[ad_1]

Sau khi Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2 từ giữa tháng 3, các hãng hàng không Việt rộn ràng đón khách Trung Quốc trở lại và đều kỳ vọng lượng khách bay năm nay phục hồi khả quan, đẩy nhanh tiến trình phục hồi du lịch, đầu tư…

Rộn ràng nhiều chuyến bay thường lệ kết nối Trung Quốc với Việt Nam sau 3 năm tạm dừng khai thác vì Covid-19.
Rộn ràng nhiều chuyến bay thường lệ kết nối Trung Quốc với Việt Nam sau 3 năm tạm dừng khai thác vì Covid-19.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, Trung Quốc là thị trường quốc tế lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường Hàn Quốc với lượng hành khách đi lại phần lớn là khách du lịch.

GẤP RÚT NỐI LẠI ĐƯỜNG BAY, MỞ ĐƯỜNG BAY MỚI

Thời điểm trước dịch, Trung Quốc nằm trong top 3 thị trường có số lượng khách lớn nhất của Vietnam Airlines, với tỷ trọng 19%. Hãng bay này phục vụ 8,1 triệu lượt khách giữa Trung Quốc và Việt Nam vào năm 2019. Vì thế, ngay từ rất sớm, hãng này đã chuẩn bị cho sự phục hồi từ thị trường trọng điểm này.

Cuối tuần qua, Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên kết nối Bắc Kinh (Trung Quốc) với Hà Nội sau 3 năm tạm dừng khai thác vì Covid-19.

Vietnam Airlines tổ chức chào đón hành khách ngay từ sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh, với sự tham dự của lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, các cơ quan, doanh nghiệp hai nước và hơn 100 hành khách trên chuyến bay.

Hiện hãng hàng không quốc gia đang khai thác đường bay Hà Nội – Bắc Kinh với tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần và dự kiến tăng thêm từ giữa năm nay. Vietnam Airlines cũng nối lại hầu hết đường bay tới các điểm đến ở Trung Quốc, bao gồm giữa Hà Nội, TP. HCM và Quảng Châu, Thượng Hải; giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Vietnam Airlines cũng có kế hoạch mở thêm đường bay kết nối với sân bay Đại Hưng, Bắc Kinh. Trong các tháng tới, Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay là giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, cũng như tăng cường đưa tàu thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 vào khai thác trên đường bay Trung Quốc.

Không chỉ nhanh chóng nối lại các đường bay, hãng tích cực tham gia xúc tiến hàng không, du lịch giữa hai nước. Mới đây nhất, Vietnam Airlines phối hợp cùng các cơ quan ngoại giao, du lịch, các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn để đồng tổ chức sự kiện giới thiệu điểm đến, lịch bay và phát động bán tại Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải.

Nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực trước khi Trung Quốc mở cửa, Vietravel Airlines cùng Công ty du lịch Vietravel ký hợp đồng thỏa thuận với một số đối tác để thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại thời gian tới. Hãng dự kiến tập trung vào các chặng bay kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc với thành phố Nha Trang, Khánh Hòa như: Hàng Châu – Cam Ranh, Thường Châu – Cam Ranh, Côn Minh – Cam Ranh.

KỲ VỌNG LỚN TỪ THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

Năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, thị trường hàng không Việt Nam – Trung Quốc có 14 hãng hàng không của hai nước khai thác.

Theo đó, 11 hãng hàng không Trung Quốc gồm: Air China, China Eastern, China Southern, Hainan Airlines, Lucky Air, Sichuan Airlines, Xiamen Airlines, Okay Airways, Chongqing Airlines, Shenzhen Airlines và Donghai Airlines khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam, gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang, với tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần.

Còn về phía Việt Nam có các hãng hàng không khai thác như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air, với 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang đến 48 điểm tại Trung Quốc, với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ, tổng cộng là 421 chuyến/tuần.

Năm vừa qua, lượng khách từ các nước và khu vực đến Việt Nam đều hồi phục trong năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2019.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong khi các quốc gia như Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc đều tăng trưởng bằng lần, thậm chí du khách từ châu Âu tăng trưởng gấp 31 lần cùng kỳ thì Trung Quốc chỉ đạt 125 nghìn lượt khách, tăng 116% do chính sách “zero-Covid” của nước này.

Vì vậy, ngay khi khôi phục các đường bay với Trung Quốc, các hãng bay đều kỳ vọng đẩy nhanh tiến trình phục hồi du lịch, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc sau đại dịch, cũng như góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về đón du khách quốc tế của Việt Nam năm 2023.

 

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, gồm khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Tổng thu dự kiến khoảng 650.000 tỷ đồng.

Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại các đường bay và biên giới với Việt Nam, giới phân tích cũng kỳ vọng dòng vốn FDI từ Trung Quốc sẽ gia tăng mạnh mẽ. Theo ghi nhận, trong hai tháng đầu năm, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, chiếm gần 17,2%.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng “đi trước về chậm” nhưng kết quả chưa được như mong muốn, doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch gửi gắm nhiều kiến nghị như: chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng cho du khách quốc tế; ban hành chương trình quốc gia về du lịch; tập trung mạnh hơn nữa xúc tiến và quảng bá du lịch; mở văn phòng xúc tiến du lịch của Việt Nam ở nước ngoài….

Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam với rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường du lịch trọng điểm, do đó, Việt Nam cần tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và thúc đẩy du lịch ngay trong năm nay.

Nguồn: https://vneconomy.vn/hang-khong-ron-rang-khoi-phuc-duong-bay-den-trung-quoc-tao-luc-day-phuc-hoi-du-lich-dau-tu.htm

[ad_2]