[ad_1]

Giận quá mất khôn, suy tính quá dễ mất bạn, hứa nhiều dễ mất tín

Cổ ngữ có câu: ‘Vật cực tất phản’, người Trung Hoa có một nền văn minh lâu đời với trí huệ thâm sâu, từ thời cổ đại, người xưa luôn chú trọng đến đạo lý “Trung Dung”, vận may thường đi kèm với vận rủi, vì vậy phàm là làm việc gì cũng cần chú ý tiết chế, trung hòa và biết có chừng mực.

Giận quá mất khôn

Sự tức giận bắt nguồn từ nội tâm, khi cảm xúc bị kích động sẽ dẫn đến những hành động tiêu cực. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là phải tìm ra căn nguyên của cơn giận, từ đó học cách kiểm soát nó.

Tức giận là bản năng, kiềm chế cơn giận là bản lĩnh. Kiểm soát được cảm xúc mới có thể kiểm soát được cuộc đời.

Trong cuộc sống, khi chúng ta đối mặt với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, thi thoảng trong các mối quan hệ sẽ dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột. Tức giận không chỉ làm tổn hại đến tình cảm, mối quan hệ giữa người với người, mà còn có ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe.

Khi người ta tức giận, thường quên đi giới hạn và khả năng kiểm soát, thường nói và làm ra những sự tình không hợp với “lễ nghĩa”, dễ khiến bản thân sau này phải hối hận. Vì vậy, trong cuộc sống, chúng ta cần phải học được trí huệ của sự điềm tĩnh, nhẫn nại.

Sốc quá mất thần

Giống lúc Tào – Lưu luận anh hùng trong thiên hạ, Lưu Bị bị những lời của Tào Tháo làm cho kinh sợ đến nỗi đánh rơi đũa. Lưu Bị là người có đức lớn mà còn như vậy thì người thường nếu làm được “Thái Sơn sụp đổ trước mặt mà không biến sắc” thì thực sự không phải là việc dễ dàng.

Lão Tử từng nói: “Sủng nhục bất kinh”, tức không quan tâm hơn thua, không so đo thiệt hơn.

Tô Tấn cũng từng nói: “Dù Thái Sơn có sụp trước mắt nhưng sắc mặt vẫn bất biến, không thay đổi”.

Vương Dương Minh cũng từng nói: “Tâm này là bất động”.

Tất cả những câu nói này đều nêu ra một chân lý: “Cần phải có một trái tim an định, bất động, thản đảng, an nhiên để đối mặt với vinh nhục, được mất, và những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống”.

Bởi vậy, những người có thể giữ tâm tính vững vàng trước những tình huống bất lợi bất ngờ ập đến, có thể giữ cho bản thân mình một tâm thái bình tĩnh, ung dung, ắt sẽ là người làm nên đại sự.

Đau buồn quá dễ suy sụp

Đối mặt với bao nỗi buồn phiền, khổ hạnh trong cuộc sống, sau khi trút được nỗi đau, nỗi buồn trong lòng, chúng ta cần biết kiềm chế, tuân thủ và tiến lên, đừng để sự suy sụp tinh thần điều khiển bản thân.

Trung Y cho rằng, đau buồn quá mức sẽ gây hại cho sức khỏe. “Bi thương” là trạng thái đau buồn, thống khổ, biểu hiện là sắc mặt u ám, thần khí không đủ, dễ sinh sầu và suy nghĩ quẩn trí. Hơn nữa, đau buồn, thống khổ, cả hai trạng thái đều làm tổn thương đến phổi. Cổ nhân có câu” “Đau buồn quá mức hại phổi, phổi hại thì khí tiêu”, nói lên rằng, phiền muộn quá mức sẽ khiến các cơ quan nội tạng bị thương tổn.

Đau buồn, thất vọng không giải quyết được gì, thậm chí còn làm cho sự tình trở nên tệ hơn. Lạc quan và giữ một tâm thái vui vẻ, cuộc sống mới có thể trở nên tốt đẹp.

Vui quá dễ mất kiểm soát

Cổ nhân có câu: “Vui quá hóa buồn”, Con người trong khi cực kỳ phấn khích, thường nói năng không có kiểm soát, kiêng nể gì cả, sẽ nói một số lời gây tổn thương người khác hoặc không phù hợp, sau đó sẽ dẫn đến kết quả đáng buồn.

Khi con người ta vui vẻ, họ thường cảm thấy mọi thứ đều thuận mắt, lúc này khả năng phân biệt của họ thường yếu đi rất nhiều và tính logic của tư duy cũng bị giảm sút. Vì vậy, sự mất kiểm soát sẽ tận dụng cơ hội này để tác quái. Tuy nhiên, tâm thái có thể hưng phấn, lời nói ra cần phải bình tĩnh. Bởi vì, lời nói ra sẽ không bao giờ rút lại được nữa.

