[ad_1]

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) băn khoăn về gói tín dụng mới 120 nghìn tỷ đồng khi mà hai gói trước đang trong tình trạng giải ngân rất thấp…

Đại biểu Trần Thị Vân - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Thị Vân – Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, đầu năm 2023 vào sáng ngày 30/5, tham gia ý kiến tại hội trường, đại biểu Trần Thị Vân bày tỏ sự đồng tình với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội do Phó Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp.

Theo đại biểu, đây là những giải pháp rất cụ thể, toàn diện được tính toán trên cơ sở nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế trong báo cáo nhằm đạt được những mục tiêu chung và 15 chỉ tiêu cụ thể mà Chính phủ đã đề ra.

Trong đó, 3 giải pháp mang tính định lượng trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gồm: Gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% thuế giá trị gia tăng, gói tín dụng 120.000 tỷ và chỉ tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công.

ĐỀ NGHỊ GỘP 3 GÓI HỖ TRỢ LÀM MỘT

Theo đại biểu Trần Thị Vân, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Năm 2022, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ với các gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, 15 nghìn tỷ cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua ngân hàng chính sách. Và mới đây nhất là gói 120.000 tỷ.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm, đã có 3 gói hỗ trợ mà đích và người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 hiện đang giải ngân rất thấp. Gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1%; gói 15.000 tỷ được trên 34%.

Bây giờ Chính phủ lại ra tiếp gói 120.000 tỷ, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023.

“Vấn đề đặt ra ở đây là hai gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ có khả thi hay không? Trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở chúng ta đang sửa, quy hoạch chưa phê duyệt xong”, đại biểu Trần Thị Văn đặt câu hỏi.

Trên cơ sở những phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành một và cho kéo dài đến hết năm 2025. Đại biểu cho rằng, làm như vậy, mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại hội trường sáng ngày 31/5 - Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại hội trường sáng ngày 31/5 – Ảnh: Quochoi.vn

Hiện tại, cả nước có 7 triệu công nhân lao động trực tiếp tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì nhà ở phục vụ cho công nhân chỉ mới đáp ứng được khoảng gần 30%. Phần lớn công nhân lao động ngoại tỉnh, chiếm khoảng 70% đang thuê trọ của các hộ gia đình tư nhân xây. Các phòng trọ này hầu hết đều rất chật hẹp, chỉ từ 3-4 m2/người, không đảm bảo những điều kiện tối thiểu như ánh sáng, vệ sinh, diện tích và phòng cháy, chữa cháy.

ĐỀ XUẤT ĐƯA “BÊN CHO CÔNG NHÂN THUÊ NHÀ” VÀO ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG HỖ TRỢ

Đại biểu Trần Thị Vân cho biết trước kỳ họp thứ 5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã có buổi làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh, tiếp xúc với gần 1.000 cử tri, công nhân lao động, thăm khu nhà trọ công nhân và khảo sát nhu cầu nhà ở, nhà trọ và vay vốn đối với trên 200 chủ nhà trọ và gần 300 công nhân của phường Văn Dương, thành phố Bắc Ninh.

Qua khảo sát, chỉ có 27 công nhân có nhu cầu định cư và mua nhà, chiếm gần 10%, họ đều là công nhân có gia đình và đã làm việc ở Bắc Ninh có thời gian từ 5 đến 10 năm; 19 công nhân có nhu cầu ở trong ký túc xá của công nhân, chiếm 6,5%, còn lại số đông công nhân chỉ có nhu cầu thuê trọ, chiếm tới hơn 80%.

“Họ là những công nhân xác định chỉ đến Bắc Ninh làm việc một thời gian sau đó lại về quê sinh sống. Họ thường là công nhân có tuổi đời rất trẻ, từ 18 đến 25 tuổi, họ chưa lập gia đình. Tôi hỏi các em có muốn mua nhà xã hội ở Bắc Ninh không, họ trả lời là chưa có gia đình cho nên chưa nghĩ đến việc mua nhà hay chưa có tiền, không biết có ở Bắc Ninh làm việc lâu dài hay không, gia đình đã có nhà ở quê rồi. Đấy là các lý do họ đưa ra và họ muốn ở thuê nhà trong dân”, đại biểu thông tin.

Qua khảo sát và nắm bát tình hình như vậy, đại biểu nhấn mạnh các hộ gia đình, cá nhân, những người mà tự bỏ tiền ra xây nhà trọ cho công nhân thuê đang giúp giải quyết chỗ ở cho hàng triệu công nhân lao động trên địa bàn cả nước.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có các chính sách để hỗ trợ đối tượng này. Bên cạnh đó, người làm chính sách cần phải phân định rõ việc định cư và chỗ ở để làm việc hoàn toàn khác nhau.

“Chúng ta phải tách bạch nhu cầu mua nhà và nhu cầu chỗ ở của công nhân. Không phải ai làm ở khu công nghiệp cũng có nhu cầu định cư và mua nhà tại địa phương nơi họ đến làm việc”, đại biểu nêu rõ. 

Trong khi đó, đối tượng là hộ gia đình và các cá nhân xây nhà cho công nhân thuê không là đối tượng của các chính sách này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát và bổ sung đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị quyết 100 năm 2015, đó là các hộ gia đình, cá nhân xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà cho công nhân thuê được hưởng các gói hỗ trợ giảm lãi suất nêu trên.

“Việc này góp phần thực hiện mục tiêu kép. Chúng ta vừa hỗ trợ được người dân nhường đất cho phát triển công nghiệp có sinh kế phát triển bền vững, vừa hạ giá thành thuê nhà cho công nhân”, đại biểu phân tích.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ ban hành các quy định, quy chuẩn chung để quản lý nhà trọ, hướng dẫn lộ trình và thời gian thực hiện. Đây là cơ hội để giảm giá thuê nhà cho công nhân, đồng thời nâng cao chất lượng nhà trọ cũng như là đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động.

Nguồn: https://vneconomy.vn/hai-goi-ho-tro-truoc-dang-giai-ngan-rat-thap-lieu-goi-120-000-ty-co-kha-thi.htm

[ad_2]