[ad_1]

Liên quan đến chỉ đạo báo cáo Chánh án TAND Tối cao kháng nghị bản án liên quan đến dự án khu đô thị Đa Phước 29 ha, người dân quan tâm đến trình tự thủ tục giám đốc thẩm sẽ được thực hiện thế nào.

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện bản án số 20/2000/HS-ST ngày 13.1.2020 (dự án 29 ha tại khu đô thị Đa Phước). Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.Đà Nẵng rà soát căn cứ pháp lý để xem xét báo cáo Chánh án TAND Tối cao kháng nghị bản án liên quan đến dự án 29 ha theo thủ tục giám đốc thẩm theo đúng thẩm quyền quy định tại pháp luật về tố tụng hành chính.

Luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Sơn

PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng, xung quanh trình tự thực hiện thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm sẽ được thực hiện thế nào theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

PV Thanh Niên: Thưa ông, người dân rất quan tâm các thủ tục giám đốc thẩm sẽ được thực hiện thế nào và thời gian thực hiện trong bao lâu?

Luật sư Lê Cao: Hiện nay, liên quan đến khu đất 29 ha thuộc dự án khu đô thị Đa Phước có bản án hình sự sơ thẩm số 20/2020/HS-ST ngày 13.1.2020 của TAND TP.Hà Nội (bản án 20) và bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12.5.2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội (bản án 158). Các bản án này tuyên giao cho UBND TP.Đà Nẵng thu hồi và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân.
Việc tuyên án với nội dung như vậy rõ ràng UBND TP.Đà Nẵng sẽ không thể xử lý thi hành án được, vì còn những vấn đề pháp lý vướng chưa được các bản án nêu trên giải quyết qua quá trình xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Rõ ràng, việc không đưa những người có quyền lợi, những người đã bỏ tiền ra mua các sản phẩm bất động sản của dự án này vào tham gia tố tụng, sau đó tuyên bản án có liên quan đến họ nhưng lại tuyên chung chung, giờ cơ quan thi hành án sẽ không biết thi hành án như thế nào cả. Nếu dự án bị thu hồi thì không thể bảo vệ quyền lợi cho người dân như bản án nêu? Nếu thu hồi rồi thì ai, chủ thể nào có quyền đứng ra tiếp tục thực hiện các hợp đồng, giao dịch với người dân, doanh nghiệp nào tiếp tục thực hiện dự án hay là UBND TP.Đà Nẵng sẽ tự phải làm? Cơ chế thu hồi rồi giao lại cho doanh nghiệp khác thực hiện thì phải làm như thế nào? Nếu không được giám đốc thẩm để xem xét lại các vấn đề pháp lý sẽ không thể thi hành án.

Khu đô thị Đa Phước đang được UBND TP.Đà Nẵng tìm cách tháo gỡ các vướng mắc. Ảnh: Hoàng Sơn

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì trong thời hạn 1 năm kể từ ngày các bản án này có hiệu lực, các đương sự có liên quan khi phát hiện các sai lầm của các bản án có thể yêu cầu người có thẩm quyền kháng nghị; trong trường hợp này là Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị đối với 2 bản án số 20 và 158.

Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; hoặc có thể kéo dài thêm 2 năm nếu các bản án xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ 3 xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó; hoặc khi có các kiến nghị yêu cầu tiếp của các đương sự sau khi hết thời hạn kháng nghị.

Việc thi hành án khu đô thị Đa Phước 29 ha bị ách tắc trong 2 năm qua. Ảnh: Hoàng Sơn

Về thời hạn xét xử giám đốc thẩm, theo quy định tại Điều 339 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm là 4 tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án. Điều quan trọng là bây giờ Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao phải thực hiện kháng nghị thi hành các bản án đã có hiệu lực mới có cơ hội được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

* Đối với bản án số 20 của TAND TP.Hà Nội yêu cầu phải thực hiện thu hồi dự án khu đô thị Đa Phước. Trong khi đó, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã có kiến nghị không thu hồi dự án này. Thưa ông, để việc kháng nghị giám đốc thẩm đảm bảo tính khả thi, UBND TP.Đà Nẵng cần quan tâm vấn đề gì?

– Chúng tôi có nghiên cứu kỹ nội dung các bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án này, thấy rằng có những vướng mắc trong áp dụng pháp luật về tố tụng lẫn nội dung đối với vụ án.

Khi xét xử, nhiều tài sản chưa được làm rõ quyền lợi chung riêng, quyền lợi của các bên thứ 3 liên quan, quyền lợi các bên chưa được làm rõ và giải quyết triệt để nên sẽ khó thi hành án được.

Hiện nay, TP.Đà Nẵng đang rà soát căn cứ pháp lý để xem xét báo cáo Chánh án TAND Tối cao kháng nghị bản án số 20. Ảnh: Hoàng Sơn

Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề, UBND TP.Đà Nẵng cần kiến nghị xem xét lại toàn diện các bản án này theo thủ tục giám đốc thẩm để làm rõ những vấn đề pháp lý quan trọng chưa được giải quyết thấu đáo, từ đó đưa ra nội dung tuyên án làm sao có thể thi hành. Nếu tuyên án như hiện nay sẽ không thể thi hành được bởi sẽ không biết thi hành như thế nào.

* Để bảo vệ quyền lợi của người dân đã giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất tại dự án, về mặt pháp lý, người dân cần làm gì tiếp theo? UBND TP.Đà Nẵng cũng cần kiến nghị gì cho đến khi vấn đề được tháo gỡ?

Liên quan đến pháp lý của dự án 29 ha khu đô thị Đa Phước, với nội dung tuyên án của bản án số 20 và bản án 158, sẽ khó có thể thi hành án. Do đó, muốn tháo gỡ được vấn đề cần phải liên tục đề nghị để giám đốc thẩm lại vụ án.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo rà soát lại các vấn đề pháp lý để có kiến nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm nên người dân mua sản phẩm cần nhanh chóng có thêm các yêu cầu, kiến nghị để Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét việc kháng nghị đối với các bản án.

Người dân đã chuyển vào sinh sống tại khu đô thị Đa Phước từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đảm bảo các quyền lợi trong mua bán nhà đất. Ảnh: Hoàng Sơn

Đối với UBND TP.Đà Nẵng, khi kiến nghị cần làm rõ các vấn đề pháp lý mấu chốt để yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết dứt điểm được những vấn đề vướng để sau này có thể thi hành án liên quan đến dự án khu đô thị Đa Phước. Với nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động quản lý đất đai đặc thù tồn tại nhiều năm qua, tôi cho rằng TP.Đà Nẵng cũng cần có kiến nghị liên quan đến bản án này. Nếu kết luận được trong việc xem xét lại các bản án này thì sẽ làm tiền lệ giải quyết các vấn đề vướng mắc khác đang có.

Xin cảm ơn ông!

[ad_2]