[ad_1]

Giá vàng thế giới sụt mạnh xuống đáy 4 tuần do đồng USD mạnh lên và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng miếng sáng nay (26/4) giảm rất nhỏ giọt, thậm chí có nơi tăng, dẫn tới chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới chạm mức 17 triệu đồng/lượng.

Lúc hơn 9h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,95 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,15 triệu đồng/lượng và 55,85 triệu đồng/lượng, giảm 350.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,35 triệu đồng/lượng và 70,05 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với sáng qua.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 17 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 9h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.901,6 USD/oz, tăng 2,1 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương gần 53 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.840 đồng (mua vào) và 23.120 đồng (bán ra), tăng 10 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.

Trong phiên Mỹ ngày thứ Hai, giá vàng giao ngay giảm 33,9 USD/oz, tương đương giảm gần 1,8%, chốt ở 1.899,4 USD/oz. Đây là mức giá đóng cửa thấp của kim loại quý này kể từ cuối tháng 3.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: TradingView.

“Thủ phạm” khiến giá vàng lao dốc vẫn là đồng USD mạnh. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt 101,6 điểm trong phiên sáng nay, cao nhất kể từ đầu năm 2020.

Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ cũng là một nguyên nhân khiến vàng tụt giá trong thời gian gần đây. Thị trường hiện gần như chắc chắn Fed sẽ lâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5. Nhiều chuyên gia và nhà dầu tư dự báo Fed sẽ tiếp tục hành động quyết liệt trong những cuộc họp tiếp theo để kiềm chế lạm phát, thậm chí có thể tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm.

“Có vẻ như nỗi sợ về lãi suất tăng đang chiếm ưu thế áp đảo”, nhà phân tích Carsten Menke nhận định.

Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã quay đầu giảm trong phiên đầu tuần, giúp giảm bớt sức ép mất giá đối với vàng. Lợi suất trái phiếu 10 năm giảm về ngưỡng 2,8%, từ mức đỉnh của 3 năm là gần 3% thiết lập tuần trước.

“Chúng tôi cho rằng trong 3 tháng tới đây, giá vàng có thể giảm về 1.850 USD/oz”, ông Menke nói thêm. “Chúng tôi tin vàng, với tư cách một kênh đầu tư an toàn, đang khá đắt. Áp lực lạm phát sẽ dịu đi và nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro lạm phát sẽ giảm theo”.

Tại nhiều nước châu Á, giá vàng bán lẻ đang ngang bằng, thậm chí có nơi thấp hơn giá vàng quốc tế.

Theo hãng tin Reuters, giá vàng bán lẻ tại Ấn Độ trong tuần trước thấp hơn 10 USD/oz so với giá chính thức (tính bằng giá quốc tế cộng thuế nhập khẩu 10,75% và thuế tiêu thụ 3%). Giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc cũng thấp hơn khoảng 10 USD/oz so với giá thế giới.

Tại Hồng Kông, giá vàng bán lẻ trong tuần trước dao động từ thấp hơn 2,5 USD/oz đến cao hơn 0,5 USD/oz so với giá thế giới. Tại Singapore, giá vàng bán lẻ cao hơn 1,3-1,8 USD/oz so với giá quốc tế. Tại Nhật Bản, giá vàng bán lẻ ngang bằng hoặc cao hơn 0,5 USD/oz so với giá quốc tế – Reuters cho hay.

Nguồn: https://vneconomy.vn/gia-vang-mieng-chi-giam-50-000-dong-luong-du-the-gioi-lao-doc-chong-mat.htm

[ad_2]