Dự án đường Vành đai 4 sẽ tạo không gian phát triển mới, làm thay đổi diện mạo, chất lượng hạ tầng giao thông cho Hà Nội và toàn bộ vùng thủ đô gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng thủ đô.

Giảm khoảng 8.700 tỉ đồng

Theo tờ trình nêu trên, UBND TP Hà Nội cho biết đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại cuộc hội thảo về dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng thủ đô tổ chức ngày 14-2; ý kiến của Hội đồng Thẩm định nhà nước và các thành viên hội đồng. UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án này ngay trong kỳ họp tháng 5-2022.

Đường huyết mạch kết nối vùng thủ đô

Nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng .Ảnh: QUANG THÁI

Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng thủ đô có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường vành đai và 9,7 km tuyến nối cao tốc theo hướng Nội Bài – Hạ Long. Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội (58,2 km), Hưng Yên (19 km), Bắc Ninh (25,6 km) và tuyến nối với Quốc lộ 18 dài 9,7 km.

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần độc lập, triển khai theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư PPP (đối tác công – tư). Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết đường Vành đai 4 được quy hoạch gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành 2 bên, với chiều rộng mặt cắt ngang 120 m.

Để bảo đảm hiệu quả, TP Hà Nội tiếp tục kiến nghị thực hiện phân kỳ đầu tư. Trong đó, đầu tư trước tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe, rộng 17 m đối với phần đường và 17,5 m đối với phần cầu. Tuyến đường có vận tốc khai thác 80 km/giờ này chủ yếu đi trên cao, trừ 37,43 km có nhu cầu liên kết ngang và phát triển quỹ đất hai bên không nhiều sẽ đi thấp. TP Hà Nội đề xuất đầu tư ngay hệ thống đường song hành 2 bên với quy mô 2 làn xe một bên, bề rộng nền đường 12 m.

Với phương án nêu trên, tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn phân kỳ là 87.098 tỉ đồng – giảm khoảng 8.700 tỉ đồng so với phương án được đưa ra tháng 1-2022. Trong đó, vốn nhà nước là 56.754 tỉ đồng (gồm ngân sách trung ương 28.375 tỉ đồng, ngân sách địa phương 28.379 tỉ đồng) và vốn BOT là 30.344 tỉ đồng.

Theo Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) – đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án này chuẩn bị đầu tư từ năm 2021 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027 – rút ngắn khoảng 1 năm so với đề xuất trước đó.

Cần cơ chế đặc thù

Mới đây, ngày 9-3, Hội đồng Thẩm định nhà nước đã báo cáo Thủ tướng về kết quả thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng thủ đô. Trong đó, 100% thành viên hội đồng đồng ý thông qua báo cáo kết quả thẩm định nghiên cứu tiền khả thi.

Nhằm bảo đảm tính khả thi và tiến độ triển khai dự án, UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù đối với công trình. Cụ thể, TP Hà Nội đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong giai đoạn triển khai đến khi hoàn thành dự án đối với các gói thầu tư vấn; di dời hạ tầng kỹ thuật; đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và gói thầu xây lắp của các dự án thành phần chỉ sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Cùng với đó, UBND TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay khi thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 – 2025. Sau khi có nguồn thu từ các dự án khai thác quỹ đất 2 bên đường (dự kiến giai đoạn 2026 – 2030), các địa phương sẽ cân đối trả nguồn vay cho Chính phủ.

Theo chuyên gia giao thông đô thị Phan Trường Thành, muốn đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 4, trước hết cần tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng. Khi giải phóng mặt bằng xong và bàn giao thì mới đấu thầu dự án. Bên cạnh đó, áp dụng cơ chế chỉ định thầu – sẽ giúp tiết kiệm 1-2 năm nếu không phải đấu thầu. Ngoài ra, cho phép địa phương linh hoạt các cơ chế giải phóng mặt bằng và sử dụng vốn ngân sách.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam, cũng đồng tình với đề xuất phân kỳ nhưng cho rằng cần cân nhắc về tiến độ thực hiện dự án. Bởi lẽ, với khối lượng đồ sộ của công trình và các thủ tục cần triển khai, việc đặt mục tiêu năm 2027 hoàn thành sẽ cần chi tiết tiến độ thực hiện.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, đề nghị thành lập 2-3 dự án thành phần theo các địa bàn địa phương quản lý. Khi triển khai dự án, nếu có xung đột – nhất là về vấn đề giải phóng mặt bằng – thì có thể nhanh chóng giải quyết.

Tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng thủ đô khi hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường. Dự án còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng thủ đô, đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: