[ad_1]

EVS chỉ ra các yếu tố hỗ trợ kinh tế Việt Nam tăng 6.8% năm 2022

Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán Everest (EVS) kỳ vọng các chỉ số vĩ mô quan trọng sẽ đạt được chỉ tiêu do Quốc Hội đề ra: Tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ đạt 6.8% (mục tiêu 6-6.5%), CPI đạt 3.5% (mục tiêu dưới 4%). 

Năm 2021, tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước tính tăng trưởng 2.58% so với năm trước – đây được coi là mức tăng trưởng tốt khi Việt Nam đang đi đúng hướng trong quá trình “bình thường mới” nhằm thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid19.

Lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0.81%. Bình quân năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1.84% so với năm trước – mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

EVS kỳ vọng các chỉ số vĩ mô quan trọng sẽ đạt được chỉ tiêu do Quốc Hội đề ra: Tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ đạt 6.8% (mục tiêu 6-6.5%), CPI đạt 3.5% (mục tiêu dưới 4%).

Các yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 bao gồm:

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục mạnh mẽ, tăng trưởng 10% trong năm 2022 nhờ một số yếu tố:Việt Nam có kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu năm 2022, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các đối tác đầu tư nước ngoài trong năm tới. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn như CPTPP, EVFTA, RCEP có hiệu lực giúp các nhà đầu tư vào Việt Nam được hưởng những ưu đãi lớn về thuế khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước đã có FTA với Việt Nam. Ngoài ra, với lợi thế chi phí nhân công và lực lượng lao động dồi dào, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia trong chiến lược chuyển dịch chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc

Chính sách tài khóa sẽ là bàn đạp phục hồi nền kinh tế khi dư địa mở rộng còn lớn. Các gói hỗ trợ đã triển khai của Việt Nam mới đạt khoảng dưới 3% GDP – là mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan (15.6% GDP), Malaysia (8.8% GDP), Indonesia (5.4% GDP)… Do đó, việc triển khai gói kích thích nền kinh tế 291,000 tỷ đồng (tương đương với 3.33% GDP) được kỳ vọng sẽ là động lực chính thúc đẩy phát triển nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Chính sách tiền tệ được duy trì nới lỏng, tập trung hỗ trợ nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch. Hiện lãi suất liên ngân hàng vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường mở, việc nới lỏng tiền tệ thông qua kênh OMO gặp nhiều khó khăn, do đó kỳ vọng NHNN sẽ sử dụng các biện pháp đặc thù khác để kích thích nền kinh tế như: Gói cấp bù lãi suất 4,000 tỷ; điều chỉnh việc giữ nguyên nhóm, giãn cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,… và mua ngoại tệ gia tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối.

EVS dự phóng mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 sẽ nhích nhẹ 50 điểm cơ bản (bps) do nhu cầu tín dụng tăng cao gây áp lực lên nguồn huy động. Trong khi đó lãi suất cho vay có thể giảm 50-100bps nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Do đó, dự báo lạm phát 2022 sẽ cao hơn đáng kể so với 2021.

Thêm nữa, kỳ vọng cải thiện giá trị xuất nhập khẩu ròng trong năm 2022mặt bằng tỷ giá tiếp tục duy trì ổn định bất chấp những bất ổn quốc tế cũng sẽ là yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó vẫn tổn tại những rủi ro khó lường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam: Các biến thể mới của dịch Covid-19 sẽ là tác nhân chính đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu. Việc tăng trưởng lệch pha so với thế giới gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách (Việt Nam đang áp dụng chính sách tiền tệ/tài khóa mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, các quốc gia phát triển trên thế giới đang có xu hướng “bình thường hóa” chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát). Và cuối cùng là áp lực lạm phát hiện hữu nửa đầu năm 2022.

Đông Tư

[ad_2]