[ad_1]

Giới đầu tư đang hướng dòng tiền vào lĩnh vực khách sạn, tìm cách mua lại các cơ sở lưu trú nhằm đón đầu xu hướng bật tăng của thị trường du lịch cũng như phòng ngừa lạm phát.

Ảnh minh hoạ

Kênh đầu tư phòng ngừa lạm phát

Năm 2021 đánh dấu sự quay trở lại của dòng vốn đầu tư vào thị trường khách sạn châu Á Thái Bình Dương, với tổng giá trị đạt 12,1 tỉ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng giao dịch đầu tư tăng cao cho thấy sự lạc quan của thị trường về triển vọng hồi phục của ngành kinh doanh du lịch và khách sạn, theo báo cáo mới nhất của CBRE.

Ông Steve Carroll, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Khách sạn CBRE, khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhận định khách sạn là một trong những ngành được hưởng lợi khi nhiều quốc gia trong khu vực bắt đầu mở cửa trở lại.

Lĩnh vực khách sạn mang lại lợi suất hấp dẫn, nhờ đó thu hút đông đảo giới đầu tư. Cùng với đó, chiến lược tái định vị các tòa nhà khách sạn cũng mang đến cơ hội nâng cao mức lợi suất kỳ vọng.

“Ngoài ra, khách sạn còn được xem kênh đầu tư phòng ngừa lạm phát nhờ đặc tính cho thuê ngắn ngày thay vì là hợp đồng thuê với thời hạn theo tháng/theo năm như các hạng mục sản phẩm bất động sản thương mại khác”, ông Steve Carroll cho biết.

Theo chuyên gia của CBRE, khách sạn là một trong những phân khúc được săn đón nhiều nhất, đặc biệt là với các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội gia tăng giá trị.

Bên cạnh đó, kế hoạch mở cửa và nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch và khách sạn nhanh chóng bùng nổ trở lại sau dịch.

Theo đó, giới đầu tư, bao gồm cả quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT), công ty tư nhân và nhiều quỹ đầu tư cá nhân (PE) hiện đang đẩy mạnh việc mua lại các tòa nhà khách sạn để nâng cấp dịch vụ nhằm đón đầu xu hướng bật tăng của du lịch.

Đồng thời, các đơn vị này cũng tăng cường hoạt động chuyển đổi một số tòa khách sạn thành văn phòng và mô hình căn hộ chia sẻ (co-living space).

Nâng cấp khách sạn

Ông Chris Ely, Trưởng Bộ phận Quản lý Tài sản Mảng Khách sạn, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đánh giá xu thế chuyển đổi khách sạn thành mô hình căn hộ chia sẻ (co-living space) ngày càng gia tăng, đặc biệt tại Hong Kong và Singapore.

Đây là hai khu vực có nhu cầu khá lớn về việc tìm kiếm căn hộ với mức giá hợp lý, nhất là trong bối cảnh thị trường giá thuê ở đây tương đối đắt đỏ và kém linh hoạt.

Với các tòa khách sạn hiện tại, nhiều nhà đầu tư và đơn vị vận hành đã tận dụng thời điểm tạm lắng khách trong mùa dịch Coivd-19 để tiến hành nâng cấp và cải thiện lại cơ sở vật chất, chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón khách trở lại.

“Đồng thời, họ cũng sử dụng vốn đầu tư vào yếu tố công nghệ như thiết lập giải pháp thông minh ứng dụng trong quản lý vận hành khách sạn nhằm tạo nên sự khác biệt”, ông Ely cho biết.

Trên đà phục hồi

Nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế và chào đón khách quốc tế trở lại. Do đó, tình hình du lịch tại Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ sớm sôi động trong thời gian tới và dẫn đầu sự phục hồi của cả khu vực.

Sau giai đoạn dịch bùng phát, nhu cầu tìm kiếm những khu nghỉ dưỡng có không gian thoáng đãng tăng mạnh. Điển hình như các khách sạn tại Maldives đã bắt đầu ghi nhận tình hình hoạt động tích cực, trong đó công suất phòng và giá thuê đang dần tiệm cận về mức ở giai đoạn trước dịch Covid-19.

Các chuyên gia của CBRE dự đoán nhu cầu đầu tư vào phân khúc nghỉ dưỡng sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2022. Hoạt động đầu tư sôi động hơn trước những thông tin lạc quan về sự hồi phục nhanh chóng của du lịch và sức bật tăng trở lại của ngành kinh doanh khách sạn. Điều đó góp phần tạo ra sức ép cạnh tranh lớn trong việc lựa chọn các tài sản đầu tư giàu tiềm năng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn duy trì sự thận trọng với phân khúc khách sạn trong thành phố do đây là những tài sản được kỳ vọng sẽ cần thêm nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tiếp tục duy trì kiểm soát chi phí cho các chuyến đi công tác.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh trong hai năm qua, thị trường khách sạn khu vực châu Á Thái Bình Dương chưa ghi nhận nhiều dự án có tài sản đang bị áp lực nợ (distressed assets) nghiêm trọng.

Các tổ chức tín dụng tại nhiều nơi cũng đang khá lạc quan về tốc độ hồi phục của lĩnh vực khách sạn. Theo đó, một số ngân hàng lớn tại Úc và Nhật Bản đã tăng cường hoạt động cho vay với các nhà đầu tư lớn và có kinh nghiệm trong mảng khách sạn.

Sự tăng trưởng về nguồn khách sẽ hỗ trợ dòng tiền kinh doanh của khối khách sạn từng bước trở về với mức ở giai đoạn trước dịch. Nhờ vậy, kỳ vọng về mức giá giao dịch, bao gồm cả kỳ vọng về mức giảm giá, cũng sẽ dần được tái thiết lập trong những tháng tới đây.

“Thị trường khách sạn sẽ sớm đón làn sóng khách du lịch quay trở lại mạnh mẽ sau đại dịch”, ông Carroll nhận định và cho biết thêm yếu tố công nghệ được đặc biệt quan tâm, không chỉ giúp kiểm soát tốt hơn vấn đề vệ sinh, an toàn và sức khỏe cho khách lưu trú, mà còn nâng cấp chất lượng dịch vụ phòng họp nhằm phục vụ tốt hơn cho khách đoàn doanh nghiệp.

Việc nâng cao nhận thức về môi trường và xã hội cũng là một xu hướng mới nổi, sẽ thúc đẩy và định hình các giao dịch tương lai trong lĩnh vực này.

Bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, nhận định khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tăng cường mở cửa nhằm thúc đẩy thị trường khách sạn – nghỉ dưỡng hồi phục mạnh mẽ. Hoạt động đầu tư vào ngành khách sạn tại khu vực duy trì đà tăng trưởng ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh.

“Tại Việt Nam, thị trường được dự báo chứng kiến mức tăng trưởng đầu tư khách sạn tích cực nhờ sự trở lại của nguồn khách quốc tế và tiềm năng phát triển của du lịch trong dài hạn”, bà Hằng nói.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/gioi-dau-tu-dang-day-manh-mua-lai-cac-toa-khach-san-phong-ngua-lam-phat-108312.html

[ad_2]