[ad_1]

Còn nhiều nghi ngại về quy định cách ly, nhập cảnh và giới hạn ở một số quốc gia với tần suất bay thấp khiến hàng không khó bật lên như lò xo bị dồn nén lâu ngày. Tuy nhiên, khi “thiên thời, địa lợi” có đủ, nếu còn tiếp tục trì hoãn, thì nhiều doanh nghiệp ngành hàng không sẽ “mất tăm” trên thị trường…

Ngành hàng không đối diện khủng hoảng trong cơn bão dịch.Ngành hàng không đối diện khủng hoảng trong cơn bão dịch.

GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, nhấn mạnh: “Về mặt y tế và năng lực y tế, nhiều nước đang ở trạng thái như Việt Nam đã và đang mở đường bay quốc tế. Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, sẽ lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế hồi phục.

GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng.GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng.

Về kinh tế, nền kinh tế của chúng ta chịu cú sốc lớn nhất từ trước đến nay, GDP quý 3 sụt giảm 6,17%. Nền kinh tế thực sự đã chạm đáy và đang trong quá trình thoát đáy đi lên.

Thời gian tới, số ca mắc Covid-19 có thể vẫn cao, nhưng trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đạt cao, hy vọng tỷ lệ tử vong sẽ thấp.

Khi kinh tế phục hồi, ngành bị tác động nặng nhất do dịch bệnh sẽ có sức bật mạnh nhất và nhanh nhất, trong đó, có hàng không và du lịch.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt hơn 125.000 lượt người, tụt dốc thẳng đứng tới 96,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách sử dụng đường hàng không chiếm 67,2% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm đến 97,3%.

Sau hai năm “gồng mình” chống chịu hàng loạt đợt “sóng dữ” từ đại dịch Covid, ngành du lịch quốc tế “tê liệt” hoàn toàn khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ “thoi thóp” duy trì mức 1%, tương ứng mức giảm 99% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2019.

THỜI CƠ ĐÃ ĐẾN, KHÔNG MỞ CỬA SẼ TỤT HẬU

Từ tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Điều này đồng nghĩa gần 2 năm qua, doanh thu từ mảng khai thác đường bay quốc tế của các hãng bay lớn như Vietnam Airlines, VietJet Air đều  “cụp cánh” đắp chiếu.

Nhìn lại năm 2019, Vietnam Airlines chứng kiến doanh thu hợp nhất đạt mức kỷ lục vượt 100.000 tỷ đồng, trong đó, toàn bộ mạng bay quốc tế chiếm tới 63% tỷ trọng doanh thu của Tổng công ty, hay  chiếm 50%  doanh thu thị trường quốc tế của VietJet Air. Nếu không có thêm dòng tiền thì sức chịu đựng của các hãng hàng không sẽ chạm tới hạn.

Chia sẻ tại hội thảo “Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn?” vừa được tổ chức, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và phát triển Vietnam Airlines, cho biết có hai lý do chính khiến các hãng hàng không và các công ty lữ hành, du lịch trong nước vô cùng sốt ruột, mong ngóng mở lại các đường bay quốc tế.

 
“Khi Việt Nam mở cửa trở lại, thị trường phục hồi , nhưng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt sẽ rất yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng tái phục hồi của thị trường cũng sẽ chậm hơn do các doanh nghiệp lớn, lâu năm có thể đã biến mất”, ông Trung lo ngại.

Thứ nhất, tất cả các doanh nghiệp đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn. Nếu tiếp tục đóng cửa nghĩa là thị trường sẽ không có, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ biến mất trên thị trường. 

Thứ hai, xét về cạnh tranh của quốc gia, cạnh tranh điểm đến so với các nước trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nếu chúng ta chậm chân hơn các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan…, đã mở cửa khai thác thường lệ.

Theo đánh giá của GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, bây giờ là thời điểm “thiên thời, địa lợi”, các yếu tố khách quan và chủ quan đều phù hợp để mở lại đường bay quốc tế.

Ông Đạt phân tích, trước hết, để mở lại đường bay quốc tế phải phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và khả năng ứng phó các đợt bùng phát dịch mới có thể xảy ra. Không thể khẳng định chắc chắn bao giờ dịch bệnh kết thúc, nhưng quan trọng là, nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đã và đang được củng cố. Hệ thống y tế tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm để ứng phó nếu biến chủng mới xuất hiện. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vaccine hiện đạt hơn 80% tiêm mũi 1, hơn 40% tiêm mũi 2.

Những nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, EU, Canada đang tăng trưởng với mức độ chưa từng có trong hàng chục năm gần đây, nhanh chóng lấy lại những gì đã mất trong 2 năm qua. “Với phương châm không thể phong toả mãi, cần chung sống chủ động, an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, nền kinh tế của chúng ta phải phục hồi từng bước”, ông Đạt nhấn mạnh.

Việc mở lại đường bay thương mại quốc tế không chỉ cần thiết cho sự hồi phục của ngành hàng không, mà còn là vị thế của Việt Nam và sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Đạt lưu ý, lần phục hồi này, hàng không sẽ không phục hồi theo hình chữ V, mà sẽ phục hồi từ từ do hành khách sẽ thận trọng và e dè hơn, vì thế, nhu cầu sẽ không bật tăng mạnh mẽ.

