[ad_1]

Góc nhìn tuần 28/02-04/03/2022: Sớm chinh phục lại đỉnh cũ?

TVSI đánh giá rằng VN-Index vẫn giữ được xu hướng tăng giá trong trung hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index được kỳ vọng sẽ sớm vượt hoàn toàn vùng kháng cự ngắn tại 1,510-1,515 điểm và sớm chinh phục lại đỉnh cũ.

Cơ hội phục hồi cao

CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index tăng điểm tích cực ngay từ đầu phiên 25/02 trước khi dần suy yếu và đánh mất phần lớn thành quả đạt được về cuối phiên. Vùng cản quanh 152x tiếp tục gây áp lực lên đà hồi phục của chỉ số và rủi ro điều chỉnh có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong phiên kế tiếp.

Mặc dù vậy, KBSV cho rằng cơ hội hồi phục sau đó vẫn được đánh giá cao chừng nào vùng hỗ trợ then chốt quanh 1,460 điểm tiếp tục được giữ vững. Sau khi chốt lời 1 phần trong những phiên trước, nhà đầu tư được khuyến nghị có thể mở lại từng phần vị thế trading ngắn hạn quanh vùng hỗ trợ của các mã mục tiêu.

Sớm vượt hoàn toàn vùng kháng cự ngắn tại 1,510-1,515 điểm

CTCK Tân Việt (TVSI): VN-Index kết phiên 25/02 với cây nến giảm điểm, mất mốc hỗ trợ tâm lý 1,500 điểm và đóng cửa thấp nhất phiên, cho tín hiệu khá tiêu cực. Về khung đồ thị tuần, VN-Index xuất hiện cây nến Doji giảm đỏ, cho thấy lực mua và bán vẫn tạm thời cân bằng.

Tuần qua (21-25/02) mặc dù gặp nhiều biến động nhưng việc chỉ số cân bằng trở lại vào cuối tuần là một tín hiệu rất tích cực của thị trường. Nhìn chung, VN-Index vẫn chỉ đang trong xu hướng đi ngang tích lũy. Xu hướng tăng giá trong ngắn hạn vẫn chỉ đang trong quá trình hình thành và sẽ xác nhận nếu VN-Index vượt vùng kháng cự 1,510-1,515 điểm và xa hơn là vượt đỉnh cũ tại 1,535 điểm.

TVSI đánh giá rằng VN-Index vẫn giữ được xu hướng tăng giá trong trung hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index được kỳ vọng sẽ sớm vượt hoàn toàn vùng kháng cự ngắn tại 1,510-1,515 điểm và sớm chinh phục lại đỉnh cũ.

Duy trì trạng thái vận động giằng co

CTCK Phú Hưng (PHS):  Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch gia tăng lên trên mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực bán đang có phần áp đảo. Không những vậy, chỉ số cũng không giữ được đóng cửa trên MA5, cùng với đường RSI suy yếu về vùng 56 và đường –DI có tín hiệu nới rộng khoảng cách lên phía trên so với +DI, cho thấy sức ép điều chỉnh đang quay trở lại.

Tuy nhiên, khi quan sát kỹ tín hiệu tổng quát, PHS nhận thấy phiên giảm với nến rút chân bóng dưới dài, cùng với các đường MA20 và 50 vẫn ở trạng thái hội tụ phẳng, cho thấy kịch bản chỉ số vận động giằng co trong biên độ hẹp vẫn chưa thay đổi, với hỗ trợ quanh vùng 1,470- 1,480 điểm và kháng cự quanh 1,520-1,530 điểm (đỉnh cũ tháng 1/2022). Do đó, vùng hỗ trợ biên dưới đang đóng vai trò quan trọng cần theo dõi trước khi có quyết định thay đổi tỷ trọng danh mục.

Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có diễn biến tương tự. Mặc dù, chỉ số có phiên giảm điểm trở lại sau khi không thể vượt qua được MA50, nhưng vẫn giữ được đóng cửa trên MA20, cho thấy phiên giảm mới dừng lại ở tín hiệu rung lắc. Chỉ số có thể tiếp tục điều chỉnh về lại vùng 423 điểm (MA20) trước khi thể hiện xu hướng ngắn hạn rõ ràng hơn.

Nhìn chung, thị trường vẫn duy trì trạng thái vận động giằng co trong biên độ. Do đó, nhà đầu tư nên giữ danh mục ở mức cân bằng, với ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu có cơ bản tốt, kỳ vọng kinh doanh 2022 khả quan và đang thu hút được dòng tiền mạnh.

Biến động

CTCK Mirae Asset (Mirae Asset): Liên tiếp trong 2 tuần gần nhất, VN-Index đã duy trì trạng thái biến động nhẹ trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới có phần hoảng loạn bởi lo ngại chiến tranh. Dù có tính ổn định cao trong thời gian gần đây nhưng Mirae Asset đánh giá thị trường chung đang trong giai đoạn biến động, ẩn chứa những rủi ro bất ngờ. Xu hướng ngắn hạn có thể xấu đi nhanh chóng chỉ sau vài phiên biến động mạnh. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức -2 (Trung tính). Mức P/E của VN-Index đang ở mức 17.00 lần.

Giải ngân với tỷ trọng nhỏ

CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Lực cung chốt lời ngắn hạn vẫn là khá lớn quanh vùng 1,520 điểm khiến cho chỉ số vẫn đang có xu hướng dao động tích lũy đi ngang quanh mốc 1,500 điểm kể từ đầu tháng đến hiện tại. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến căng thẳng Nga – Ukraine cũng làm dấy lên quan ngại về triển vọng thị trường trong ngắn hạn. Lực cầu bắt đáy trong tuần 21-25/02 tuy vẫn có nhưng là không đủ để khiến VN-Index đi ngược lại xu hướng chung trên thế giới.

Trong tuần 28/02-04/03, VCBS kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn – vốn đã có mức giá chiết khấu khá sâu sau tuần vừa rồi. Với diễn biến như vậy, nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng ngắn hạn có thể giải ngân với tỷ trọng nhỏ vào nhóm cổ phiếu “trụ” dẫn dắt thị trường, trong khi đó nhà đầu tư trung – dài hạn vẫn nên chờ đợi thời điểm mặt bằng giá thị trường ổn định hơn rồi mới nên cân nhắc tiến hành giải ngân.

Khang Di

[ad_2]