[ad_1]

Giá vàng thế giới giằng co mốc 1.900 USD/oz và giá vàng miếng trong nước sáng nay (27/4) “cố thủ” ngưỡng 70 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giữa giá vàng miếng và thế giới đang là 17 triệu đồng/lượng…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.

Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,1 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều bán.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,2 triệu đồng/lượng và 55,9 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,4 triệu đồng/lượng và 70,1 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ sáng nay cao hơn 17,1 triệu đồng/lượng, từ chỗ chênh xấp xỉ 17 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.901,6 USD/oz, giảm 5,1 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại thị trường Mỹ. Mức giá này tương đương gần 53 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.840 đồng (mua vào) và 23.120 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng qua.

Trong phiên New York đêm qua, giá vàng giao ngay tăng 7,3 USD/oz, tương đương tăng gần 0,4%, chốt ở 1.906,7 USD/oz.

Giá vàng đang được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu suy giảm và lạm phát leo thang.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, vẫn đang vật lộn với đợt bùng dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020. Phong toả ở Thượng Hải, trung tâm tài chính ở Trung Quốc, đã kéo dài sang tuần thứ tư. Lệnh xét nghiệm trên diện rộng ở Bắc Kinh, bao gồm tại một quận trung tâm, đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc phong toả ở thành phố thủ đô này.

Trong khi đó, lạm phát cao nhất 4 thập kỷ ở Mỹ có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang nước này (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay, đặt ra rủi ro đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Liên quan đến căng thẳng giữa Nga với phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine, Nga ngày 26/4 tuyên bố sẽ cắt cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.

Xu hướng bán tháo cổ phiếu gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng là một lý do nữa để nhà đầu tư nắm giữ vàng.

Ngoài ra, giá vàng còn hồi phục khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm từ mức đỉnh của 3 năm thiết lập vào tuần trước. Phiên ngày 26/4, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dưới 2,8%, từ mức đỉnh gần 3% cách đây 1 tuần.

Tuy nhiên, giá vàng tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh từ sự tăng giá của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đã vượt mức 102 điểm, cao nhất kể từ đầu năm 2020. Sáng nay, chỉ số này dao động quanh ngưỡng 102,3 điểm, từ mức 101,6 điểm vào sáng qua.

Do đồng USD mạnh, giá vàng đã giảm 1,8% trong phiên ngày thứ Hai (25/4), xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3.

Giá vàng đang cho thấy nỗ lực cầm cự mốc chủ chốt 1.900 USD/oz. Nếu để mất mốc này, giá vàng có thể giảm sâu.

Diễn biến giá vàng thời gian tới sẽ tiếp tục bị chi phối bởi tỷ giá đồng USD, cũng như các động thái và tín hiệu về chính sách tiền tệ của Fed. “Thị trường đang bắt đầu tin rằng Fed sẵn sàng quyết liệt hơn, và bởi vậy, động lực tăng giá cho các hàng hóa cơ bản, trong đó có vàng, cũng giảm bớt”, chuyên gia David Meger của High Ridge Futures phát biểu.

Nguồn: https://vneconomy.vn/gia-vang-mieng-venh-the-gioi-hon-17-trieu-dong-luong.htm

[ad_2]