[ad_1]
So với đầu năm nay, hiện giá nhà đất nhiều nơi thuộc vùng ven Hà Nội đã tăng ít nhất gấp 2 lần. Mặc dù vậy, nguồn cung chào bán ra thị trường cũng rất hạn chế. Điều này càng tạo điều kiện cho “cò đất” găm hàng, đẩy giá…
Giá đất khu vực Quốc Oai đang được đẩy lên cao. Bài quen thuộc là: ai hỏi thì bảo “vừa bán rồi, hoặc vừa nhận cọc; nhưng chủ mới cũng đang muốn “lướt” nên khách muốn mua lại thì phải trả thêm…
Đưa nhóm nhà đầu tư đi xem một số lô đất có thông tin đang được chào bán trên đường 421b thuộc địa phận xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Biên – môi giới bất động sản khu vực này cho biết, giá đất ở đây năm trước chỉ mười mấy triệu một m2 nhưng giờ được giao dịch ở mức 30 – 35 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi người cần mua đã chọn một vài lô để xuống tiền, Biên gọi tới các chủ đất đang rao bán thì đều được báo là vừa bán hoặc không bán nữa. Nhóm khách hàng gọi đến các sàn giao dịch khác, câu trả lời cũng tương tự.
GIÁ ĐẤT TĂNG THEO CẤP SỐ NHÂN
Chị Nguyễn Hiền, một người chuyên “săn đất” vùng ven chia sẻ: thời gian này, giá đất mặt đường lớn ở đây tăng theo ngày. Mới tuần trước, chị hỏi mua lô đất được rao 2,4 tỷ đồng, chị và môi giới đang trong quá trình thương lượng về giá thì mấy hôm sau đã thấy bảo có người mua rồi. Do không còn nguồn hàng khác nên chị trả tới 3 tỷ đồng để lấy lại nhưng chủ mới không bán, dù chưa sang tên.
Trong khi đó, chị Thanh Hoa, quê tại Quốc Oai cho biết: việc đất đai ở đây lên giá là có thật. Việc khan hàng do chủ muốn giữ lại để nghe ngóng, đợi giá lên tiếp cũng có thật. Nhưng nguyên nhân cơ bản lại là do các sàn môi giới bắt tay nhau găm hàng, đẩy giá bằng cách mua lại hoặc đặt cọc trước khách, hoặc thoả thuận với chủ nhà chưa bán vội để rao bán lại với giá cao hơn. Bài quen thuộc là: ai hỏi thì bảo “vừa bán rồi, hoặc vừa nhận cọc; nhưng chủ mới cũng đang muốn “lướt” nên khách muốn mua lại thì phải trả thêm chỉ 50 -100 triệu nữa”. Thậm chí phải trả chênh so với giá cũ đến hơn nửa tỷ đồng với những lô đã được mua bán thật… Đặc biệt là từ ngày 28/11, khi UBND huyện Quốc Oai tổ chức đấu giá 32 thửa đất tại lô S2- ĐG06/2019 thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, kết quả trúng đấu giá cao chót vót thì đất thổ cư khu vực gần đó lại được chào bán cao hơn 2-3 giá chỉ sau một đêm.
Cụ thể trong 32 thửa đất được đem đấu giá có 16 thửa tiếp giáp mặt đường Bắc – Nam kéo dài gồm 14 thửa diện tích 105m2 và hai thửa có diện tích 134,5m2, giá khởi điểm 47,7 triệu/m2, khách hàng tham gia đấu giá phải đặt trước 550 triệu đồng. 16 thửa còn lại tiếp giáp đường nội bộ cũng gồm 14 thửa có diện tích 105m2 và hai thửa diện tích 143,5 m2, giá khởi điểm 25,7 triệu/m2, khách hàng phải đặt trước 300 triệu đồng để tham gia đấu giá. Đợt đấu giá này đã thu hút đông đảo khách hàng không chỉ đến từ Hà Nội mà còn từ Thái Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… Nhiều gia đình đã chuẩn bị hàng chục bộ hồ sơ để tham gia đấu giá đất tại đây.
“Một trong những yếu tố đẩy giá bất động sản là do chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.
Kết quả, đất trúng đấu giá phổ biến từ 63,9 triệu/m2 đến 76,9 triệu/m2, gần gấp 2 lần giá khởi điểm. Cao nhất là các lô góc với diện tích tích 134,3 – 134,3m2, được trả 92,9 – 99,3 triệu/m2.
Trước đó, Quốc Oai cũng đã tổ chức đấu giá 49 thửa đất tại khu ĐG06/2019 với mức giá khởi điểm 24,7 triệu/m2 và 25 triệu/m2, mức giá trúng phổ biến từ 33 triệu – 40 triệu/m2. Vì vậy, nhiều người nghĩ đợt đấu giá này, mức giá trúng cùng lắm cũng chỉ lên tới 45 -50 triệu đồng/m2.
Song, với việc giá được đấu lên cao, nhiều người không trúng đấu giá đã “ôm” tiền đi gom đất khu vực xung quanh, đẩy giá đất dịch vụ, đất thổ cư khu vực đường Bắc Nam, mặt đường 421b… tăng thêm vài ba triệu/m2.
Cùng với đó, do trên địa phận Quốc Oai đang có nhiều dự án được triển khai, nhiều dự án đang trong quy hoạch nên người dân cho rằng giá sẽ còn tăng nữa khi các dự án hạ tầng đó hoàn thiện. Trong thời điểm này, nhiều cá nhân, môi giới cũng lại găm hàng, gom hàng, chờ cơ hội bán ra với giá cao hơn.
Không chỉ đất đai trên mặt đường có tiềm năng kinh doanh tăng giá mạnh, mà sau đợt bùng phát Covid lần thứ tư, đất để xây nhà vườn ven đô hay các tỉnh lân cận Hà Nội cũng nhảy vọt về giá. Những mảnh đất view hồ tại Ba Vì, trước đây chỉ tầm hơn 1 triệu/m2 thì giờ đẩy lên 2-3 triệu/m2; khu Chương Mỹ, Lương Sơn, đất giáp mặt hồ hồi giữa năm giá tầm 1-2 triệu/m2 thì nay rất hiếm mảnh nào có giá dưới 3 triệu/m2. Có những nơi lên đã tới 5-8 triệu/m2. Đất nhà ở riêng lẻ, không có view rộng mở, đầu năm chào bán không quá 1 triệu đồng/m2 thì nay đã lên gấp 2, gấp 3 lần. Xa hơn nữa là khu Lạc Thuỷ, Kim Bôi, Cao Phong, Tân Lạc… (Hoà Bình), giá đất cũng tăng theo cấp số nhân.
ĐỂ THỊ TRƯỜNG BỚT NHIỄU LOẠN
Tương tự khu vực phía Tây, đất đai khu vực phía Đông, phía Nam và đặc biệt là phía Bắc Thủ Đô như huyện Đông Anh, Sóc Sơn… đều tăng mạnh. Nếu năm 2020, tầm 2 tỷ đồng đã có nhà đường ô tô vào tại Đông Anh, thì nay chỉ mua được nhà trong ngõ nhỏ. Tại Nam Sơn hay Bắc Sơn, cuối năm 2020, đầu năm 2021 đất đai ở đây được chào bán dưới 1 triệu/m2 và rất ít người quan tâm do lo ngại môi trường sống bị ảnh hưởng bởi bãi rác Nam Sơn. Nhưng đến nay, số lượng tìm kiếm rất lớn, giá cũng tăng lên gấp đôi.
Không những thế, đất đai không có sổ đỏ giáp hồ Đồng Đò, hồ Ban Tiện hay khu vực đã có quy hoạch dự án như quanh hồ Đồng Quan, thậm chí ở tận khu vực hồ Ghềnh Chè, hồ Suối Lạnh… tại Thái Nguyên cũng được rao bán tràn lan với mức giá cao hơn năm ngoái rất nhiều.
Trước đây, những người ít tiền mới phải chấp nhận mua đất xa trung tâm với giá thấp để tạo lập nhà ở. Nhưng với tình trạng giá đất vùng ven liên tục tăng cao trong thời gian gần đây đã tác động không nhỏ tới công tác an sinh xã hội. Giấc mơ an cư lập nghiệp của đại đa số người dân đô thị đang ngày một xa vời.
Tại một buổi hội thảo được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã nhìn nhận: giá bất động sản liên tục tăng, giá nhà ở, đặc biệt là tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân. Giá bất động sản một số nơi, một số phân khúc, đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay. Từ đó, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi.
Một trong những yếu tố đẩy giá bất động sản, theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Xây dựng là do chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, nay tiếp tục bị giảm sút bởi dịch bệnh và vướng mắc chính sách chưa được tháo gỡ triệt để, đồng thời, thị trường cũng xuất hiện lực cầu F0 khiến giá bất động sản nói chung leo thang và leo ở mức cao. Nhiều khu vực, giá bất động sản hiện nay tăng gấp 2 lần so với đầu năm và chưa có dấu hiệu giảm.
Để hạn chế việc giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn cũng như tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, theo nhiều chuyên gia, việc quan trọng cần làm là tháo gỡ ngay những vướng mắc về pháp lý liên quan đến bất động sản. Qua đó, để “cởi trói” cho các dự án, thúc đẩy nguồn cung. Ngoài thực hiện nghiêm việc công bố công khai các quy hoạch trên địa bàn, các địa phương cũng cần giám sát chặt hơn nữa hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản. Đặc biệt, Nhà nước, các doanh nghiệp phải có những chính sách, phương án hữu hiệu thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, tạo dựng nhiều kênh đầu tư ngoài đất đai…
[ad_2]