[ad_1]

Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô khi hoàn thành sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hướng tuyến đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh và TP. Hà Nội

Vành đai 4-Vùng Thủ đô thúc đẩy phát triển liên vùng

Tháng 5/2021, trong thông báo số 92/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo căn cứ tính hiệu quả để tập trung khẩn trương, nghiên cứu, đề xuất triển khai ngay các tuyến đường bộ cao tốc khác có nhu cầu cấp thiết được các địa phương, cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị trong thời gian vừa qua, trong đó có tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tại cuộc họp với các bộ, ngành, TP. Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội ngày 18/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật để báo cáo Chính phủ vào cuối tháng 2 và các cấp có thẩm quyền vào đầu tháng 3/2022.

Các tuyến đường sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh, tạo kết nối về kinh tế vùng, giúp chia sẻ và giải quyết nhu cầu giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa các tuyến đường hướng tâm, khai thác quỹ đất lớn để phát triển, giảm chi phí logistics và thu hút các nhà đầu tư, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho cho người dân trong vùng.

Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện các dự án nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ các địa phương, các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển hạ tầng và quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030.
Tại Hà Nội, việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ TP. Hà Nội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội 17 của Đảng bộ Thành phố.

Tháng 9/2021, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường này. Chủ trương triển khai dự án là những nội dung lớn, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Vành đai 4 sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội, kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa các tuyến đường hướng tâm – Ảnh: VGP/Gia Huy

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng

Theo quy hoạch giao thông vận tải TP. Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 cần đạt: Tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt từ 20-26%; mật độ mạng đường cần đạt từ 4,0-6,5 km/km2; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%; tỉ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt từ 50-55%.

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2020, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị tại Hà Nội mới đạt được 10,07%; mật độ đường giao thông đạt 1,7 km/km2; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được <1%; tỉ lệ vận tải hành khách công cộng mới đạt được 14,70%. Tốc độ tăng trưởng ô tô đạt 10,2%/năm, xe máy đạt 6,7%/năm, trong khi diện tích đất dành cho giao thông chỉ tăng được khoảng 0,35% năm.

Với thực tế này, UBND TP. Hà Nội nhận định tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố là không tránh khỏi và sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.

Cũng theo UBND TP. Hà Nội, tuyến đường vành đai 3 cơ bản hoàn thành nhưng đã thực sự quá tải. Nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía nam đi các tỉnh phía bắc cũng như các tỉnh phía tây và ngược lại, quá cảnh qua Hà Nội hiện nay chủ yếu thông qua tuyến vành đai 3 (khoảng cách từ vành đai 3 đến vành đai 4 trung bình gần 10 km). Các cửa ngõ giao thông, đầu mối giao thông ra vào Thành phố; các nút giao giữa các trục hướng tâm với đường vành đai 3 hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông mà điển hình là khu vực cửa ngõ phía nam Thành phố.

Vì vậy, Hà Nội xác định việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.

Vành đai 4-Vùng Thủ đô có dự kiến tổng chiều dài 111,2 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Ngay trong tháng 5/2021, TP. Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải và một số địa phương liên quan đã ký thoả thuận xác định quan điểm chung là cần thiết phải tổ chức triển khai đầu tư khép kín toàn tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại thời điểm hiện nay; triển khai đầu tư hỗn hợp đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT; Thành phố Hà Nội (trung tâm Vùng Thủ đô) chủ trì, phối hợp cùng các địa phương có tuyến đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028.

Với sự thống nhất cao, thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải với TP. Hà Nội và các các tỉnh, thành phố đã được ký kết để hoàn thành tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trong giai đoạn tới. Đây là cơ sở để các bên từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, mở ra không gian phát triển và tạo động lực để đẩy mạnh liên kết vùng trên tất cả các lĩnh vực.

Hà Nội với vai trò là trung tâm, hạt nhân của Vùng Thủ đô sẽ chủ trì, phối hợp cùng các địa phương có tuyến đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến. Trong đó, các địa phương có tuyến đi qua chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách, tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn theo thực tiễn của từng địa phương.

Nêu chủ trương về dự án này tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Hà Nội khoá XVI (ngày 22/9/2021), Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, chủ trương triển khai dự án là những nội dung lớn, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Vành đai 4-Vùng Thủ đô trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn giúp Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh… từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch; tạo điều kiện để Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội cả khu vực đô thị và nông thôn, thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Tuyến đường còn có mục tiêu tạo tiền đề để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế đô thị và nông thon khu vực hai bên tuyến đường nói riêng và Vùng Thủ đô, tạo không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư phát triển.

Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố. Cụ thể: Địa phận Hà Nội 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông). Tỉnh Hưng Yên dự kiến tuyến dài 19,8 km, đi qua 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm). Tỉnh Bắc Ninh dự kiến tuyến dài 24,2 km và tuyến nối 9 km đi qua 3 huyện (Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình) và thành phố Bắc Ninh.

[ad_2]