[ad_1]
Từ đầu năm đến nay, ngành Hải quan phát hiện và phối hợp bắt giữ xử lý 13.413 vụ vi phạm, trị giá 2.554,7 tỷ đồng, khởi tố 184 vụ…
Thông tin về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, trong 11 tháng của năm 2021, toàn ngành Hải quan chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 13.413 vụ vi phạm pháp luật hải quan.
Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.554,7 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 270,42 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan cũng ra quyết định khởi tố 29 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 155 vụ.
CHỐNG BUÔN LẬU NGÀY CÀNG PHỨC TẠP
Bộ Tài chính cho hay, từ đầu năm đến nay, các nước trên thế giới vẫn đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Một số các cửa khẩu quốc tế đóng cửa và các nước tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, người nhập cảnh chặt chẽ theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc giao thương, hoạt động xuất nhập khẩu.
“Trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn”, Bộ Tài chính nêu thực tế.
“Kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật hải quan”.
Tổng cục Hải quan.
Với quyết tâm “tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, Tổng cục Hải quan bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính, tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp.
Ngay từ những ngày đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cảnh báo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, hướng dẫn thực hiện kiểm soát hải quan trong toàn ngành nói chung và phòng chống dịch Covid-19 nói riêng.
Cụ thể, cảnh báo về một số phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản qua biên giới. Cảnh báo về phương thức thủ đoạn và hướng dẫn nghiệp vụ chống buôn lậu hàng giả và bảo về quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.
Tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý các doanh nghiệp nhập nông sản theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu…
Đáng chú ý, tình trạng vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Các đối tượng chuyển hướng hoạt động sang tuyến hàng không, chuyển phát nhanh và cất giấu số lượng lớn ma túy lẫn trong hàng hóa xuất nhập khẩu với phương thức tinh vi trong tân dược, sữa, thực phẩm chức năng, hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong loa, thiết bị máy móc,… Tổng cục Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá thành công hai chuyên án lớn.
LỢI DỤNG DỊCH BỆNH ĐỂ BUÔN LẬU
Đáng quan ngại, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc và các loại trang thiết bị y tế sử dụng trong việc phòng, chống dịch tăng cao, vì vậy, một số đối tượng tổ chức nhập lậu, quảng cáo và rao bán công khai nhiều loại thuốc điều trị bệnh Covid-19, bộ test thử và các loại thiết bị y tế với nguồn gốc là “hàng xách tay”.
Những loại thuốc nhập lậu không có nguồn gốc hợp pháp, xuất xứ rõ ràng hoặc chưa được các cơ quan chức năng trong nước kiểm tra, cấp phép.
“Trong tháng 8 và 9/2021, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan TP. Hà Nội phát hiện bắt giữ nhiều lô hàng là test nhanh và các loại thuốc được cho là thuốc điều trị bệnh Covid-19, bao gồm 490 lọ thuốc điều trị Covid xuất xứ Ấn Độ; 180 bộ test Covid xuất xứ Trung Quốc; 220 hộp thuốc kháng virus xuất xứ Nga…”
Nguồn: Tổng cục Hải Quan
“Điều này dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân và ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng chống dịch của Chính phủ”, Bộ Tài chính cảnh báo.
Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng xác minh, điều tra, bắt giữ nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển các loại hàng hóa này trong thị trường nội địa.
Bộ Tài chính lưu ý, dịp trước, trong và sau Tết thường là thời gian cao điểm mà các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng trở lại và tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trong đó, tập trung tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng; các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm; hàng cấm như ma túy, pháo nổ…
Đồng thời, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo.
Tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.
[ad_2]