[ad_1]

“Gây ra những cơn sốt giá ảo, bất ổn cho thị trường nhà đất”, đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam sau vụ việc đấu giá đất với giá “trên trời” rồi bỏ cọc ở Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh. Trao đổi với PV Báo CAND, ông Đính cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa trong đấu giá đất, đồng thời phải minh bạch các thông tin về quy hoạch để giải quyết bài toán “sốt đất” đang diễn ra tràn lan hiện nay.

PV: Vừa qua, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá đất với mức giá trúng là 2,4 tỷ đồng/m2, rồi sau đó xin bỏ cọc. Ở Việt Nam từ xưa đến nay chưa bao giờ có những vụ việc gây xôn xao dư luận như vậy. Ông có suy nghĩ gì sau sự vụ này?

Ông Nguyễn Văn Đính: Ở đây, tôi chưa dám nói vào một cuộc đấu giá đất cụ thể nào. Nhưng những cuộc đấu giá đất xong bỏ cọc thường có mục đích khác. Không có ai tự nhiên bỏ vốn đi đặt cọc, rồi bỏ cọc cả. Rõ ràng phải có mục đích khác, và người ta đạt được mục đích khác đó rồi thì người ta mới bỏ cọc. Ở đây người ta không hướng đến mục tiêu đó và người ta bỏ các mức giá theo mục tiêu khác của người ta. Đấu giá là hướng đến minh bạch và công bằng, nhưng những người chơi trung thực thì không thể theo được mức giá này. Chẳng hạn như vụ Thủ Thiêm, với mức giá trên trời đó, người chơi khác buộc phải buông. Như thế là làm khó cho những người chơi trung thực, người ta chỉ có thể trả giá đến mức người ta có thể kinh doanh được. Cuối cùng người đó cũng không đạt được mục đích mà Nhà nước cũng không được được lợi. Người ta bỏ cọc, Nhà nước có được thì cũng chỉ một phần không đáng kể. Trong khi tái đấu giá trở lại, Nhà nước cũng rất vướng bởi không biết xử lý theo mặt bằng giá nào.

Cái quan trọng nữa là các mục tiêu khác của người ta nếu không trong sáng có thể gây ra rất nhiều hệ lụy như làm tăng giá trị tài sản của họ ở các dự án bên ngoài. Vô hình chung họ đã tạo ra một mặt bằng giá mới rất ảo, thị trường lại phải chấp nhận mức giá ảo đó và nhiều người phải chấp nhận mua với mức giá ảo đó. Nếu trong trường hợp để họ đẩy cổ phiếu chứng khoán của họ lên, thì giá cổ phiếu cũng trở lên ảo. Hoặc họ tạo ra giá ảo, sau đó dùng tài sản để đi thế chấp ngân hàng, thì phía ngân hàng cũng sẽ bị thiệt hại do tính chất ảo của cuộc chơi này.

Đừng để đấu giá đất bị
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.

PV: Không chỉ là vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, mà còn nhiều nơi hiện nay có tình trạng đấu giá đất với giá rất cao sau đó bỏ cọc. Trong khi đó, những vụ đấu giá đất như thế này tác động rất lớn đến mặt bằng giá chung của cả khu vực, gây biến động giá cả bất động sản một cách khó lường…

Ông Nguyễn Văn Đính: Việc đó là đúng, như tôi đã phân tích ở trên việc đấu giá với mức rất cao đó sẽ tạo ra mức giá ảo cho cả thị trường ở khu vực đó. Điều đó sẽ làm bất ổn thị trường và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư chân chính. Người tiêu dùng chắc chắn khi mua sẽ bị thiệt hại. Cái thiệt hại lớn nhất là cả một hệ lụy lớn cho thị trường, làm người ta rất khó đoán định

PV: Ông có cho rằng, cơ chế đấu giá đất hiện nay đang rất lỏng lẻo, từ đó mới có việc những nhà đầu tư vốn ít, nhưng vẫn tham gia đấu giá với mức giá cao sau đó bỏ cọc, tạo ra những hệ lụy lớn cho thị trường nhà đất?

Ông Nguyễn Văn Đính: Tôi cho rằng cần phải có sự điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước. Trước mỗi cuộc đấu giá đất phải xem lại năng lực của các nhà đầu tư. Ông phải chứng minh cho tôi nếu ông thắng thì nguồn tiền ở đâu. Thứ hai nếu ông vì mục tiêu khác ông bỏ cọc, cơ quan quản lý nhà nước xác định rõ thì phải hồi tố, truy tố đến cùng. Ông vẫn sẽ mất cọc và thu lại những cái lợi bất chính mà ông mang từ cuộc chơi này sang cuộc chơi khác. Và với những người này sẽ nghiêm cấm không cho tham gia các cuộc đấu giá khác, thậm chí có thể xem lại tư cách để xem có thể giao cho các dự án trên toàn quốc nữa hay không? Phải có những động thái như thế thì mới có thể hạn chế nhưng vụ việc xảy ra như ở Thủ Thiêm vừa rồi.

PV: Theo ý ông, hiện nay, các cuộc đấu giá đất đang có rất nhiều vấn đề mập mờ, thiếu minh bạch. Minh bạch thị trường là vấn đề rất quan trọng, theo ông chúng ta cần những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Văn Đính: Tôi cho là đầu tiên việc đấu giá đất phải làm đúng theo các mục tiêu, tôn chỉ, mục đích của nó. Không chỉ đấu giá cao mới gây ra hệ lụy mà đấu giá thấp cũng sẽ tạo ra những hệ lụy khác nhau. Chúng ta đã chứng kiến những vụ đấu giá đất tạo ra rất nhiều ồn ào như ở Đông Anh (Hà Nội) hay ở Thái Bình. Các cơ quan quản lý nhà nước phải làm sao để đấu giá đất phải thật sự công bằng, minh bạch. Đấu giá đất là một vấn đề văn minh, cuộc chơi lành mạnh nhưng tự nhiên lại bị “phù phép” thành không lành mạnh, làm hại các nhà đầu tư chân chính, gây bất ổn cho thị trường.

PV: Cũng liên quan đến thị trường nhà đất, thời gian qua dù chịu tác động rất lớn của đại dịch COVID-19 nhưng những cơn sốt đất cứ liên tục xảy ra, tạo ra rất nhiều bất ổn. Theo ông, chúng ta phải có những giải pháp căn cơ thế nào để xử lý vấn đề đó?

Ông Nguyễn Văn Đính: Thứ nhất theo tôi là chính sách pháp luật trong việc phát triển các dự án đầu tư phải thật cụ thể, thật rõ ràng. Làm sao phải để không còn những mâu thuẫn, chồng chéo, tạo điều kiện hành lang pháp lý tốt nhất để cho thị trường bất động sản phát triển tốt nhất đúng với mục tiêu mà Nhà nước đã đề ra. Chính những hạn chế trong chính sách hiện nay đã gây ra những hệ lụy như thiếu nguồn cung, mà nhu cầu tăng cao.

Thứ hai là hệ thống thông tin dữ liệu thị trường bất động sản cần phải được công bố, công khai cho các nhà đầu tư, người dân. Người ta phải được biết thị trường bất động sản từng vùng, nhu cầu và nguồn cung ra sao, giá cả biến động thế nào. Từ đó người ta có căn cứ để đối chiếu, kiểm chứng. Nếu không có hệ thống thông tin minh bạch thì người dân cũng không rõ giá này lên có đúng hay không, dự án này có đúng hay không, ảo hay là thật? Tôi nghĩ rằng minh bạch thông tin này là vấn đề rất quan trọng. Đã minh bạch thông tin rồi thì đội ngũ cò đất muốn lợi dụng quy hoạch để làm giá, thổi giá cũng sẽ không có cơ hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

[ad_2]