghèo khổ, nấu cháo cấp cho những người đói rét, trợ giúp họ an cư lạc nghiệp. Bà sống giản dị, bố thí rất nhiều cho chùa và tăng nhân. Bà vì người thân và các ni cô mà xây một vài ngôi chùa, cũng tham dự sự kiện Tùy Văn Đế phân phát xá lợi. Bà đã làm ra hơn 6.000 quyển Đại Tạng Kinh, để lưu thông và cúng dường, khai sáng tiền lệ hoàng hậu viết Đại Tạng Kinh trong lịch sử, tạo dược ảnh hưởng sâu sắc.

Mùa thu năm 602, hoàng hậu Độc Cô bị bệnh và nằm ở trong cung. Sau đó bà biết trước thời điểm đã đến, tắm rửa thơm tho, mặc áo quần sạch sẽ, một mình ở trong phòng, tay cầm tràng hạt, tụng niệm A Di Đà, an nhiên rời xa trần thế, hưởng dương 59 tuổi.

Tiểu Phàm biên dịch
Theo: Lý Duy Chân – Epochtimes

Xem thêm

[ad_2]