[ad_1]

Góc nhìn đầu tư 2022: Ngành bán lẻ – Điểm sáng giúp kinh tế hồi phục

Ngành bán lẻ vẫn luôn được mong đợi sẽ phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022. Đại dịch Covid-19 cũng phần nào giúp các “ông lớn” trong ngành này chiếm thêm nhiều thị phần từ các công ty khác rời khỏi thị trường.

Ngành bán lẻ chịu tác động từ đại dịch

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021 ước đạt 1,312.6 nghìn tỷ đồng, tăng 28.1% so với quý trước và giảm 2.8% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,789.5 nghìn tỷ đồng, giảm 3.8% so với năm trước.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2016-2020, ngành bán lẻ luôn tăng trưởng trên mức GDP. Song, do ảnh hưởng từ đại dịch cũng như giãn cách xã hội, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 bị tác động nặng nề. Theo Bộ Công Thương Việt Nam đến năm 2025, giá trị gia tăng của ngành thương mại Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 13.5% GDP và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9%-9.5% mỗi năm tới năm 2025.

Tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ so với GDP và CPI trong giai đoạn 2016-2021. Đvt: Phần trăm

Nguồn: Vietstock Finance

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam sẽ không còn quá bi quan

Mặc dù xuất phát chậm hơn so với hầu hết các quốc gia khác nhưng Việt Nam đã ứng phó nhanh nhằm nỗ lực tìm kiếm nguồn cung và triển khai tiêm vắc-xin từ đầu tháng 07/2021. Đến thời điểm ngày 10/02/2022, và trong vòng khoảng bảy tháng kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, đã có khoảng 73% dân số được tiêm một mũi và khoảng 80% đã được tiêm đủ 2 mũi.

Chính phủ đã chuyển từ chính sách “Không COVID-19” (với các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu thiệt hại về người nhưng đã dẫn đến thiệt hại kinh tế nghiêm trọng) sang chính sách “Sống chung với COVID-19”, theo đó nền kinh tế có thể mở cửa trở lại. Chuyển hướng chính sách cũng khiến cho tỷ lệ lây nhiễm tăng lên. Tuy nhiên điều này không quá quan ngại khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin nhanh chóng đã giúp giảm tỷ lệ ca nhiễm bị tử vong – nghĩa là tỷ lệ tổng số ca tử vong do COVID-19 trên tổng số ca nhiễm được giảm xuống.

Nguồn: Our World in Data

Có thể tăng thêm 36 triệu người vào tầng lớp tiêu dùng trung bình trở lên trong thập kỷ tới

Theo nghiên cứu gần đây của McKinsey Global Institute, Việt Nam là quốc gia có tiềm lực trở thành một trong những quốc gia có tăng trưởng tiêu dùng nhanh chóng trong khu vực cũng như ở châu Á. Trong thập kỷ tới, thêm 36 triệu người tiêu dùng có thể tham gia tầng lớp tiêu dùng của Việt Nam, được định nghĩa là những người chi tiêu ít nhất 250,000 đồng/ngày theo điều kiện ngang giá sức mua (PPP).

Đây sẽ là một sự chuyển mình lớn khi vào năm 2000, chưa đến 10% dân số Việt Nam là thuộc tầng lớp tiêu dùng, con số này ngày nay đã tăng lên 40%. Đến năm 2030, con số này có thể gần 75%. Hai tầng lớp tiêu dùng cao nhất (những người chi tiêu từ 700,000 đồng trở lên mỗi ngày) đang tăng nhanh nhất và có thể chiếm 20% dân số Việt Nam vào năm 2030.

Dân số Việt Nam được chia theo từng nhóm tiêu dùng theo ngang giá sức mua (PPP). Đvt: Triệu người

Nguồn: McKinsey Global Institute

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) hồi phục trở lại

Theo The Global Economy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) Q4/2021 tăng lên 113, phục hồi mạnh sau thời gian giãn cách nghiêm ngặt, trung bình trong giai đoạn Q2/2017 – Q4/2021 là 120.06, hiện vẫn ở mức cao top đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này là tác động của sự lạc quan đối với cơ hội việc làm và tài chính cá nhân, cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt Nam.

