[ad_1]
Thời gian qua, nhiều phiên đấu giá đất được tổ chức ở các địa phương, xuất hiện nhiều lô đất có mức giá “phá đỉnh”. Tuy nhiên, chuyên gia lại lo lắng vì gây nhiễu loạn thị trường trong khu vực, phát sinh nhiều hệ lụy đằng sau.
Giá đất “phá đỉnh”
Trong những tháng cuối năm, nhiều phiên đấu giá đất được tổ chức ở các địa phương diễn ra sôi động. Theo đó, giá đất thường cao hơn nhiều so với thị trường trong khu vực, thậm chí còn gấp 2 – 3 lần.
Điển hình, tại phiên đấu giá đất 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến giới đầu tư “chóng mặt” vì mức giá khởi điểm đã cao đến gần 200 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, phiên đấu giá càng trở nên sôi động hơn khi có tới 900 hồ sơ nộp tham dự. Sức nóng càng đẩy lên cao khi nhìn vào kết quả, dù giá khởi điểm đã cao nhưng giá trúng vẫn cao gấp 2 – 2,6 lần. Nhiều nhà đầu tư nộp 5 – 10 bộ hồ sơ nhưng vẫn ra về trắng tay.
Cá biệt, lô đất B12 với diện tích 44,5m2, nằm ở vị trí lô góc mặt phố Dương Khuê (Mai Dịch, Cầu Giấy) có mức giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2, nhưng giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gấp gần 2 lần so với giá khởi điểm. Trong khi đó, nhiều căn nhà tại mặt đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy) cũng chỉ đang rao bán với mức giá từ 160 – 200 triệu đồng/m2.
Thậm chí, đất đấu giá vùng ven cũng đã chạm mức 100 triệu đồng/m2, tương đương giá đất tại trung tâm Hà Nội. Cụ thể, phiên đấu giá 32 thửa đất tại thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai (Hà Nội) vừa qua giá trúng đa phần dao động ở mức 63 – 77 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, một lô đất có diện tích 134,3 m2 có giá trúng lên đến 99,3 triệu đồng/m2, tương đương 13,3 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn gấp 3 lần so với giá thị trường tại khu vực.
Choáng váng hơn, tại Bắc Giang mới đây cũng đã diễn ra nhiều phiên đấu giá. Đơn cử, tại dãy LK11, khu dân cư Yên Ninh, thị trấn Nếnh ghi nhận lô trúng cao nhất trị giá hơn 8,3 tỷ đồng với diện tích hơn 150m2, tương đương 55 triệu đồng/m2. Hầu hết các lô đất đều chênh lệch hơn 1 tỷ đồng/lô so với giá khởi điểm.
Gây nhiễu loạn thị trường
Không ít nhà đầu tư tham gia đấu giá đất trong tâm thế “lướt sóng” kiếm lời, bỏ với mức giá cao phá vỡ mức giá trần của thị trường tại khu vực. Bên cạnh đó, nếu lướt sóng không thành công sẽ sẵn sàng bỏ cọc, gây ảnh hưởng kế hoạch thu ngân sách của địa phương và hàng loạt hệ lụy phía sau.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, những người tham gia phiên đấu giá đều có mục đích khác nhau, nếu không phải người dân hoặc người làm việc tại khu vực đó thì đều có mục tiêu kinh doanh.
“Những người mua họ sẽ đều tính toán đến giá trị thực để bỏ giá phù hợp với mục đích. Tuy nhiên khi xuất hiện hiện tượng mua với giá rất cao rồi bỏ cọc thì rõ ràng mục tiêu khác sẽ xảy ra, không ngoại trừ yếu tố đầu cơ, thổi giá đất trong khu vực tăng”,
Theo ông Đính, đầu tiên nói đến là thiệt là người bỏ cọc là đã thiệt hại về tài chính, nhưng vì mục đích khác họ có thể thu được lợi nhiều hơn thì không đáng gì với tiền cọc.
Vị chuyên gia đưa ra giải pháp đối với trường hợp trả giá cao bỏ cọc: “Đối với trường hợp này thì cần hạn chế cho tham gia, thậm chỉ là cấm không cho tham gia để không làm nhiễu loạn thị trường. Kể cả các doanh nghiệp mua giá cao rồi bỏ cọc cũng cần có biện pháp xử lý để ngăn trạng tình trạng này”.
Bên cạnh đó, ông Đính cho rằng, không phủ nhận việc đấu giá đất sẽ thu được ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, yếu tố đầu cơ gia nhập sẽ gây hệ lụy cho những người ở thực không với tới. Cùng đó, các doanh nghiệp muốn đầu tư mà thị trường bất động sản khu vực đó đã cao khiến dự án khó thực hiện, hạn chế việc phát triển của địa phương.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay, kết quả đấu giá đất thời gian qua cho thấy, mỗi năm nguồn tiền từ đây bổ sung vào ngân sách cho các tỉnh khá lớn.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, khi kết thúc các phiên đấu giá, nhiều lô đất được các ông chủ rao bán với mức giá tăng cao. “Thậm chí, nhiều nhà đầu tư sau khi đấu giá thành công sẽ ‘lướt sóng’ cho những người khác ngay tại khu đất và có thể lãi từ 50-150 triệu đồng/lô”, vị chuyên gia nói.
Bên cạnh đó, thực tế tại một số phiên đấu giá đất, có trường hợp nhân viên môi giới dùng chiêu trò thỏa thuận ngầm để thông đồng, bắt tay nhau nhằm “thổi” giá. Dễ thấy nhất là việc họ huy động hàng chục người xếp hàng, thậm chí còn giả chen lấn để tạo ra khung cảnh nhộn nhịp tại các khu vực đấu giá, trong các giao dịch nhà đất.
Theo Nhịp sống kinh tế
[ad_2]