[ad_1]

Gặp mỹ nữ bên suối, tại sao Khổng Tử ba lần phái học trò tới hỏi chuyện?
Ảnh: Soundofhope

Khổng Tử cùng học trò đi bộ du ngoạn đến phương nam nước Sở, trên đường đi thì gặp cô gái xinh đẹp đang giặt áo bên dòng suối. Khổng Tử phái học trò Tử Cống ba lần đến nói chuyện với cô gái. Tử Cống nói gì, và cô gái trẻ đối đáp lại ra sao?

Vào thời Xuân Thu, bậc Thánh nhân Khổng Tử luôn dốc sức khôi phục chế độ lễ nhạc nhà Chu. Một lần ông dẫn theo học trò Tử Cống rời khỏi nước Lỗ ngao du về phương nam đến nước Sở, đến bất cứ nơi đâu ông cũng tìm hiểu xem nhân tình và phong tục tập quán nơi ấy có phù hợp với lễ hay không.

Khi thầy trò Khổng Tử đến con đường ven núi A Cốc, họ nhìn thấy một cô gái xinh đẹp, trên thân mang ngọc bội, đang ngồi bên đường giặt áo. Khổng Tử muốn hiểu rõ phong tục nơi đây nên đã lấy ra một chiếc cốc đưa cho Tử Cống, và bảo học trò hãy đến nói chuyện với cô gái đang giặt áo kia.

Học trò Tử Cống nhận chiếc cốc đi đến trước mặt cô gái trẻ và nói: “Tôi đang trên đường đến nước Sở, phải gấp rút đi đường, trong khi trời nóng bức. Tôi thật sự cảm thấy rất khát nên muốn xin cô nương một cốc nước để uống có được không?”.

Nghe Tử Cống nói vậy, cô gái trẻ đang gặt áo đáp lời: “Tiên sinh, ngài xem dòng suối nơi đây, cho dù có thể nhìn thấy hay không, cũng không kể là trong hay đục thì đều chảy ra biển lớn, tiếng suối rì rào như vậy cũng có thể nhận ra. Ngài muốn uống thì cứ tùy ý uống, hà tất phải hỏi tiểu nữ làm chi?”.

Nói xong một lúc, cô gái trẻ nhận lấy chiếc cốc của Tử Cống, đón dòng nước đang chảy múc một cốc rồi đổ đi, sau đó lại thuận theo dòng chảy múc một cốc đầy nước. Sau đó, cô gái quỳ xuống đặt cốc nước đầy trên bãi cát và nói với Tử Cống: “Thưa tiên sinh, theo lễ thì nam nữ thụ thụ bất thân, tiểu nữ không thể tận tay đưa cốc cho ngài, xin ngài hãy tự mình đến nhận đi!”.

Nghe vậy, Tử Cống quay về và kể lại một lượt những chuyện vừa xảy ra cho thầy. Khổng Tử nói: “Ta đã hiểu rồi”.

Gặp mỹ nữ bên suối, tại sao Khổng Tử ba lần phái học trò tới hỏi chuyện?
Tranh chân dung Tử Cống (tức Đoan Mộc Tứ)

Tiếp đó, Khổng Tử lấy ra một cây đàn Cầm, rút bỏ trục vặn dây rồi đưa đàn cho Tử Cống, nói với học trò rằng: “Con lại đi nói chuyện với nàng ta một chút, quan sát lời nói của nàng ta xem thế nào”.

Tử Cống ôm cây đàn Cầm đến trước mặt cô gái và nói: “Lại phiền cô nương một chút! Những lời của cô nương giống như làn gió mát thổi qua, rất hợp với tâm ý của tôi. Nay cây đàn Cầm này không có trục dây, xin cô nương giúp điều chỉnh âm thanh một chút có được không?”.

Nghe xong, cô gái từ tốn đáp: “Xin lỗi tiên sinh, tiểu nữ là người thôn quê, không được học hành đến nơi đến chốn, lại không hiểu gì về âm luật, làm sao có thể chỉnh âm cho đàn Cầm cho ngài được?”.

Tử Cống ôm đàn Cầm về kể lại cho thầy. Khổng Tử nói: “Ta đã biết rồi”.

Lần này, Khổng Tử lại lấy ra năm lạng vải thô giao cho Tử Cống và nói: “Con lại đi nói chuyện với nàng ta, quan sát lời nói của nàng ta xem thế nào”.

Tử Cống lại lần nữa đến trước mặt cô gái và nói: “Chào cô nương, tôi sắp rời khỏi chỗ này để đến nước Sở. Ở đây có năm lạng vải thô, tôi đặt ở bên khe suối hy vọng cô nương vui lòng nhận cho”.

Lần này cô gái trẻ đáp: “Ngài sai bảo tiểu nữ một chút việc, lại để tài vật ở đây. Tiểu nữ dù nghèo khó cũng không thể nhận thứ gì của ngài. Mong ngài hãy cầm đồ và nhanh chóng rời khỏi chỗ này, tránh có kẻ cuồng phu xuất hiện nói những lời vô lễ với ngài”.

Tử Cống quay về kể lại với thầy. Khổng Tử nói: “Ta đã biết cô gái này thông tình đạt lý, lại hiểu lễ nghĩa”.

Tụng viết:

“Khổng Tử xuất du,

A Cốc chi nam,

Dị kỳ xử nữ,

Dục quan kỳ phong,

Tử Cống tam phản,

Nữ từ biện thâm,

Tử viết đạt tình,

Tri lễ bất dâm”.

Ý nghĩa là: Khổng Tử du ngoạn đến phía nam đường núi A Cốc, bất ngờ gặp người con gái giặt đồ bên suối, vì muốn xem phong tình thế thái và phong tục con người nơi đây mà đã để học trò Tử Cống ba lần đi lại nói chuyện. Lời đối đáp của nàng có ý khiêm tốn sâu xa, Khổng Tử khen nàng thông tình đạt lý, biết lễ nghĩa lại không thái quá.

Trong “Thi Kinh – Chu Nam – Hán Quảng” có câu: “Nam hữu kiều mộc, bất khả hưu tức. Hán hữu du nữ, bất khả cầu tư”. Ý tứ là: Phía nam ngọn núi có cây lớn, người khác không thể ngồi dưới gốc cây mà nghỉ ngơi. Sông Hán có cô gái ngồi thuyền du ngoạn, người ta muốn theo đuổi nàng mà không thể. Đây là chỉ người con gái hiểu phép tắc, biết lễ nghi, cũng giống như cây lớn kiêu hãnh nhìn lên, không cầu tư dục.

Khải Minh biên dịch
Nguồn: soundofhope

Xem thêm

[ad_2]