[ad_1]

Hàng chục hộ dân thôn Hàm Hy, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương nháo nhác như ong vỡ tổ khi bất ngờ nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ nhà, quán bán hàng ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Trong đơn kêu cứu gửi Dân Việt, hàng chục người dân ký tên trình bày, họ vừa nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền địa phương và yêu cầu tự tháo dỡ nhà, quán bán hàng.

Một số hộ đã nhận được quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa, quán bán hàng cũng là nơi ở của nhiều hộ dân từ nay cho đến Tết, đảm bảo thực hiện xong trước ngày 5/2 (tức ngày mùng 5 Tết nguyên đán).

Tuy chưa nhận được thông báo ngày nào chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, nhưng người dân đã vô cùng lo lắng, đứng ngồi không yên.

Hải Dương: Người dân xôn xao vì nhận được yêu cầu cưỡng chế, phá dỡ công trình dịp Tết nguyên đán

Dãy hơn 40 hàng quán, một số kiêm nhà ở của người dân thôn Hàm Hy, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đang bị yêu cầu phải dỡ bỏ xong trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Vũ Thị Hải

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, hiện có 41 hộ dân của xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đang có hàng quán, một số vửa làm quán bán hàng vừa là nhà ở bám dọc theo tuyến đường bê tông phía hông của nhà máy sản xuất đồ chơi thuộc Công ty TNHH GFT Việt Nam .

Các hộ dân hầu hết dựng nhà tạm cấp 4, vào giờ tan tầm của công nhân nhà máy, khu vực này trở thành tuyến phố nhộn nhịp, giúp người công nhân tranh thủ ăn điểm tâm, mua bán thực phẩm cho gia đình.

Theo các hộ dân trình bày, kể từ khi nhà nước phê duyệt cho Công ty GFT Việt Nam về xây dựng nhà máy tại xã Cộng Lạc, Công ty đã tiến hành bơm cát, san lấp mặt bằng, thì những khu ruộng canh tác của các hộ dân thuộc khu đồng Ngòi Mui của thôn Hàm Hy và khu đồng Hồ Lai, thôn Tất Thượng kế cận đã bị một phần cát bao phủ mặt ruộng.

Sau khi Công ty này đi vào hoạt động đã xả thải làm ô nhiễm lớn đến đất ruộng, đặc biệt là ảnh hưởng nguồn nước tưới tiêu khiến các hộ dân không thể canh tác. Hàng chục ha đất nông nghiệp đã bị bỏ hoang từ đó đến nay.

Cũng từ đó, những hộ dân có đất nông nghiệp tại khu vực nói trên không có công ăn việc làm.

Hải Dương: Người dân xôn xao vì nhận được yêu cầu cưỡng chế, phá dỡ công trình dịp Tết nguyên đán

Hàng chục ha đất ruộng bị bỏ hoang kể từ khi Công ty TNHH GFT Việt Nam đến xây dựng nhà máy sản xuất tại đây. Ảnh: Vũ Thị Hải

Trước tình trạng đó, một số hộ dân đã tự ý dựng lều quán, nhà tạm để bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho cán bộ, công nhân viên của nhà máy GFT Việt Nam để có thu nhập cho cuộc sống hàng ngày.

“Chúng tôi biết là chúng tôi đã có vi phạm, tự ý xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Nhưng nếu không làm như thế chúng tôi không biết làm gì để kiếm sống”- một người dân chia sẻ.

Ông Trần Văn Ngà – một người dân ở thôn Hàm Hy cho biết, các công trình tạm của bà con ở đây hầu hết được dựng lên từ những năm 2013, 2015, 2016. Khi người dân dựng quán bán hàng, chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã Cộng Lạc hầu như không có ý kiến gì, lác đác có lập biên bản vi phạm đối với một vài hộ nhưng vẫn cho tồn tại.

“Xã không ngăn cản, nên người nọ nhìn người kia để làm theo. Giờ khu vực này đã tạo thành khu phố chợ sầm uất, nhiều người làm ăn buôn bán cải thiện được đời sống nên đất ở khu vực này, dù chỉ là đất nông nghiệp nhưng được chuyển nhượng cho nhau với giá rất cao.

Nhiều người phải đầu tư năm, sáu trăm triệu đồng để có được một gian bán hàng. Nhiều hộ cả vợ chồng, con cái dựng nhà lên, vừa làm nơi ở, vừa làm nơi bán hàng. Giờ chính quyền quay ra phạt, rồi bắt tháo dỡ, họ không biết sẽ đi đâu. Tết nhất đến nơi rồi, cả khu phố này đang nháo nhác cả lên”- ông Ngà nói.

Chia sẻ với phóng viên, chị Hoàng Thị Mai Loan, sinh năm 1985, cho biết, cả hai vợ chồng chị không có nghề nghiệp gì, tất cả tiền sinh hoạt của gia đình, tiền học hành của 2 đửa con nhỏ đều trông cả vào quán bán hàng cơm ngay trước cổng Công ty TNHH GFT Việt Nam.

