[ad_1]

Giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam ra sao?

Chiến sự tại Nga – Ukraine đã châm ngòi hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu, mạnh mẽ và rõ ràng nhất chính là giá xăng, dầu của thế giới.

Giá dầu tăng vọt 3% trong ngày 24/02 sau khi Nga thông báo sẽ khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine và xuất hiện thông tin về vụ nổ ở Kiev. Hợp đồng dầu Brent tương lai tăng hơn 3% lên 100.07 USD/thùng, trước khi giảm về 99.77 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô WTI vọt 3.52% lên 95.38 USD/thùng. Giá khí thiên nhiên tăng vọt 2.33%.

Ảnh hưởng tiêu cực lên quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam

Sau nhiều kỳ điều chỉnh tăng liên tục, giá xăng dầu tại Việt Nam cũng đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết thực tế trong các giai đoạn trước, mỗi lần giá xăng tăng mạnh đều ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa. Còn tình hình hiện nay, giá xăng đã liên tiếp tăng mạnh và có thể sẽ tiếp tục tăng nữa trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng chưa có điểm dừng.

Việc xăng dầu tăng giá có tác động trực tiếp rất mạnh lên các công ty và giá cả hàng hóa. Tùy theo dịch vụ hàng hóa trực tiếp hay gián tiếp mà mức độ bị ảnh hưởng khác nhau, nhưng tất cả lĩnh vực đều chịu tác động. Các dịch vụ vận chuyển sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất, sau đó là các hàng hóa có chi phí vận chuyển cao.

Tại Việt Nam, năng lực sản xuất kinh doanh đa số đều có chi phí dựa trên năng lượng từ xăng, dầu và đều cao hơn các nước. Điều này là do kết cấu vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam chủ yếu dựa trên đường bộ nên phải chịu chi phí cao hơn.

Thêm vào đó, các dạng sản xuất đều thâm dụng nhiên liệu nhiều hơn các nước, do máy móc thiết bị thuộc thế hệ cũ nhiều hơn. Hơn nữa, kết cấu vể quản lý, vận chuyển, kinh doanh chưa được hợp lý nhiều như các nước.

Tựu trung lại, Việt Nam sẽ bị tác động mạnh hơn các nước khác khi có vấn đề xăng dầu xảy ra.

Trong năm 2022, nền kinh tế lại đang chịu áp lực của lạm phát do nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu về sản xuất kinh doanh, chưa phục hồi được do đại dịch COVID-19, gây nên chi phí cao trong sản xuất kinh doanh, tác động đến lạm phát.

“Việt Nam lại vừa mới mở cửa lại nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, đang rất cần những yếu tố để thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, bối cảnh yếu tố xăng dầu như hiện tại càng làm cho vấn đề hồi phục kinh tế của Việt Nam gặp khó khăn”, ông Hiển nói thêm.

Tác động lên tâm lý thị trường chứng khoán và nhiều kênh đầu tư

TS. Cấn Văn lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết hiển nhiên khi giá dầu tăng sẽ khiến cho chi phí nguyên vật liệu, chi phí đầu vào của doanh nghiệp và quá trình sản xuất kinh doanh tăng lên đáng kể. Như vậy sẽ khiến cho doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp khó khăn. Điều này khiến cho tiến trình phục hồi kinh tế sau COVID-19 của cả thế giới và trong đó có Việt Nam bị chậm lại.

Thứ hai, giá xăng dầu tăng cũng sẽ tác động đến lạm phát. Lạm phát toàn cầu năm nay sẽ còn tiếp tục tăng, có thể lên mức 3.9-4%, và dĩ nhiên lạm phát tại Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng tương đối đáng kể.

Việc tăng giá dầu do chiến sự này chỉ có một số nước xuất khẩu thặng dư xăng dầu mới được hưởng. Còn lại, đa số số đều chịu tác động tiêu cực, trong đó có Việt Nam, nhất là những lĩnh vực phải sử dụng nhiều nhiên liệu, như vận tải đặc biệt là hàng không và một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh phải dùng nhiều nhiên liệu.

Cũng theo ông Lực, chiến sự tại Nga – Ukraine không chỉ tác động lên giá dầu mà hiện còn gây ra tâm lý hoảng sợ và bất an trên thị trường chứng khoán. Thay vào đó, tâm lý của các nhà đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng, họ có xu hướng tìm đến tài sản an toàn hơn như vàng, các loại ngoại tệ như đồng Yen (Nhật), đồng Franc (Thụy Sĩ).

Cát Lam

[ad_2]