“Tại sao nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch Covid-19 chưa hiệu quả như mong đợi? Đây có lẽ là lúc phải gắn cải cách với các giải pháp phục hồi kinh tế để tạo ra “cỗ máy” đẩy nền kinh tế tăng trưởng hiệu quả hơn”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam -VCCI) nhấn mạnh…

từ sau năm 2016, động lực cải cách từ hội nhập giảm dần và chưa tạo được những đột phá lớn cho nền kinh tế. từ sau năm 2016, động lực cải cách từ hội nhập giảm dần và chưa tạo được những đột phá lớn cho nền kinh tế.

Nhìn lại quá trình cải cách giai đoạn trước của Việt Nam, bà Thu Trang cho rằng hội nhập kinh tế quốc tế và đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành động lực rất tốt cho Việt Nam cải cách.

XUẤT HIỆN NHỮNG DẤU HIỆU TỤT HẬU

“Tuy nhiên, từ sau năm 2016, động lực cải cách từ hội nhập giảm dần và chưa tạo được những đột phá lớn cho nền kinh tế. Các quy tắc của WTO và các FTA buộc chúng tay thay đổi để phù hợp với luật chơi hơn là nhu cầu “thay đổi tự thân” như trước đây”, bà Trang nói.

Vì vậy, nếu nhìn vào nhóm chỉ số trụ cột xếp hạng năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá năm 2019, có đến 8/12 chỉ số trụ cột hiện ở thứ hạng thấp hoặc rất thấp cho dù nhiều chỉ số đã tăng điểm và tăng hạng. Các trụ cột có thứ hạng dưới thứ hạng chung về năng lực cạnh tranh (thứ 67) gồm: thể chế (89); cơ sở hạ tầng (77); y tế (71); kỹ năng (93); thị trường sản phẩm (79); thị trường lao động (83); mức độ năng động trong kinh doanh (89); và năng lực đổi mới sáng tạo (76).

“Các chỉ số trên cho thấy chúng ta chỉ thay đổi so với chính chúng ta mà chưa thực sự tạo ra những đột phá lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế”, bà Trang nhận định.

Điều này được phản ánh rất rõ ở hàng loạt chỉ số thành phần được xem là khó cải thiện và có sự suy giảm mạnh. Chẳng hạn như mức độ minh bạch về ngân sách giảm 50,4 điểm (từ 65,4 xuống 15 điểm), dẫn tới thứ hạng tụt 42 bậc (từ vị trí 42 xuống vị trí 84; nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) giảm 0,8 điểm và 12 bậc, đứng ở thứ hạng 97 (năm 2018 có thứ hạng 85). Kết quả này cho thấy tiếp cận tín dụng vẫn là trở ngại lớn đối với các DNVVN.

Bên cạnh đó, mức độ sẵn có về vốn đầu tư mạo hiểm tuy có sự cải thiện, nhưng chậm hơn so với nhiều nền kinh tế, dẫn tới thứ hạng giảm 10 bậc (từ vị trí 51 xuống vị trí 61). Điều này phần nào phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự ổn định và thuận lợi, khiến các quỹ đầu tư thận trọng hơn khi đầu tư cho doanh nghiệp ở Việt Nam.

Đáng lưu ý, hiệu quả giải quyết phá sản doanh nghiệp tiếp tục là rào cản lớn đối với hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, đứng cuối bảng xếp hạng (trong đó, mức độ phục hồi sản xuất kinh doanh đứng thứ 112, khuôn khổ pháp lý về giải quyết phá sản thứ 98; giảm tương ứng 3 và 5 bậc so với năm 2018).

“Do đó, chúng ta cần đặt trọng tâm cải cách để giải quyết căn bản những vấn đề còn vướng mắc trong nâng cao năng lực cạnh tranh, gỡ điểm nghẽn cho nền kinh tế giai đoạn tới”, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV nhận định.

Cùng quan điểm, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), để hồi phục kinh tế hiệu quả, không chỉ dựa vào chính sách giải cứu doanh nghiệp, người dân trong ngắn hạn mà cần tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại toàn bộ nền kinh tế.

Động lực cải cách chưa tạo đột phá lớn - Ảnh 1

Có rất nhiều nguồn lực tưởng cũ nhưng có thể tháo gỡ tắc nghẽn để tạo động lực mới giúp nền kinh tế có khả năng cạnh tranh bền vững trong tương lai như nguồn lực từ thị trường nhân tố sản xuất, thị trường đất đai, lao động, công nghệ, cải cách thủ tục hành chính…

Những giải pháp đột phá về mặt thể chế sẽ là giải pháp khơi dậy tiềm năng phát triển lâu dài hơn cho Việt Nam. “Theo đó, cấp thiết phải có gói giải pháp phi tài chính, cụ thể là gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù để tạo đà cho phục hồi năm sau và tăng tốc trong giai đoạn 3 năm tiếp theo”, ông Lộc nhấn mạnh.

CẦN “LÀM MỚI” ĐỘNG LỰC CŨ

Cụ thể hơn, theo TS. Vũ Tiến Lộc, việc đẩy mạnh cải cách về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có thể giúp phát huy được sức mạnh toàn dân, không để nền kinh tế Việt Nam lỡ nhịp so với tiến trình phục hồi của thế giới.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam hiện đã có đầy đủ chiến lược về cải cách tổng thể nền kinh tế, gồm cải cách thể chế, cấu trúc kinh tế, đổi mới sáng tạo, tận dụng hội nhập, dịch chuyển chuỗi cung ứng… Thế nhưng, hầu như các chính sách vẫn còn nằm trên bàn giấy. Nhiệm vụ cấp bách là cần đi sâu vào từng chiến lược để tìm ra được những động lực mới.

“Cần tập trung xây dựng khung khổ pháp lý cho thị trường nhân tố sản xuất, thị trường đất đai, thị trường vốn, lao động và công nghệ… Đây chính là những nguồn lực truyền thống song cần khung pháp lý mới để khai thác được nguồn lực đó. Chúng ta cũng cần những thể chế đột phá và vượt trội như phát triển kinh tế gắn với những đề án lớn, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính…”, ông Lực nêu rõ.

Động lực cải cách chưa tạo đột phá lớn - Ảnh 2

Trung tâm của chương trình phải là phát triển doanh nghiệp với nhiệm vụ cải tổ tập đoàn nhà nước và thúc đẩy phát triển tập đoàn tư nhân, hộ kinh doanh. Ngoài ra, các chính sách cần hướng tới tận dụng cơ hội từ năng lực hội nhập sâu rộng của quốc gia, đặc biệt là cơ hội từ thương mại, đầu tư nước ngoài, liên kết chuỗi…

Ở góc độ hội nhập, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng các cam kết về thuế của Việt Nam trong các FTA là rất lớn. Vì vậy, không chỉ Việt Nam mở cửa doanh nghiệp ngoại mà chúng ta cần chủ động có những thay đổi ở tầm quốc gia để tạo lực đẩy cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đa dạng hóa đối tác thương mại và đầu tư.

“Chừng nào thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra sau thông quan còn phức tạp, chừng đó chúng ta còn chưa tiếp kịp với các quốc gia trong khu vực. Các cơ hội mà các FTA được chúng ta ký kết sẽ bị bỏ lỡ”, bà Trang nhấn mạnh. “Do đó, cần phải đẩy nhanh việc thực hiện cải cách trong lĩnh vực này với chiến lược, tiêu chí là lộ trình thực hiện bài bản. Chúng ta đã từng có động lực thực hiện, giờ phải tiếp tục những động lực này cho giai đoạn phục hồi kinh tế sắp tới”.



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: