[ad_1]

Dù thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào gói tín dụng lên đến 110 ngàn tỷ đồng cho nhà ở xã hội sẽ là một động lực mạnh cho thị trường bất động sản trong năm 2023 nhưng theo các chuyên gia không nên quá lạc quan khi đây mới chỉ dừng ở đề xuất.

Gói tín dụng 110 nghìn tỷ cho Nhà ở xã hội mới chỉ là đề xuất
Theo chuyên gia, không nên quá kỳ vọng vào động lực mà gói tín dụng 110 nghìn tỷ cho Nhà ở xã hồi mà Bộ Xây dựng đang đề xuất. Ảnh minh họa, nguồn – int

Mới dừng ở đề xuất

Với gói tín dụng 110 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội (NOXH), nhà cho công nhân, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính lưu ý rằng đây mới chỉ là “đề xuất”.

Theo đó, gói dành cho nhà ở xã hội được kỳ vọng có thể xem xét bởi trước đó, Chính phủ đã duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân Khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.

Theo thống kê tại cuối 2021, có khoảng 142.000 căn NOXH đã được xây dựng, và năm 2022 có khoảng 20 nghìn căn tính cả cấp phép mới, hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Con số này rất thấp so với tiến độ mục tiêu chia đều cho khoảng 7 năm còn lại tới 2030. Như vậy, nếu không có cú hích nào khác thì sẽ khó hoàn thành mục tiêu này, ông Hoàn đặt vấn đề.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng dẫn chứng lại thực tế giai đoạn năm 2013, gói hỗ trợ trị giá đến 30 nghìn tỷ cho NOXH trong quá khứ đã gặp vướng mắc về giải ngân chậm, dẫn đến Bộ Xây dựng phải trình gia hạn. Các dự án cũng vì vậy chậm triển khai, ách tắc nguồn cung, hạn chế hiệu quả.

Do đó, ông Hoàn đặt vấn đề về việc có nên tăng trưởng cung tiền bắt đầu bằng một gói tín dụng mà quá khứ khởi phát bong bóng tài sản khi mà từ giai đoạn 2013, bong bóng nhà đất đã bắt đầu bơm hơi và tăng giá đều đặn cho tận 2023.

Ngoài ra, cũng theo ông Hoàn, hiện nay, theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình thì ngành xây dựng đang có 2 gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nguồn cầu và nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp.

“Nếu có thêm gói 110 nghìn tỷ đồng cho trung hạn, thì giải ngân như thế nào để tránh chồng chéo? Chưa đánh giá đầy đủ, chưa có câu trả lời cụ thể cho những câu hỏi này, thì nên chăng gói đề xuất 110 nghìn tỷ đồng mà Bộ Xây dựng đề xuất, rất cần được nghiên cứu kỹ”, ông Hoàn nêu quan điểm.

Lấy đâu dự án để cho vay?

Bên cạnh những băn khoăn về tính cần thiết và khả thi của gói tín dụng 110 ngàn tỷ đồng cho NOXH mà Bộ Xây dựng đang đề xuất, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng như doanh nghiệp cũng đặt vấn đề nếu gói tín dụng trên được thông qua thì sẽ “lấy đâu dự án để cho vay?”.

Ông Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng thị trường hiện nay đã rất khác với trước đây, nguồn cung nhà ở của 2022-2023 bị giới hạn rất nhiều so với 2011-2013, thời điểm đó, nguồn cung nhà ở giá bình dân chiếm gần 50%, nhà ở xã hội cũng có nguồn cung lớn.

“Mười năm trước, chúng tôi bán hàng rất khó khăn vì quá nhiều hàng để bán, đến nay thì lại gặp khó khăn là không có nhiều hàng để bán. Còn hiện tại 2 phân khúc này lại rất hiếm trên thị trường” – ông Quyết nói.

CEO Đất Xanh Miền Bắc bày tỏ quan ngại, trong bối cảnh dự án mới không nhiều, dù có gói hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội cũng khó tạo được sự đột phá cho thị trường.

Cũng băn khoăn về vấn đề lấy đâu dự án để cho vay, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng cùng với gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng còn đặt mục tiêu một triệu căn nhà xã hội đến năm 2030. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu đó, cần có một quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội. Phải có quỹ đất, lựa chọn các khu nhà ở xã hội tập trung ở vị trí quy hoạch hợp lý trước khi tính đến bài toán vốn, ông Hiệp nêu quan điểm.

Ngoài ra, cũng theo ông Hiệp, các thể chế quy định về tiêu chuẩn nhà ở xã hội, trình tự các bước làm dự án nhà ở xã hội, tiêu chuẩn và chế độ cho người mua nhà ở xã hội cũng cần cập nhật lại và đơn giản hoá theo điều kiện biến đổi của thị trường (kể cả đơn giá thi công nhà ở xã hội)”.

Chia sẻ quan điểm trên, TS. Trần Xuân Lượng – chuyên ngành bất động sản, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng đến thời điểm hiện tại những quỹ đất trong nội đô làm nhà ở xã hội rất ít. Không những vậy, các dự án nhà ở xã hội đều đang vướng thủ tục pháp lý và vướng mắc về cả vị trí, giá cả, đặt ra nhiều vấn đề hơn trong xây dựng nhà ở xã hội.

[ad_2]

Nguồn: https://markettimes.vn/goi-tin-dung-110-nghin-ty-cho-nha-o-xa-hoi-moi-chi-la-de-xuat-18399.html