[ad_1]

Đồng Nhân dân tệ giảm giá về mức thấp nhất 2 năm so với USD, đặt ra thách thức đối với cả Trung Quốc và các đối tác thương mại của nước này…

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Zuma.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Zuma.

Việc đồng Nhân dân tệ mới đây giảm giá xuống mức thấp nhất 2 năm so với đồng USD đã làm gia tăng thêm thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc – những người đang cố gắng giữ thế cân bằng mong manh sao cho vừa hỗ trợ nền kinh tế đang đuối sức rõ rệt vừa không gây ra mất ổn định tài chính.

Trên phương diện lý thuyết, tỷ giá Nhân dân tệ giảm mang lại cơ hội cho Trung Quốc vì giúp các nhà xuất khẩu của nước này cạnh tranh tốt hơn ở thị trường nước ngoài, từ đó mang lại thêm một nguồn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế giữa lúc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất và các chính quyền địa phương tăng cường vay nợ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, các nỗ lực cứu tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay còn bao gồm hỗ trợ thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng và cải thiện niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp vốn đã tụt xuống mức thấp vì chiến lược chống dịch Zero Covid.

“Sự mất giá của đồng Nhân dân tệ có vẻ như là lựa chọn chính sách cuối cùng còn sót lại. Thị trường bất động sản đã không đáp ứng tốt với sự nới lỏng chính sách và chính sách tiền tệ đã rơi vào một ‘cái bẫy thanh khoản’ vì nhu cầu vay vốn quá yếu”, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Gene Ma thuộc Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ở Washington phát biểu.

Phiên giao dịch ngày 23/8, tỷ giá Nhân dân tệ so với USD tại thị trường Trung Quốc đại lục là 6,86 Nhân dân tệ đổi 1 USD và tại thị trường ngoài đại lục là 6,88 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Từ đầu năm đến nay, Nhân dân tệ đã giảm giá khoảng 8% so với USD.

NHỮNG RỦI RO TỪ SỰ MẤT GIÁ CỦA NHÂN DÂN TỆ

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, đồng nội tệ mất giá cũng có thể đẩy nhanh sự thoái lui của các dòng vốn nóng và làm gia tăng mức độ biến động trên thị trường tài chính. Nhân dân tệ mất giá càng nhiều, thì sự phân cực giữa thị trường tài chính ở Trung Quốc với ở Mỹ càng lớn, vì đồng USD đang tăng giá mạnh. Năm nay, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới triển khai chính sách tiền tệ theo hai hướng hoàn toàn trái ngược: Mỹ thắt chặt mạnh tay để chống lạm phát, trong khi Trung Quốc nới lỏng để vực dậy tăng trưởng.

Biến động tỷ giá Nhân dân tệ cũng đang đặt ra nguy cơ tiềm tàng đối với các nền kinh tế mới nổi, những nước trong vài thập kỷ gần đây đã dựa vào đồng Nhân dân tệ như một “mỏ neo ổn định” nhờ dòng chảy thương mại với Trung Quốc gia tăng. Tình trạng giảm tốc mạnh mẽ của Trung Quốc đang đặt ra sức ép lên một số đối tác thương mại của nước này như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Đài Loan – vì các nền kinh tế này xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hàng hoá cơ bản và nguyên vật liệu đầu vào cần thiết cho chuỗi cung ứng sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

“Với Trung Quốc giữ vai trò là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nền kinh tế mới nổi, các nền kinh tế này cùng với đồng tiền của họ có mức độ liên hệ ngày càng mật thiết với chu kỳ kinh tế của Trung Quốc”, Giám đốc điều hành Dave Loevinger của TCW Group Inc. nhận định. “Diễn biến tỷ giá đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi và diễn biến tỷ giá Nhân dân tệ đang có mối quan hệ tương đồng ngày càng chặt chẽ, vì tỷ trọng của Trung Quốc trong thương mại của các nền kinh tế mới nổi đã tăng lên, nhất là ở khu vực châu Á”.

Đối với Trung Quốc, tỷ giá Nhân dân tệ sụt giảm sẽ đẩy nhanh sự thoái lui của dòng vốn nóng vốn đang rời khỏi nước này, cũng như làm gia tăng áp lực khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp chuyển bớt tiền tiết kiệm khỏi Trung Quốc. Khi đồng Nhân dân tệ rớt giá mạnh vào năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã buộc phải rút 1 nghìn tỷ USD từ dự trữ ngoại hối và triển khai các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt để ngăn dòng vốn chảy ra.