Sự gia tăng đáng kể điểm số này cho thấy rằng người tiêu dùng tiếp tục tăng chi tiêu, thay đổi đầu tư nhiều hơn cho bản thân và gia đình. Các doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ cần nắm bắt các xu hướng mới nhất trong thị trường tiêu dùng và hành động nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của người dùng.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI)

Nguồn: The Global Economy

Các phương thức mua hàng mới xuất hiện, với thương mại trực tuyến đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam

Theo báo cáo nghiên cứu của SYNC Southeast Asia vào đầu tháng 9/2021, tốc độ tăng trưởng người tiêu dùng số song hành với mức tăng chi tiêu số nhanh chóng trên địa bàn lên tới 80%/năm và tăng gấp đôi trong 5 năm.

Dự kiến tổng giá trị mua sắm trực tuyến sẽ tăng gấp đôi tính đến năm 2026. Trong đó, Việt Nam được kỳ vọng là thị trường có tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỷ USD vào năm 2026, tăng 4.5 lần so với giá trị ước tính của năm 2021. Tại Việt Nam cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng đều được tiếp cận kỹ thuật số. Ước tính Việt Nam sẽ có 53 triệu người tiêu dùng số vào cuối năm 2021.

Dự báo mức tăng trưởng giá trị hàng hóa thương mại điện tử các nước khu vực Đông Nam Á và Việt Nam

Nguồn: SYNC Southeast Asia

Chú thích:

SEA = ASEAN; ID = Indonesia; MY = Malaysia; PH = Philippines; SG = Singapore; TH = Thailand; VN = Viet Nam

Cũng theo nghiên cứu trên, lần đầu tiên việc thanh toán sử dụng tiền mặt đã có sự sụt giảm đáng kể từ 60% trong năm 2020 xuống còn 42% năm 2021.

Do vậy, các doanh nghiệp truyền thống nếu không thích nghi và bắt kịp chuyển đổi số, mở rộng bán hàng đa kênh sẽ có nguy cơ lạc hậu nhanh chóng, thị phần sẽ thuộc về tay các doanh nghiệp thích ứng nhanh và ứng dụng công nghệ vào việc bán hàng nhiều hơn.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bán lẻ

Ngành hàng không có triển vọng tích cực trong năm 2022. Từ ngày 15/02/2022, hàng không Việt Nam bắt đầu mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế đến các nước sau gần hai năm đóng cửa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể yên tâm khi mà tình hình dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp. Vì vậy, các cổ phiếu bán lẻ liên quan đến lĩnh vực này như AST, CIA và SAS thuộc nhóm không nên đầu tư trong năm 2022.

Xu hướng home entertainment (giải trí tại nhà) lên ngôi tạo ra mô hình trải nghiệm mới cho người tiêu dùng. Theo thống kê của Google, trong năm 2021, người Việt đạt tỷ lệ xem Youtube trên TV nhiều nhất châu Á. Năm 2021 chứng kiến xu hướng chuyển đổi số khởi động. Năm 2022 quá trình này tăng tốc và thúc đẩy nhu cầu mua sắm PC, laptop hay máy trạm (workstation). Bên cạnh việc mua mới thì nhu cầu nâng cấp thiết bị, phụ kiện cũng rất lớn để có thể làm việc tốt hơn. Như vậy, MWG và FRT là những cổ phiếu không thể bỏ qua của ngành bán lẻ trong năm nay.

Các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu khác như thời trang, may mặc, trang sức, ô tô… sẽ hồi phục trở lại do nhu cầu chi tiêu của lớp trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Các mã PNJ và HAX là nổi bật nhất trong nhóm này. Hai mã này đều đang trong xu hướng tăng dài hạn đã hình thành từ năm trước nên có thể xem xét đầu tư.

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

Nguồn: https://vietstock.vn/2022/04/goc-nhin-dau-tu-2022-nganh-ban-le-diem-sang-giup-kinh-te-hoi-phuc-582-933472.htm

[ad_2]