[ad_1]
F0 covid và F0 chứng khoán
2021 là năm bản lề của các F0 trên nhiều phương diện: F0 trong Covid-19 và F0 trong chứng khoán (nhà đầu tư mới). Trước tiên, 2021 là năm mà một số bạn bè tôi gọi đùa là “Năm Covid thứ 2”.
Ảnh minh họa
|
Nếu Việt Nam rất thành công trong việc khống chế dịch trong năm 2020, thì đợt bùng dịch kể từ tháng 4-2021 đã mang lại diện mạo rất khác với lượng F0 tăng lên với cấp số nhân và cuối cùng dẫn đến cách tiếp cận khác với dịch Covid-19.
Đó là từ tư duy phải thực hiện “zero Covid”, đảm bảo không còn ca bệnh nào, Việt Nam chuyển sang chiến lược mới, sống chung an toàn với virus, theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Theo số liệu của Bộ Y tế, số F0 từ hơn 1.000 ca năm 2020 đã tăng lên hơn 1,65 triệu ca vào cuối năm 2021, nhưng cũng đã có gần 1,25 triệu ca nhiễm được điều trị khỏi bệnh. Đây là những ca được phát hiện và điều trị, trong khi đó vẫn có thể có những ca chưa phát hiện và tự khỏi.
Vì vậy, số lượng F0 thực tế có thể lớn hơn đáng kể so với con số ca F0 do Bộ Y tế đề cập. Nếu chỉ lấy con số 1,65 triệu chia cho tổng dân số 97,58 triệu người (theo thống kê dân số, lao động và việc làm 2020) chúng ta sẽ có 1,69%. Như vậy nếu trong 100 người bạn gặp, có thể có gần 2 người là F0.
Nói vậy để thấy F0 Covid-19 đã trở thành một phần của cuộc sống, và do đó không nên bị kỳ thị, hay sợ hãi. Cần phải bỏ cách suy nghĩ xem người bị F0 đáng bị tránh xa, kỳ thị.
Họ đơn giản là không may mắn bị nhiễm bệnh như bất kỳ loại bệnh nào mỗi chúng ta có thể mắc phải. Vì thế, 2021 là năm bản lề để người ta thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ về dịch Covid-19, cũng như cách đối diện với con virus quái ác và những người không may nhiễm phải nó.
Bởi vì F0 đã là một phần đáng kể của cộng đồng, dù nó ngoài mong muốn của người bị nhiễm. Và như vậy những cách đối xử kỳ thị với F0, những người trong nhà có bảng “Hộ cách ly y tế” là điều đáng lên án.
Nó đi ngược lại chủ trương kiểm soát dịch của Chính phủ và truyền thống đùm bọc lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
2021 còn là năm thú vị khác của các F0 chứng khoán. Mặc dù do đứt gãy kinh tế nên nhiều người ở nhà và trở thành F0 trong lĩnh vực chứng khoán trên phạm vi toàn cầu, và sức mạnh của những nhà đầu tư mới tham gia này chỉ được thể hiện rõ khi làm choáng váng giới đầu tư toàn cầu, bằng việc đẩy giá cổ phiếu GameStop hay AMC lên với tốc độ không tưởng, để trừng phạt những tổ chức đầu tư đã bán khống các cổ phiếu này.
Giá cổ phiếu GameStop từ mức dưới 19USD đầu 2021 đã được đẩy lên đỉnh 481USD/cổ phiếu vào ngày 28-1, mức tăng trên 2.500%. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ này, trong đó có nhiều F0, đã phô diễn sức mạnh của mình và là lời cảnh báo cho các nhà đầu tư lão làng và cả tổ chức rằng, họ là một phần của thị trường.
Xem thường F0 là phải trả giá, đó là bài học của rất nhiều người bán khống các cổ phiếu mà những nhà đầu tư này ưa thích trong năm 2021.
Cũng như trong trường hợp của F0 Covid-19, F0 chứng khoán là một phần của thị trường, và nên bỏ đi cách nghĩ xem thường F0. Một số người trong số họ có rất nhiều tiền. Quan trọng hơn họ có một cộng đồng đang lớn dần lên.
Rất nhiều nhà đầu tư F0 này thuộc thế hệ thiên niên kỷ (Millennials, chỉ những người sinh từ 1981-1996), hoặc còn trẻ hơn nữa là thế hệ Gen Z (sinh từ sau 1996 trở đi). Như vậy, người lớn nhất trong thế hệ Gen Z chỉ mới 24 tuổi, trong khi lượng lớn người thuộc thế hệ thiên niên kỷ trong độ tuổi 25-34, bắt đầu có kế hoạch tích lũy tài chính nghiêm túc.
Có nhiều số liệu ước tính khác nhau của các ngân hàng đầu tư về con số thế hệ thiên niên kỷ sẽ nhận được qua thừa kế trong thập niên tới, dao động trong khoảng từ 24.000-30.000 tỷ USD. Có ước tính còn lên đến 68.000 tỷ USD. Và đây là con số chỉ tính ở Mỹ.
Chúng ta đang ở bản lề của một cuộc chuyển giao tài sản vĩ đại (Great Wealth Transfer) từ thế hệ trước sang thế hệ thiên niên kỷ từ đây đến năm 2030. Với sự quen thuộc của những người trẻ này với chứng khoán (được thúc đẩy nhanh hơn qua dịch bệnh), và cả với các lớp tài sản rủi ro hơn như tiền mã hóa và NFT (tạm dịch là token không thể thay thế), trào lưu đầu tư mới sẽ thay đổi. Và đây sẽ là thành phần thay thế dần những triệu phú và tỷ phú của thế hệ trước.
Khẩu vị rủi ro, sự ưa thích các công ty công nghệ, quen thuộc với thế giới siêu thực (metaverse), quan điểm về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững của lớp nhà đầu tư mới này, sẽ thay thế những góc nhìn đầu tư cũ, với sự ưa chuộng đối với vàng, trái phiếu hay một số loại tranh quý ở Mỹ, như nhận định của một số ngân hàng đầu tư.
Ở Việt Nam, trào lưu này cũng sẽ tương tự. Chúng ta đang thấy ngày càng nhiều người thừa kế 8x, 9x giữ vị trí chủ chốt ở các tổ chức lớn. Nó là một phần của sự chuyển giao thế hệ và tài sản. Những người này cũng là F0. Họ là những người lần đầu tiên đầu tư chứng khoán, lần đầu nắm công ty, lần đầu phải gánh vác chuyện tính toán quản lý tài sản cho bản thân hoặc cả gia đình. Nhưng xem thường họ là phải trả giá.
Vì vậy, trong góc nhìn của tôi, 2021 là năm mà khái niệm F0 nên được nhìn nhận lại cho đúng vị trí của nó, dù là với dịch Covid-19 hay là trong thế giới đầu tư. Trên hết, không ai được kỳ thị hay xem thường họ.
TS. HỒ QUỐC TUẤN, Giảng viên Đại học Bristol, Anh
[ad_2]