NHÂN DÂN TỆ SẼ MẤT GIÁ ĐẾN ĐÂU?

Hiện tại, sự mất giá của đồng Nhân dân tệ có vẻ như vẫn đang nằm trong giới hạn cho phép của các nhà chức trách Trung Quốc, dù tỷ giá đồng tiền này ở cả thị trường đại lục và nước ngoài đều đã trượt về mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020. Trong quý 3 này, Nhân dân tệ đã giảm giá 2,4% so với USD, trở thành đồng tiền mất giá mạnh thứ hai ở khu vực châu Á, chỉ sau đồng Won Hàn Quốc với mức giảm 3,1%.

Trong một bài viết trang nhất đăng ngày 24/8, tờ Thời báo Chứng khoán Trung Quốc nói rằng khoảng cách gia tăng giữa lãi suất ở Trung Quốc và ở Mỹ hiện mới chỉ có ảnh hưởng hạn chế đến tỷ giá Nhân dân tệ. Bài báo cũng nói rằng đồng Nhân dân tệ đang được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại của Trung Quốc.

Tỷ giá Nhân dân tệ theo trọng số thương mại (trade weighted) vẫn đang vững so với đồng tiền của 24 đối tác thương mại chính của Trung Quốc, nhờ một phần được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại của nước này. Chỉ số Bloomberg CFETS RMB Index đo tỷ giá này đang ở mức trên 102 điểm, so với mức thấp của năm nay là 100 điểm thiết lập hồi tháng 5.

Hầu như không có nhà phân tích nào dự báo Nhân dân tệ sẽ giảm giá sâu hơn nhiều từ mức hiện tại. Đa số cũng cho rằng sẽ khó có chuyện Trung Quốc lặp lại việc phá giá Nhân dân tệ một cách có chủ đích như vụ phá giá gây biến động mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu hồi năm 2015. Mối lo về lạm phát nhập khẩu được cho là sẽ hạn chế sự mất giá của Nhân dân tệ, trong khi xuất khẩu mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tỷ giá đồng tiền này. Đối với nhiều nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc, đồng USD mạnh vẫn là vấn đề đáng lo ngại hơn cả.

“Xét tới việc PBOC có vẻ đã áp dụng chủ trương ít can thiệp hơn vào thị trường, một đợt giảm giá vừa phải của Nhân dân tệ, với mức giảm ít hơn 5%, sẽ không dẫn tới biến động mạnh trên thị trường toàn cầu hay gây ra một sự gián đoạn lớn đối với các thị trường mới nổi”, nhà phân tích cấp cao Bo Zhuang thuộc Loomis Sayles Investments Asia nhận định với Bloomberg.

Tuy nhiên, rất khó để xác định xem Trung Quốc sẽ cho phép Nhân dân tệ mất giá đến đâu. Dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc vẫn duy trì đều đặn khi Fed nâng lãi suất mà PBOC lại giảm lãi suất.

Các nhà phân tích của Standard Chartered và Mizuho Bank hiện đang dự báo Nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá do chính sách mềm mỏng của PBOC ngày càng đối lập với sự cứng rắn của Fed.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc đang mong manh do các chuyên gia kinh tế cảnh báo khả năng tăng trưởng giảm tốc sâu hơn và kêu gọi Bắc Kinh triển khai thêm các biện pháp kích cầu, chẳng hạn cắt giảm thêm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng cường chi tiêu tài khoá. Hai ngân hàng Goldman Sachs và Nomura đều đã giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc năm nay về mức 3% hoặc thấp hơn.

Chiến lược gia Fiona Lim của Malayan Banking thì cho rằng khả năng nghiêng về đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm giá trước thềm đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm nay. “Đà mất giá của Nhân dân tệ đang được đẩy mạnh hơn”, bà Lim nói trong một cuộc trao đổi với Bloomberg.

Nguồn: https://vneconomy.vn/dong-nhan-dan-te-rot-gia-anh-huong-the-nao-den-trung-quoc-va-cac-nuoc-khac.htm

[ad_2]