“Vợ chồng tôi giờ không biết sẽ đi đâu. Bỏ mấy trăm triệu để mua đất, tôn nền, dựng nhà… bao nhiêu vốn liếng đổ cả vào đây. Thu nhập của hai vợ chồng hiện nay hơn chục triệu/ tháng. Giờ mà phá dỡ, chúng tôi không biết sẽ làm gì đế kiếm sống”- chị Loan buồn rầu nói.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Đoàn Văn Liễu- Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa xác nhận việc Nhà máy GFT Việt Nam xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hệ thống tưới tiêu đối với diện tích đất nông nghiệp của bà con trong xã là có thật.

“Nhưng việc này chỉ diễn ra thời kỳ đầu nhà máy mới đi vào hoạt động. Chúng tôi đã đề nghị doanh nghiệp khắc phục ngay tình trạng này. Cụ thể là đề nghị Công ty GFT xây 1 mương nước phục vụ tưới tiêu cho bà con. Sau đó, Công ty cũng đã thực hiện. Việc bà con bỏ ruộng có nhiều lý do chứ không chỉ một lý do ô nhiễm môi trường”- ông Liễu nói.

Tuy nhiên, trái với điều ông Phó chủ tịch xã trình bày, trên thực tế, việc Công ty GFT Việt Nam gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra. Mương tưới tiêu của khu vực này hiện vẫn ô nhiễm nặng nề, không thể sử dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. PV báo Dân Việt đã tận mắt chứng kiến mương nước bị ô nhiễm nặng nề.

Gần đây nhất, trong đợt kiểm tra ngày 27/10/2021, cơ quan chức năng đã phát hiện, mỗi ngày Công ty TNHH GFT Việt Nam xả 518,06m3 nước thải có thông số (Coliform) vượt 2,2 lần mức B QCVN 40:2011/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

Trả lời câu hỏi vì sao tình trạng người dân chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ diễn ra từ nhiều năm trước nhưng không bị xử lý, nay chính quyền lại rốt ráo xử phạt và yêu cầu tháo dỡ?

Ông Đoàn Văn Liễu thừa nhận trước đây lãnh đạo xã đã buông lỏng quản lý nên mới để xảy ra tình trạng như vậy. Còn hiện nay, chính quyền địa phương phải xử phạt hành chính và buộc người dân tháo dỡ công trình là thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.

“Lãnh đạo huyện chỉ đạo chúng tôi phải hoàn thành xong trước Tết. Tôi đã tham mưu cho lãnh đạo xã một bản kế hoạch cưỡng chế. Bản kế hoạch này phải lấy ý kiến của các ngành phối hợp và báo cáo huyện. Riêng bản thân tôi vẫn còn băn khoăn vì đã giáp tết Nguyên đán…” – ông Liễu nói.

Hải Dương: Người dân xôn xao vì nhận được yêu cầu cưỡng chế, phá dỡ công trình dịp Tết nguyên đán

Công ty GFT Việt Nam được cho là đã từng gây ô nhiễm, xả thải ra môi trường khiến hàng chục ha đất ruộng của người dân không thể canh tác. Ảnh: Vũ Thị Hải.

Về đề nghị của người dân được làm thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để họ yên ổn làm ăn, ổn định đời sống, ông Đoàn Văn Liễu cho rằng không khả thi vì khu vực đất đó hiện đã có dự án của tỉnh.

Cùng thời điểm chính quyền xã Cộng Lạc và huyện Tứ Kỳ ráo riết việc xử phạt các hộ dân, buộc họ phải tự tháo dỡ và ban hành văn bản cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa sau hàng chục năm yên ắng, tại UBND huyện Tứ Kỳ diễn ra cuộc họp để nghe báo cáo dự án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư Cầu Xe, xã Cộng Lạc và xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ; Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư mới xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ (giai đoạn 2) với thành phần đầy đủ các lãnh đạo phòng, ban của huyện, xã và đơn vị tài trợ kinh phí lập quy hoạch là Công ty TNHH Thành Dương và Công ty TNHH Trường Thành.

Chính vì vậy, nhiều người dân đặt câu hỏi cho rằng, việc chính quyền rốt ráo tháo dỡ nhà dân là để dọn đường cho dự án và như vậy thì không công bằng với người dân. Nếu đã có dự án, tại sao chính quyền địa phương không tiến hành thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ người dân theo quy định hiện hành mà lại phải vội vàng yêu cầu người dân phải phá bỏ nhà cửa của họ?

Mang những câu hỏi, thắc mắc, nghi ngờ của người dân đến với lãnh đạo huyện Tứ Kỳ, lãnh đạo Phòng TNMT huyện thừa nhận tại khu vực đang triển khai công tác xử lý vi phạm hành chính và buộc khắc phục hậu quả nói trên đang có các dự án triển khai.

“Qua nghiên cứu tôi thấy rằng, căn cứ khoản 1, điều 4 Nghị định 91/2019/ NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định là 2 năm. Các hộ dân ở đây đã có hành vi chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất kinh doanh dịch vụ, mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp từ năm 2018 trở về trước nên đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Vì thế, việc chính quyền xã Cộng Lạc và huyện Tứ Kỳ vẫn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 4 đến 7,5 triệu đồng là vi phạm pháp luật. Hiện chúng tôi đã có đơn khiếu nại các quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói trên. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, chúng tôi sẽ khởi kiện xã và huyện ra tòa hành chính”, ông Trần Văn Ngà nói.

[ad_2]