Meta công khai số liệu thống kê về tỷ lệ nội dung chứa hành vi bắt nạt, quấy rối trên Facebook và Instagram, điều mà họ trước đây luôn giấu kín.

Theo báo cáo kiểm duyệt nội dung quý III/2021 của Meta, các nội dung bắt nạt và quấy rối thường xuất hiện từ 14 đến 15 lần trên mỗi 10.000 lượt xem nội dung trên Facebook. Đối với Instagram, tần suất xuất hiện là từ 5 đến 6 lần trên 10.000 lượt xem.

Ảnh minh hoạ: Reuters

Logo Meta và Facebook được in 3D. Ảnh minh hoạ: Reuters

Meta cho biết, số nội dung này được công ty thống kê qua nhiều kênh, như báo cáo từ người dùng, sau đó quyết định xem nội dung đó có vi phạm quy tắc hay không. Công ty của Mark Zuckerberg đã xoá 9,2 triệu nội dung vi phạm liên quan tới bắt nạt và quấy rối trên nền tảng. Trong đó, có 59,4% được thực hiện chủ động.

“Bắt nạt và quấy rối là thách thức lớn và là một trong những vấn đề phức tạp cần giải quyết, nhất là trong bối cảnh hiện nay”, Antigone Davis, Giám đốc quản lý sản phẩm Meta, cho biết trên blog.

Đây là lần đầu Meta tiết lộ số liệu về các nội dung vi phạm này. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh cựu nhân viên Frances Haugen tiết lộ hàng loạt tài liệu, bao gồm các nghiên cứu về ảnh hưởng của Instagram đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, còn nền tảng Facebook đang gây ra sự chia rẽ.

Theo công bố, Facebook hiện có khoảng 2,8 tỷ người dùng hàng tháng, trong khi Instagram là hơn 1 tỷ. Reuters nhận định, điều này đồng nghĩa hàng triệu người dùng đang tiếp xúc với các nội dung chứa hành vi bắt nạt và quấy rối mỗi ngày.

Lên kế hoạch loại bỏ quảng cáo nhạy cảm

Ngày 9/11, Meta cho biết sẽ loại bỏ các tùy chọn quảng cáo hướng đối tượng, đề cập đến các chủ đề nhạy cảm, bao gồm nội dung liên quan đến chủng tộc, sức khỏe, tôn giáo, chính trị, tín ngưỡng hoặc xu hướng tình dục. Thay đổi sẽ được thực hiện từ 19/1/2022.

Những năm qua, các nền tảng như Facebook, Instagram hứng chịu nhiều chỉ trích vì các quảng cáo mang tính chất độc hại, phân biệt đối xử hoặc nhắm mục tiêu vào các nhóm người dễ bị tổn thương. Công ty từng đồng ý thực hiện điều chỉnh từ 2019, nhưng chưa triệt để.

“Chúng tôi đã nghe những lo ngại từ các chuyên gia rằng tuỳ chọn quảng cáo nhạy cảm sẽ gây trải nghiệm tiêu cực cho những người trong nhóm thiểu số”, Graham Mudd, Phó chủ tịch tiếp thị sản phẩm và quảng cáo của Meta, cho biết. “Quyết định mới không hề dễ dàng, có thể tác động tiêu cực đến một số doanh nghiệp và tổ chức, nhưng mang lại lợi ích cho người dùng”.

Theo các chuyên gia, động thái của Meta đánh dấu sự thay đổi quan trọng. Vấn đề quảng cáo chính trị trên các nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm việc nội dung quảng cáo của chính trị gia có nên được kiểm chứng hay không, đã gây ra nhiều tranh luận giữa công chúng, giới nhà lập pháp và doanh nghiệp. Trong khi Twitter chọn loại bỏ chúng, Facebook lại “ngó lơ” các nội dung này.

Tháng 10/2019, Facebook tuyên bố cho phép các chính trị gia chạy quảng cáo trên mạng xã hội, ngay cả khi chứa thông tin sai lệch. Zuckerberg cho rằng các chương trình kiểm duyệt không cố gắng phân tích tính đúng sai ở các bài phát biểu hay tuyên bố mang tính chính trị, đồng thời nhấn mạnh đây là vấn đề nhạy cảm mà các nền tảng xã hội như Facebook cần tôn trọng. Khi đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng chỉ trích hành động này.

Bảo Lâm tổng hợp