Những người thông tuệ là người có thể phân biệt được lời nào nên nói lời nào không, đặc biệt là lúc cao hứng.

Quá sợ thành ra yếu đuối

Tử Lộ hỏi Khổng Tử: Nếu Thầy cầm quân ra trận, thầy chọn ai theo?

Khổng tử đáp: Kẻ tay không mà bắt cọp, không thuyền mà lội qua sông, chết không tiếc thân, những kẻ ấy ta không cho theo ta. Khi lâm sự ắt phải biết lo lắng thận trọng, suy tính mưu lược để thành công, những người đó ta mới cho theo.

Lời bàn: Tử Lộ tự hào mình có dũng khí, ắt được thầy đánh giá cao. Nhưng Khổng Tử chỉ đánh giá cao những người vừa có dũng khí, không biết sợ sệt, hơn nữa còn vừa mưu trí, cẩn trọng.

Khổng Tử cho rằng, nếu sợ hãi quá mức sẽ lấn áp trái tim chúng ta, khi đối mặt với những việc mang tính quyết định, rất có thể sẽ không thể nào kiên trì với lập trường, nguyên tắc của bản thân, cho nên sẽ khó có thể đưa ra lựa chọn chính xác, cuối cùng không cách nào giải quyết vấn đề.

Trước sự sợ hãi hoặc cám dỗ, những người yếu đuối thường đánh mất nguyên tắc của mình. Lúc này, người thật sự mạnh mẽ sẽ ngẩng cao đầu mà đối mặt, người có bản lĩnh chân chính sẽ nhẫn nại và kiên trì. Đứng trước thử thách cam go, quân tử sẽ dũng cảm đối mặt, kẻ tiểu nhân yếu đuối thoát chạy, bởi vậy không thể làm nên nghiệp lớn.

Hứa nhiều dễ mất tín

Cổ ngữ có câu: “Một lần mất tin, trăm lần mất tín”, “ngôn tất tín, hành tất quả” có thể thấy rằng, trong đối nhân xử thế, cổ nhân rất coi trọng chữ Tín, một người có thành tín, biết thủ tín thì làm điều gì cũng tất thành.

Đừng coi nhẹ lời hứa, nếu đã hứa thì ắt phải làm được. Hãy giữ lời hứa và cố gắng hết sức để thực hiện. Trước khi vỗ ngực và hứa với ai đó, hãy cân nhắc thật kỹ bằng cả trái tim và năng lượng của bản thân.

Người xưa thận trọng lời nói, sợ sẽ xấu hổ nếu nói mà làm không được. Khổng Tử chủ trương là phải thận trọng trong lời nói và hành động, nếu không làm được điều này thì sẽ làm mất đi sự tín nhiệm của người khác. Bởi vậy, Khổng Tử cho rằng, người xưa không tự tiện nói chuyện, bởi vì họ sẽ cảm thấy xấu hổ về những việc đã hứa mà không làm.

Ham muốn lớn dễ gặp họa

Có câu: “Người chết vì tiền, chim chết vì thức ăn”, con người ham muốn quá mức sẽ dễ gặp họa. Vì “dục vọng” của một người không phải lúc nào cũng có thể đạt được, nó chỉ âm ỉ bùng cháy trong tâm can và quấy nhiễu tâm hồn của chúng ta. Hãy giữ một tâm thái thanh cao, mạnh mẽ mà không có ham muốn. Phước đức luôn là kết quả của sự tu dưỡng, không phải tranh giành.

Lão Tử trong “Đạo Đức Kinh” nói: “Danh dữ thân thục thân? Thân dữ hóa thục đa? Đắc dữ vong thục bệnh? Thị cố thậm ái tất đại phí, đa tàng tất hậu vong. Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu.”

Được danh lợi mà mất sinh mệnh, cái nào hại? Cho nên ham danh quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất mát nhiều. Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy mà có thể sống lâu được.

Một người nếu quá tham lam, dục vọng đầy mình ắt sẽ phải lao tâm khổ tứ, hao tổn tinh lực, kết quả sẽ mất đi càng nhiều, người tham lợi cầu tài, ắt sẽ yêu thích báu vật tiền tài, nếu như sở hữu nhiều quá ắt sẽ khiến người ta đố kị, oán hận.

Con người sống trên đời, danh lợi và tài phú đều là vật ngoại thân, chúng ta không nên vì truy cầu những thứ này mà làm tổn hại bản thân. Như vậy sẽ rơi vào tình trạng “bỏ gốc lấy ngọn”.

 

Nguồn: Secretchina

Lan Hòa biên tập

[ad_2]