[ad_1]

Đồng Nai là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN), hiện đã thu hút hơn 614.000 công nhân lao động (CNLĐ) từ nơi khác đến làm việc và có nhu cầu về nhà ở rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nhà lưu trú công nhân, nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho công nhân còn rất khiêm tốn, không đáp ứng được nhu cầu.

Đồng Nai “trả nợ” nhà ở xã hội cho công nhân

Đồng Nai đang thiếu hơn 200.000 NƠXH cho CNLĐ. Ảnh: AX

Theo thống kê của cơ quan chức năng, ảnh hưởng dịch Covid-19, Đồng Nai đã có khoảng 40.000 công nhân về quê, việc này, phần nào phản ánh sự bức thiết về nhà ở cho công nhân tại địa phương này.

Ưu tiên đất, vốn làm NƠXH cho công nhân

Ông Lê Mạnh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, đến cuối tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh mới hoàn thành được 1.581 căn NƠXH, hiện còn 3 dự án đang triển khai và khi hoàn thành sẽ có thêm gần 2.900 căn. Như vậy, tính tất cả số lượng căn NƠXH đã có và đang xây dựng mới được gần 4.500 căn, so với nhu cầu thực tế không thấm tháp gì. Vì người lao động trong các nhà máy ở Đồng Nai đa số đến từ các tỉnh, thành khác nên đều có nhu cầu thuê, mua NƠXH. Hiện nhiều công nhân phải sống trong những phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp, không đảm bảo về vệ sinh môi trường, không gian, phòng cháy chữa cháy…

Chị Nguyễn Thị Nhung, công nhân làm việc trong một công ty ở KCN Nhơn Trạch 2 chia sẻ: “Tôi quê ở tỉnh Phú Yên vào Đồng Nai làm việc được hơn 8 năm. Do lương thấp nên tôi rủ thêm 3 người bạn cùng quê thuê chung một phòng khoảng 14m2 ở thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) để gần nơi làm việc, giảm tiền thuê phòng. Trước đây, khi chưa có dịch bệnh Covid-19 thì tạm ổn, vì chúng tôi đi làm suốt cả ngày, chỉ tối về nghỉ ngơi. Nhưng khi giãn cách xã hội, công ty cho tạm nghỉ việc, 4 người phải ở trong phòng cả ngày lẫn đêm rất ngột ngạt, ngay cả nơi nấu nướng, phơi quần áo cũng khó khăn”.

Công nhân Lê Thị Hồng, làm việc tại KCN Long Bình, ở trọ tại phường Long Bình, TP Biên Hòa, cũng chia sẻ về chỗ ở như chị Nhung, và mong muốn: “Nhà nước, tỉnh hỗ trợ thêm để chúng tôi có căn nhà rộng rãi, thoáng mát, an toàn hơn, giá phải chăng để chúng tôi được thuê hoặc mua trả góp, an tâm làm việc gắn bó với địa phương”.

Tại TP Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, rất nhiều các khu nhà trọ được xây dựng san sát nhau, hai dãy đối mặt, cách nhau đường đi giữa chỉ từ 1,5 – 2m, hầu hết các phòng có diện tích từ 12 – 16m2.

Đồng Nai “trả nợ” nhà ở xã hội cho công nhân

Những khu trọ thế này ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ lây dịch bệnh rất cao. Ảnh: Nghiêm Lan

Trong thời gian xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã đến một số khu nhà trọ khảo sát tình hình của người lao động, để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Có nhiều CNLĐ 3 tháng liền không đi làm, 4 – 6 người sống trong một phòng 12-14m2, suốt ngày ở trong phòng trọ, không thấy ánh nắng mặt trời, ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, khi trong khu nhà trọ có ca F0. “Thiếu NƠXH, để cho họ phải ở phòng trọ chật chội, chính là “món nợ” rất lớn mà mà Đồng Nai phải trả cho công nhân trong thời gian tới”, ông Cao Tiến Dũng đã nói khi khảo sát.

Đồng Nai có hơn 400.000 CNLĐ đang có nhu cầu về nhà ở, vì thế tỉnh đang thiếu hơn 200.000 căn NƠXH. Nếu trong nhiệm kỳ này không xây dựng được để nhiệm kỳ sau thì nhiều công nhân đã già mà vẫn không có nơi ở ổn định. Do đó, trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ ưu tiên đất, vốn để làm NƠXH. “Hiện Sở Xây dựng Đồng Nai đang hoàn thiện quy định sớm trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành ra nghị quyết để buộc cả hệ thống chính trị cùng bắt tay vào giải quyết”, ông Dũng thông tin.

Đến năm 2025 sẽ hoàn thành 2.500 căn NƠXH

Trong chương trình Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa X mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Nga, Tổ Đại biểu đơn vị huyện Trảng Bom cho biết, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ổ dịch đã bùng phát và lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các khu nhà trọ đông đúc, chật hẹp, xuống cấp, thiếu không gian sinh hoạt. Nguyên nhân một phần là do CNLĐ và người có thu nhập thấp có nhu cầu về nơi ở chưa thể tiếp cận được để thuê, mua nhà giá rẻ. “Mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh phải phát triển tăng thêm 2.500 NƠXH. Giải pháp nào để thực hiện đạt mục tiêu này trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện, thành phố có đông CNLĐ”, đại biểu Nga đặt vấn đề.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng tỉnh Lê Mạnh Dũng thông tin, hiện nay có 13 dự án NƠXH đang triển khai và có 9 dự án đang thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Hiện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện NƠXH. Đến nay, công tác chấp thuận chủ trương các dự án và chuẩn bị quỹ đất cho NƠXH giai đoạn 2021-2025 cơ bản đáp ứng theo chỉ tiêu về NƠXH đã được HĐND tỉnh thông qua.

Ông cũng cho biết, khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng KCN phải xác định rõ diện tích đất xây dựng NƠXH. Tiếp tục rà soát quỹ đất để sử dụng vào mục tiêu NƠXH. Khuyến khích cộng đồng dân cư quanh vùng có KCN vận dụng thiết kế mẫu các nhà ở đạt chuẩn, xây dựng thống nhất phù hợp với khả năng đầu tư và nhu cầu tối thiểu của người lao động…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng cho rằng, NƠXH là vấn đề mà cả UBND tỉnh và HĐND tỉnh đang rất quan tâm, có ban hành nghị quyết về NƠXH và có đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của tỉnh. Sở Xây dựng đã đưa vào nhiều giải pháp, căn cứ vào tình hình triển khai thực hiện các dự án hiện nay. Như vậy, khả năng hoàn thành 2.500 căn NƠXH đến năm 2025 là khả thi”.

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, tỉnh Đồng Nai đang từng bước khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để thu hút và chăm lo tốt hơn cho lực lượng công nhân, người lao động, Đồng Nai cần nhanh chóng nghiên cứu, thúc đẩy việc quy hoạch, xây dựng các khu NƠXH, nhà lưu trú công nhân. Thực hiện tốt công tác này cũng sẽ góp phần giúp tỉnh Đồng Nai phát triển công nghiệp bền vững hơn.

[ad_2]