Google chấp nhận tuân thủ luật của Hàn Quốc khi cho phép nhà phát triển sử dụng hệ thống thanh toán bên thứ ba và không phải trả hoa hồng.

Bên ngoài một tòa nhà của Google tại Mỹ. Ảnh:Engadget

Bên ngoài một tòa nhà của Google tại Mỹ. Ảnh:Engadget

Tuy vậy, Google vẫn thu phí dịch vụ đối với các nhà phát triển nếu muốn hoạt động trên Play Store. Mức phí này thấp hơn 4% so với việc sử dụng toàn bộ hệ thống và dịch vụ thanh toán của Google. Trong đó, các nhà phát triển sách điện tử và âm nhạc trực tuyến phải trả phí 6% doanh thu cho Google thay vì 10% như trước, nhà phát triển ứng dụng bình thường phải trả 11% và nhà phát triển ứng dụng phổ biến là 26%.

Wilson White, Giám đốc chính sách công của Google, cho biết công ty vẫn cần thu phí để tiếp tục đầu tư vào Android và Play Store, cũng như phát triển những công cụ dành cho nhà phát triển và nghiên cứu bảo mật.

Cơ quan quản lý Hàn Quốc chưa đưa ra ý kiến về động thái mới của Google.

Trước đó, Quốc hội Hàn Quốc thông qua thông qua luật mới về kinh doanh viễn thông vào ngày 31/8. Luật này còn được gọi là “luật chống Google”, cấm những công ty sở hữu cửa hàng ứng dụng thống trị thị trường bắt nhà phát triển ứng dụng phải dùng hệ thống thanh toán độc quyền của họ.

Đây là lần đầu tiên một nền kinh tế lớn đưa ra đạo luật kiềm chế các “gã khổng lồ” công nghệ như Apple, Google. Những công ty này vấp phải làn sóng chỉ trích toàn cầu vì buộc các nhà triển nộp mức phí “hoa hồng” 30% cùng những điều kiện phức tạp nếu muốn kinh doanh trên App Store và Play Store.

Trong khi Google tuân thủ, Apple vẫn đang trì hoãn điều chỉnh chính sách thanh toán trên App Store. Một quan chức của Uỷ ban truyền thông Hàn Quốc cho biết, đạo luật có hiệu lực từ tháng 9, nhưng Apple nói với chính phủ Hàn Quốc rằng họ đã tuân thủ và không cần thay đổi gì.

Cơ quan quản lý sẽ yêu cầu Apple đưa ra chính sách mới, cấp quyền tự chủ lớn hơn cho nhà phát triển ứng dụng, cũng như người mua trong các phương thức thanh toán. Nếu Apple không tuân thủ, Hàn Quốc sẽ điều tra và áp dụng hình phạt.

Huy Đức (theo Reuters)