[ad_1]
Giám sát “từ xa, từ sớm” gói kích cầu chặn bong bóng bất động sản
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đặng Hồng Anh, cần tăng cường giám sát “từ xa, từ sớm” việc thực thi chính sách kích cầu kinh tế để chặn nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản.
Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội sẽ là một trong những nội dung trọng tâm được Quốc hội bàn thảo tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra sắp tới.
Liên quan đến những tác động của thông tin này tới thị trường bất động sản,chúng tôi đã có nội dung trao đổi với ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam
|
– Trong bối cảnh gói kích cầu kinh tế đang được bàn thảo hiện nay, theo ông bài học từ gói kích cầu đầu tư năm 2008-2009 rút ra là gì?
Ông Đặng Hồng Anh: Gói kích cầu đầu tư 2008-2009, Việt Nam đã dành ra 122 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,9 tỷ USD và chỉ riêng năm 2009, trong số 122 nghìn tỷ chúng ta đã thực hiện giải ngân 106 nghìn tỷ, tương đương 5,6% GDP lúc đó.
Khi đó, gói kích cầu mặc dù đã giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng nhưng nó cũng tạo ra những hệ lụy to lớn cho sự phát triển bền vững khi chính sách tuy đúng đắn nhưng việc thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát dẫn đến tình trạng thất thoát, không thiết thực, hiệu quả.
Nguyên nhân chính được chỉ ra sau đó là do thiếu một cơ chế kiểm soát tốt trong quá trình triển khai chính sách, thiếu sự phối hợp trao đổi giữa khu vực doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp và các cơ quan, chủ thể thực thi chính sách kích cầu nên khi thực hiện hỗ trợ quy mô lớn, dòng tiền không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán, đầu cơ bất động sản, vàng… Hậu quả là đã khiến lạm phát tăng cao gây bất ổn nền kinh tế vỹ mô và kìm hãm sự phục hồi kinh tế.
Trong hai năm qua, và đặc biệt là sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã chịu thiệt hại nặng nề với những ảnh hưởng kéo dài kìm hãm sự phục hồi kinh tế. Do đó, việc cần sớm có gói kích cầu phục hồi kinh tế – xã hội là rất cần thiết nhưng việc triển khai cụ thể trong thực tiễn cũng cần được tính toán để tránh việc dòng tiền chảy vào những kênh đầu cơ và làm lạm phát tăng cao.
– Vậy nguy cơ bong bóng với thị trường bất động sản khi gói kích cầu sắp tới được triển khai ra sao thưa ông?
Ông Đặng Hồng Anh: Trong câu chuyện kích cầu, bài toán hấp thụ vốn vào nền kinh tế, vào những lĩnh vực quan trọng thay vì đổ vào kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản là rất quan trọng và đã được nhiều chuyên gia nhắc đến.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, công tác giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt hơn 70%, trong khi tăng trưởng vốn tín dụng cũng chỉ khoảng trên 10% cho thấy sức hấp thụ vốn vào nền kinh tế là thấp và chậm. Do đó, nếu sắp tới gói kích cầu được bơm ra cũng sẽ không loại trừ nguy cơ dòng tiền sẽ tìm đến những kênh đầu cơ, làm giá bất động sản tăng lên, giá chứng khoán tăng lên.
Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng chứng khoán vừa qua đã thể hiện phần nào hướng đi của dòng tiền xã hội. Bên cạnh đó, những cơn sốt nóng giá đất, nhất là đất nền tại nhiều địa phương vừa qua cũng cho điều tương tự.
Trong ngắn hạn, hiện tượng này có thể giúp cho một số doanh nghiệp, nhà đầu tư được hưởng lợi nhưng xét về lâu dài, tác động với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp nói chung cũng như các nhà đầu tư nói riêng là không mấy tích cực.
Theo các chuyên gia, các gói kích cầu, hồi phục kinh tế có thể làm nóng thị trường bất động sản
|
– Đâu sẽ là giải pháp cho bài toàn kích cầu, phục hồi kinh tế, xã hội hiệu quả nhưng vẫn không khiến thị trường BĐS quá nóng thưa ông?
Ông Đặng Hồng Anh: Liên quan đến nội dung này, vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã kiến nghị Quốc hội cần tập trung tăng cường công tác giám sát thực thi chính sách kích cầu kinh tế sắp tới theo phương châm “từ xa, từ sớm’”.
Có thể nói, mô hình giám sát chính sách “từ xa, từ sớm” là mô hình tiên tiến nhất hiện nay về giám sát thực thi chính sách theo phương châm khoa học, toàn diện và xuyên suốt bắt đầu ngay từ khâu xây dựng chính sách và việc giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện được diễn ra song song với quá trình triển khai chính sách.
Trong bối cảnh hiện nay, cách làm này đặc biệt phù hợp với các chính sách kích cầu kinh tế bởi nó cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tránh “sự đã rồi” hay những bất cập không được giải quyết trong quá trình triển khai khiến cho việc giải ngân liên tục bị gián đoạn và làm giảm hiệu quả của chính sách.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận “từ xa, từ sớm” cũng giúp nâng cao tính thực tiễn và tính đại diện của chính sách thông qua cơ chế tham vấn công-tư và sự vào cuộc giám sát, phối hợp thực hiện của chính các đối tượng thụ hưởng như khối doanh nghiệp và các tổ chức xã hội như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên,…qua đó đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc đưa chính sách đi vào đời sống người dân.
Trên thực tế, mô hình giám sát chính sách “từ xa, từ sớm” của Quốc hội đã và đang được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Úc, New Zealand, Scotland với số lượng chính sách được áp dụng cơ chế song kiểm này ngày càng tăng vì hiệu quả thực tiễn của nó đã được chứng minh.
Theo đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam rất mong muốn được phối hợp với các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế thực hiện một chương trình hỗ trợ Quốc hội triển khai mô hình giám sát chính sách “từ xa, từ sớm”, nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho gói chính sách kích cầu giúp nền kinh tế vượt qua suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.
– Xin cảm ơn ông!
Lê Sáng
[ad_2]