[ad_1]

Góc nhìn 23/12: Lại đi ngang?

Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) dự báo chuỗi ngày đi ngang của VN-Index có thể sẽ tiếp tục dài thêm trong ngắn hạn khi thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ cũng như dòng cổ phiếu dẫn dắt.

Tiếp tục đi ngang

CTCK BIDV (BSC): Giá đóng cửa của VN-Index đi ngang suốt trong 8 phiên trở lại đây. Mở cửa phiên sáng 22/12, VN-Index chinh phục 10 điểm của thị trường sau chưa đầy 15 phút. Tuy nhiên ngay sau đó lực bán gia tăng ép chỉ số quay đầu nhanh chóng. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 9/19 ngành tăng điểm. Nhóm cổ phiếu bất động sản duy trì đà tăng điểm, tuy nhiên là không đủ để kéo VN-Index lên trước sức ép của nhóm bank, chứng khoán, thép. Về giao dịch của khối ngoại, khối này mua ròng trên sàn HOSE và bán ròng trên sàn HNX.

BSC dự báo chuỗi ngày đi ngang của VN-Index có thể sẽ tiếp tục dài thêm trong ngắn hạn khi thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ cũng như dòng cổ phiếu dẫn dắt.

Xem xét giải ngân vào nhóm hưởng lợi từ đầu tư công

CTCK Đông Á (DAS): Theo DAS, vùng hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index đang là 1,440 điểm và chỉ số cần vượt 1,485 điểm để quay lại xu thế tăng. Thời điểm hiện nay không có nhiều thông tin hỗ trợ nên khó kỳ vọng thị trường chung có sự tăng trưởng đột biến, tuy nhiên với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 thì nhà đầu tư có thể mua tích lũy danh mục đầu tư trung hạn khi có phiên điều chỉnh.

Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể xem xét các cơ hội giải ngân vào các nhóm ngành hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công như vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng, bất động sản… cho danh mục đầu tư trung hạn.

Canh nhịp điều chỉnh để tăng vị thế

CTCK KB Việt Nam (KBSV): Ở góc nhìn kỹ thuật, KBSV chỉ ra sau nhịp mở gap tăng điểm đầu phiên, VN-Index dần suy yếu và đảo chiều giảm điểm giằng co đến cuối phiên 22/12. Chỉ số tiếp tục có một phiên vượt cản bất thành trước áp lực phân phối gia tăng vào cuối phiên. Tầm ảnh hưởng của vùng cản đi kèm tín hiệu suy yếu tại nhóm cổ phiếu dẫn dắt cho thấy rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong các phiên kế tiếp đang có phần lấn át. Mặc dù vậy, cơ hội hồi phục sau đó vẫn được đánh giá cao với vùng hỗ trợ đáng lưu ý tại 1,44x điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị chờ nhịp điều chỉnh rõ nét về quanh vùng hỗ trợ trước khi tăng thêm một phần tỷ trọng vị thế trading đối với các cổ phiếu mục tiêu.

Giằng co có thể xuất hiện ở vùng giá thấp

CTCK Asean (Aseansc): Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn là đi ngang tích lũy trong biên độ hẹp, nhất là khi nhóm cổ phiếu “bank, chứng, thép” chưa thể bứt phá. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục thu hút dòng tiền khá tốt, tuy nhiên là không đủ để duy trì sắc xanh cho chỉ số.

Do đó, Aseansc duy trì quan điểm rằng khả năng VN-Index sẽ cần phải tích lũy thêm cho đến khi có sự bùng nổ về thanh khoản để xác nhận hướng đi mới. Dự báo trong phiên giao dịch ngày 23/12, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1,480 – 1,485 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,470 – 1,475 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,460 – 1,465 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

 

Khả quan trong ngắn hạn

CTCK Mirae Asset: Diễn biến đóng cửa giảm điểm nhẹ trong phiên 22/12 đã giúp cho điểm số đánh giá kỹ thuật của VN-Index vẫn được duy trì ở mức đánh giá +4 điểm, tương ứng mức đánh giá ngắn hạn khả quan.

Cơ hội đang ở nhóm cổ phiếu nhỏ

CTCK MB (MBS): Thị trường vẫn duy trì trạng thái đi ngang kéo dài gần 2 tuần nay, dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ để tìm kiếm cơ hội, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản (bao gồm cả bất động sản khu công nghiệp). Về kỹ thuật, nhóm cổ phiếu Mid Cap và Small Cap có phiên vượt đỉnh cũ và lập mức cao mới, do vậy đã lôi kéo được dòng tiền dịch chuyển từ nhóm bluechips sang. Cơ hội lúc này đang ở nhóm cổ phiếu nhỏ, tuy vậy nhà đầu tư cũng gần chú ý dòng tiền bắt đáy ở nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng,… khi kết quả kinh doanh quý 4 sắp được công bố.

Có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu 35-40% danh mục

CTCK Yuanta Việt Nam: Thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giằng co vào đầu phiên và các chỉ số có thể sẽ biến động mạnh hơn vào cuối phiên. Điểm tích cực là khối lượng giao dịch đã gia tăng trở lại, nhưng dòng tiền vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục đi ngang hoặc giảm, đặc biệt là nhóm cổ phiếu thép giảm về gần vùng đáy tháng 7/2021 cho thấy lực cầu có thể sẽ gia tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với xu hướng chung của thị trường.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu 35-40% danh mục và chỉ nên xem xét mua mới với tỷ trọng thấp.

Áp lực điều chỉnh nhẹ có thể tiếp tục diễn ra

CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco): Dự báo áp lực điều chỉnh nhẹ có thể tiếp tục diễn ra trong phiên sáng 23/12 tới, nhà đầu tư có thể canh khi chỉ số ở gần vùng nền 1,470 điểm để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Nhìn dài hơn, Agriseco duy trì kỳ vọng Index sẽ vượt khỏi vùng nền đã tích lũy vững chắc này và hướng tới mốc 1,500 điểm, một số nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng giá tốt nhà đầu tư có thể giải ngân thêm tại các nhịp điều chỉnh như bất động sản, xây dựng, cao su, điện.

 

Duy Na

[ad_2]