[ad_1]

FTSE sắp công bố cập nhật về phân loại thị trường, Việt Nam có được nâng hạng?

Tính tới tháng 9/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam cùng với Iceland, Mông Cổ và Nga đang nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng…

FTSE sắp công bố cập nhật về phân loại thị trường, Việt Nam có được nâng hạng?

Ảnh minh họa

FTSE Russell ngày 22/2 cho biết dự kiến công bố Thông báo cập nhập sơ bộ về Xếp hạng Chứng khoán Quốc gia FTSE vào ngày 1/4 tới. Thông báo sẽ cho biết xếp hạng của Việt Nam cùng 3 thị trường khác trong Danh sách theo dõi nâng hạng (FTSE Watch List) có được thay đổi hay không. 

Việt Nam đang được cân nhắc nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường Mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging). Tính tới tháng 9/2021, Danh sách theo dõi còn có 3 thị trường khác là Iceland (cân nhắc từ thị trường không xếp hạng lên Cận biên), Mông Cổ (từ Mới nổi thứ cấp lên Mới nổi tiên tiến – Advanced Emerging) và Nga (từ thị trường Mới nổi thứ cấp lên Mới nổi tiên tiến).

Theo FTSE Russell, việc phân loại các thị trường được đánh giá liên tục và để đảm bảo tính minh bạch, các thị trường được cân nhắc nâng hạng được đưa vào Danh sách theo dõi.

Trước khi công bố Thông báo Cập nhập Tạm thời về Phân loại Chứng khoán Quốc gia FTSE tháng 3, FTSE Russell sẽ tham vấn các thành viên của Ủy ban Cố vấn Phân loại Chứng khoán Quốc gia, Ủy ban Cố vấn Chứng khoán Khu vực, Ban Cố vấn Chính sách và các bên liên quan khác. Sau khi tham vấn, việc công bố Thông báo trên sẽ được thông qua tại cuộc họp vào ngày 30/3 của Hội đồng Quản trị Chỉ số FTSE Russell.

FTSE hiện là một trong hai tổ chức xếp hạng thị trường uy tín nhất thế giới (cùng với MSCI). Theo bộ tiêu chí của FTSE, các thị trường được phân loại thành 4 hạng chính gồm Cận biên (Frontier), Mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging), Mới nổi tiên tiến (Advanced Emerging) và Phát triển (Developed). Các tiêu chí chính để phân loại bao gồm xếp hạng thu nhập của quốc gia theo GNI bình quân đầu người, mức độ rủi ro, thị trường và khung pháp lý, thị trường ngoại hối, thị trường cổ phiếu, và việc thực hiện lưu ký, bù trừ chứng khoán.

Xếp hạng công bố tháng 9/2021 của FTSE

Nếu được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội chuyển mình trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư.

Trao đổi với VnEconomy TS. Võ Đình Trí – giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM và IPAG Business School Paris, thành viên AVSE Global đánh giá, nếu xét theo các tiêu chí để vào nhóm xếp hạng thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE, Việt Nam không gặp khó khăn, nhưng vấn đề nằm ở quyết tâm thực hiện. Ông cho rằng, mục tiêu của Việt Nam được xếp hạng thị trường mới nổi tiên tiến trước năm 2025 – ngang hàng với Thái Lan, Malaysia, Đài Loan như hiện nay – thì cần nhiều nỗ lực khác, không chỉ là về hệ thống hạ tầng.

Ông đánh giá điểm nghẽn của việc lên hạng của Việt Nam hiện nay là ở cơ chế thanh toán bù trừ và lưu ký. Những hạn chế hiện nay gây thiệt thòi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ và thậm chí nhà đầu tư nước ngoài. Những trục trặc trong hệ thống thông tin khớp lệnh, chưa được bán chứng khoán chờ về ngay lập tức là cơ hội cho một số nhóm có thể chi phối thị trường, trong việc thiết lập mức giá một số cổ phiếu theo kế hoạch từ trước.

“Muốn được nâng hạng, việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống giao dịch hiện đại tần suất cao cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm. Hiện nay, danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước tính khoảng 15% trên thị trường chứng khoán, cho thấy thị trường chứng khoán vẫn chủ yếu là của các nhà đầu tư trong nước. Nếu muốn tăng tỷ lệ này lên, không có cách nào khác là phải đưa thị trường Việt Nam vào nhóm xếp hạng cao hơn”, TS. Võ Đình Trí nhận định.

Ngọc Trang

[ad_2]