[ad_1]
Ngày 10/6, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có báo cáo bổ sung các kiến nghị của 10 doanh nghiệp bất động sản đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” về pháp lý và thủ tục đầu tư xây dựng của 11 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nâng tổng số dự án chờ “gỡ rối” trên địa bàn thành phố lên 113 dự án.
Trong số 11 dự án mới bổ sung này, dự án Khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc tại huyện Bình Chánh do CTCP Sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc làm chủ đầu tư đã “đắp chiếu” hơn 11 năm kể từ ngày nhận quyết định thu hồi dự án.
Công ty cũng cho biết quyết định số 353/QĐ-UBND này có lý do không đúng là tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng và chủ đầu tư xin ngưng thực hiện dự án trong khi công ty được công nhận là chủ đầu tư chưa được 12 tháng. Đến năm 2020, Thanh tra thành phố đã kết luận quyết định trên là chưa đầy đủ pháp lý và đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu UBND điều chỉnh hoặc thu hồi.
Đồng thời, công ty Vĩnh Lộc cũng có kiến nghị Sở Tài nguyên Môi trường đưa dự án vào danh sách các dự án chậm được giải quyết thủ tục do vướng mắc; hủy bỏ hoặc điều chỉnh quyết định nói trên và chấp thuận cho Công ty Vĩnh Lộc được tiếp tục triển khai dự án.
Ngoài kiến nghị của công ty Vĩnh Lộc như nêu trên, nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đơn cử như CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP HCM, chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Trường Lưu tại phường Long Trường, TP Thủ Đức đề nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, xem xét chấp thuận dự án Khu nhà ở Trường Lưu không phải bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội.
Tương tự Công ty Kim Oanh, CTCP Đầu tư, Dịch vụ và Thương mại Hoà Anh Phát cũng đề nghị được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư dự án Cao ốc Thương mại – Dịch vụ và Căn hộ Joy City tại phường An Lạc, quận Bình Tân.
Hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư Metro Star và CTCP Bất động sản Nguyên Hồng cũng đề nghị chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với hai dự án lần lượt là Metro Star tại TP Thủ Đức và Khu chung cư thương mại, văn phòng Nguyên Hồng tại quận Gò Vấp.
Những “nút thắt” trong vấn đề đất làm dự án cũng là một trong những nội dung mà nhiều doanh nghiệp kiến nghị trong đợt bổ sung này. CTCP Dệt Đông Nam, chủ đầu tư dự án Khu nhà ở – trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam tại quận Tân Phú cũng đề nghị UBND TP HCM chấp thuận giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất cho công ty để triển khai thực hiện dự án khu nhà ở – trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam sớm đưa dự án vào hoạt động.
CTCP Đầu tư Phú Cường, chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cán bộ, chiến sĩ công an TP HCM tại số 20/2 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 đề nghị cho phép dự án được hoàn thành thủ tục giao đất để sớm đưa vào triển khai thực hiện.
CTCP Đầu tư Metro Star, chủ đầu tư dự án Ihome tại quận Gò Vấp kiến nghị công nhận bổ sung quyền sử dụng đất 96 m2 của dự án trong thời gian sớm nhất và giải quyết hồ sơ cấp Sổ hồng cho cư dân.
Đối với dự án Văn phòng đại diện, nhà khách tỉnh Hậu Giang và Khu thương mại dịch vụ kết hợp căn hộ tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức của CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Hậu Giang, doanh nghiệp đã kiến nghị UBND TP HCM và các Sở ban ngành xem xét, chấp thuận cho dự án được áp dụng điều luật“Nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư”, được phép chuyển mục đích sử dụng đất và được tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo, đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án.
Ngoài các vấn đề nêu trên, CTCP Đầu tư Phương Nam Land, chủ đầu tư dự án Thương mại văn phòng và căn hộ Leman Luxury 117 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu cũng kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận sở hữu công trình đối với khối đế thương mại, dịch vụ của dự án, đồng thời giải quyết cho công ty được thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung khi được phê duyệt điều chỉnh một phần chức năng công trình.
Công ty TNHH Dynamic Innovation, chủ đầu tư dự án Khu nhà ở phường Tân Phú, quận 7 cũng có công văn xin ý kiến Công an TP HCM để xác định dự án có hay không được phép bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trên địa bàn thành phố.
Trước đó, HoREA đã có hai báo cáo gửi UBND thành phố và Sở Xây dựng về tổng hợp kiến nghị đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” của các doanh nghiệp đối với tổng cộng 102 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở tái định cư.
[ad_2]
Nguồn: https://vietnammoi.vn/hang-chuc-doanh-nghiep-bds-tai-tp-hcm-cho-go-roi-du-an-202261312153150.htm