SẴN SÀNG TÂM THẾ, “MỞ CỬA” BẦU TRỜI

Còn nhiều băn khoăn khi mở lại đường bay quốc tế, phương châm của Việt Nam là linh hoạt, chậm nhưng chắc, không thể có nguồn lực dự trữ để đóng cửa mãi. Vị chuyên gia này cho rằng việc chia giai đoạn mở lại đường bay quốc tế, bắt đầu từ quý 1/2022 là đủ thận trọng, đủ cần thiết, có lộ trình, tránh tối đa tình huống mở ra rồi lại đóng, tiêu hao nguồn lực.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng Nội Bài luôn trong tâm thế sẵn sàng để mở cửa trở lại bất cứ lúc nào. Cảng triển khai tới toàn bộ các đơn vị trực thuộc, từ các công ty phục vụ mặt đất, các đơn vị hàng không, phi hàng không. Đặc biệt, đảm bảo thực hiện chương trình “xanh”, gồm hạ tầng “xanh”, phương tiện “xanh” và con người “xanh”.

Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài được Tổ chức Hội đồng sân bay quốc tế cấp chứng nhận Airport Health Accreditation (AHA). Không chỉ trong nước mà cả các tổ chức quốc tế đều công nhận: “Đây là lời khẳng định của quốc tế rằng chúng tôi tuân thủ tất cả quy trình liên quan và đặt mục tiêu an toàn với hành khách, nhân viên lên đầu tiên”, bà Ngân nhấn mạnh.

Ngành du lịch cũng sẵn sàng đón khách trở lại. Theo ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện toàn ngành du lịch đã chuẩn bị điều kiện an toàn để sẵn sàng đón khách, từng bước mở cửa thị trường. Tốc độ tiêm chủng của Việt Nam rất nhanh, hiện là 2 triệu mũi vaccine/ngày.

Với phương châm chống dịch thay đổi từ “Zero Covid” sang sống chung cũng như tốc độ tiêm phủ của nước  ta, việc mở cửa là hoàn toàn hợp lý. “Việt Nam xác định mở lại hoạt động du lịch quốc tế trên tinh thần ưu tiên đảm bảo an toàn phòng chống dịch, giải quyết mọi tình huống phát sinh để có kinh nghiệm trong giai đoạn tiếp theo, từ đó tiến tới mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch”, ông Phúc nhấn mạnh.

Ông Phúc cũng dẫn chứng, việc mở cửa thí điểm trở lại ở Thái Lan được triển khai từ 1/7/2021, chương trình ASEAN box cũng mở cửa và tính đến giữa tháng 10 có khoảng 50.000 lượt khách quốc tế đến Thái Lan, 800.000 đơn vị phòng được đặt đến tháng 2/2022. Trong số du khách quốc tế, chỉ có 91 người mắc Sars-CoV-2. Bất chấp số ca mắc vẫn tăng tại Phuket, Thái Lan vẫn mở rộng đón du khách tiêm chủng đến từ hơn 45 quốc gia có nguy cơ thấp đến 17 khu vực, trong đó có Bangkok.

ĐỀ XUẤT BỎ QUY ĐỊNH CÁCH LY 7 NGÀY

Theo đánh giá của các đơn vị, vướng mắc duy nhất là các yêu cầu cách ly y tế với hành khách sau khi nhập cảnh. Ô̂ng Nguyễn Quang Trung cho hay, khi mở lại các chuyến bay quốc tế phục vụ khách đến đầu tư, giao thương, du lịch…, vấn đề được quan tâm nhất là chính sách nhập cảnh, cách ly. Chính sách 7 ngày cách ly tập trung, cách ly tại nhà 7 ngày chỉ thu hút khách hồi hương, còn nếu muốn thu hút khách du lịch thì phải thay đổi chính sách cách ly.

 
“Việt Nam đang quy định phải cách ly 7 ngày, nhưng Thái Lan chỉ yêu cầu xét nghiệm 72 tiếng trước đó và xét nghiệm sau khi đến Thái Lan, có hộ chiếu vaccine. Như vậy, khách đến Thái Lan chỉ nghỉ một đêm ở khách sạn, hôm sau có xét nghiệm PCR âm tính là có thể đi khắp nơi”.
PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Đại diện Vietnam Airlines đề xuất bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những thị trường được đánh giá kiểm soát tốt, tỷ lệ dân cư tiêm vaccine cao, khách tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm Covid-19 âm tính trước và sau chuyến bay, có thể cách ly 1 ngày.

Bên cạnh đó, không hạn chế đối tượng khách, từ khách hồi hương, khách chuyên gia, khách doanh nhân, khách đến Việt Nam du lịch…

Cũng theo khẳng định của PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nếu tiêm vaccine và xét nghiệm âm tính là tương đối đối an toàn với người xung quanh.

Thực tế cho thấy trong giai đoạn vừa qua tại Mỹ, châu Âu, lượng khách phục hồi rất nhanh. Tại châu Âu, đến tháng 10, sản lượng khách hồi phục như trước, thậm chí còn tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường Mỹ cũng tăng trưởng trên 7%. Hay Singapore, khi nới lỏng các hạn chế liên quan và chính sách cách ly cho khách từ châu Âu về, lượng khách tăng vô cùng lớn.

“Điều quan trọng là kiểm soát dịch bệnh thế nào và có chính sách cách ly ra sao vừa đảm bảo an toàn, vừa thu hút khách quốc tế”, ông Trung nhấn mạnh.

[ad_2]