Hải Dương mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ để công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh ngày càng có hiệu quả, đi vào chiều sâu và chuyên nghiệp. Trong đó, tạo điều kiện giúp tỉnh quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch…

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh - Tuấn Anh. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh – Tuấn Anh.

Đoàn công tác Bộ Ngoại giao vừa có buổi làm việc với Lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hải Dương.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng và Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỉnh phấn đấu để có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,6%/năm 2021, thu ngân sách trên 19.000 tỷ đồng, vượt 48,4% so với dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 27,1% so với 2020. Tỉnh hiện có 492 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 9,2 tỷ USD, giải quyết việc làm được hơn 200.000 lao động.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh, Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 4 trụ cột tăng trưởng. Bao gồm: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Hải Dương cũng đang quy hoạch phát triển vùng công nghiệp động lực tại huyện Bình Giang và Thanh Miện, với tổng diện tích khoảng 9.230ha, trong đó đất khu công nghiệp, khu kinh tế khoảng trên 5.000ha nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch…, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Ngoài ra, Hải Dương định hướng quy hoạch hệ thống giao thông, đô thị, logistic đồng bộ, hiện đại, hiệu quả là điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ, hỗ trợ cho phát triển công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và tại vùng công nghiệp động lực nói riêng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 53 cụm công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 2.683 ha, trong đó 40 cụm công nghiệp đang hoạt động tỷ lệ lấp đầy đạt trên 70%, 13 cụm công nghiệp mới được thành lập năm 2021. Hiện tỉnh đang kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư.

Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng mong muốn, Bộ Ngoại giao hỗ trợ để công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh ngày càng có hiệu quả, đi vào chiều sâu và chuyên nghiệp.

 
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân ThăngBí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng

“Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

Trong đó, tạo điều kiện giúp tỉnh quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến các nhà đầu tư các nước; làm cầu nối tổ chức các hội nghị tiếp xúc, trao đổi giữa tỉnh với các tập đoàn kinh tế lớn tại các nước, nhất là các tập đoàn, công ty nổi tiếng của Nhật Bản, Hàn Quốc, các tập đoàn tại Châu Âu…, đặc biệt là tìm kiếm thị trường xuất khẩu một số sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

Hải Dương cũng mong được hỗ trợ trong việc tạo cầu nối thông tin với các nhà tài trợ, nhà đầu tư; tạo điều kiện để các doanh nghiệp của tỉnh được tham gia vào các hội nghị quốc tế về thương mại và đầu tư, hỗ trợ trong việc tiếp xúc và nắm bắt thông tin về kiều bào Việt Nam nói chung và người Hải Dương nói riêng ở nước ngoài để kêu gọi đầu tư…

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, về các đề xuất của Hải Dương, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong xúc tiến, thu hút đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh cung cấp các tài liệu liên quan đến công tác thu hút các nguồn lực đầu tư để các Trưởng cơ quan đại diện gặp trực tiếp các tổ chức kinh tế, tập đoàn kinh tế lớn… giới thiệu, đặc biệt là thu hút đầu tư các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao…

Về đào tạo cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoài chương trình đào tạo chung của Chính phủ, Bộ, nếu địa phương cần có sự hỗ trợ trong công tác đào tạo này, Bộ Ngoại giao sẽ tích cực xây dựng chương trình đào tạo để hỗ trợ tỉnh.



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: