[ad_1]

Nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng “chia cắt” các khu vực đô thị hai bên đường ray, bảo đảm việc tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn, tăng tính kết nối giữa các đầu mối giao thông đường sắt với khu vực đô thị xung quanh, TP.HCM đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Sài Gòn – Cần Thơ đoạn qua TP.HCM sẽ đi trên cao…

TP.HCM đề xuất tuyến đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ đoạn đi qua địa bàn TP.HCM sẽ xây dựng trên cao. Ảnh minh họa.
TP.HCM đề xuất tuyến đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ đoạn đi qua địa bàn TP.HCM sẽ xây dựng trên cao. Ảnh minh họa.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ được đề cập đến tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

 Theo quy hoạch này, định hướng xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ nhằm tăng cường kết nối TP.HCM, trung tâm kinh tế cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP. Cần Thơ, – trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, cũng là cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ.

Dự án được đề xuất nghiên cứu, xây dựng với vận tốc 190 km/h đối với hành khách và 120 km/h đối với tàu hàng hóa. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 9 tỷ USD (khoảng 213.948 tỷ đồng)… Khổ đường ray là khổ đôi 1.435 mm điện khí hóa.

Công nghệ đường sắt được lựa chọn cho dự án này là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) với tàu khách và đoàn tàu động lực tập trung với tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến.

Ngày 17/02/2023, Ban quản lý Dự án đường sắt (Ban quản lý) cho biết đã nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân TP.HCM góp ý cho báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ đoạn qua địa bàn TP.HCM.

Góp ý về hướng tuyến, TP.HCM đề nghị Ban quản lý nghiên cứu xây dựng đoạn đi qua TP.HCM đi trên cao (trừ một số đoạn về các ga hàng hóa, ga trạm đầu mối kỹ thuật). Việc đi trên cao, theo Ủy ban nhân dân TP.HCM, sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng việc chia cắt từ các tuyến đường bộ dưới mặt đất đảm bảo tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn vì hiện nay quá trình đô thị hóa tại Thành phố rất nhanh.

Theo phương án đề xuất, đoạn đi qua TPHCM dài hơn 36 km, gồm đoạn đi trên cao gần 12 km và hơn 24 km trên mặt đất. Đối với một số đoạn tuyến buộc phải bố trí đi trên mặt đất, TP.HCM lưu ý Ban quản lý cần tính toán, dự trù đủ chi phí xây dựng các cầu vượt, nút giao khác mức cho đường bộ (vượt qua đường sắt, đối với các đoạn tuyến đường sắt đi trên mặt đất) trong tổng mức đầu tư của dự án.

Về nguồn vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD (tương đường 200.000 tỷ đồng), Ủy ban nhân dân TP.HCM cho rằng việc xây dựng phương án tài chính, huy động vốn sẽ phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả tài chính cho dự án. Vì vậy, việc huy động vốn từ khu vực tư nhân cho dự án khó khả thi nếu khai thác với doanh thu chỉ từ bán vé mà không có các giải pháp phát triển đô thị xung quanh các đầu mối giao thông dọc tuyến (Transit Oriented Development – TOD).

Cụ thể, ngoài vốn đầu tư công, cần kết hợp đầu tư xây dựng tuyến đường sắt với đầu tư phát triển các trung tâm đô thị – nhà ga của dự án theo mô hình TOD. Tuy nhiên, Thành phố cũng cho rằng trước mắt vẫn rất cần đến vai trò dẫn dắt của đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đây vẫn là hình thức đầu tư phổ biến nhất cho dự án này, cần tiếp tục được phát huy trên cơ sở cân đối từ ngân sách.

Sơ đồ tuyến đường sắt tốc độ cao Sài Gòn - Cần Thơ. Ảnh: BQL Dự án đường sắt.
Sơ đồ tuyến đường sắt tốc độ cao Sài Gòn – Cần Thơ. Ảnh: BQL Dự án đường sắt.

TP.HCM đề nghị các bên cần tiếp tục tính toán chính xác hơn nữa tổng mức đầu tư của toàn dự án, và phân khai rõ ràng các cấu phần chi phí cho xây dựng, cho thu hồi đất phần công trình chính, cho thu hồi đất phần phát triển TOD tại từng ga trên địa bàn từng địa phương mà tuyến đi qua.

Dự án có tổng cộng 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe. Hành trình bắt đầu từ ga An Bình (tỉnh Bình Dương) đến ga Cần Thơ (TP. Cần Thơ), đi qua địa bàn sáu tỉnh và thành phố gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ với tổng chiều dài 174,42 km.

Đơn vị tư vấn nghiên cứu dự án đã đề xuất đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BTL (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ).

Cụ thể: Nhà nước trả tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư huy động vốn xây dựng hạ tầng và bàn giao lại cho nhà nước; nhà đầu tư được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư.

Việc đi trên cao, theo Ủy ban nhân dân TP.HCM sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng việc chia cắt từ các tuyến đường bộ dưới mặt đất đảm bảo tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn vì hiện nay quá trình đô thị hóa tại Thành phố rất nhanh.

Nguồn: https://vneconomy.vn/du-an-duong-sat-sai-gon-can-tho-de-xuat-di-tren-cao-doan-qua-tp-hcm.htm

[ad_2]