[ad_1]

(TN&MT) – Bà Lò Mai Phương, huyện Mường La, tỉnh Sơn La hỏi: Tôi được biết, hiện nay, nhà nước có nhiều chính sách đặc thù cho phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách ưu tiên về đất đai. Xin hỏi, cụ thể những chính sách này như thế nào? 

Câu hỏi của bà, Báo Tài nguyên & Môi trường trả lời như sau:

Luật Đất đai năm 2013 có quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, Điều 27 ghi nhận cần có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Đồng thời, phải xây dựng chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.

Đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách ưu tiên về đất đai như thế nào?

Đồng bào dân tộc miền núi được hỗ trợ đất sản xuất (Ảnh: Đức Anh)

Ngoài ra, tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 và Thông tư số 02/2017/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg đã có những quy định và hướng dẫn cụ thể để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi và chính sách bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số còn du canh du cư.

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động cân đối quỹ đất và chủ động bố trí ngân sách để giao đất ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo (gồm cả dân tộc Kinh) ở xã khu vực III, thôn, bản, buôn, làng, ấp, phum, sóc, xóm…(thôn) đặc biệt khó sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất theo hạn mức đất bình quân chung do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách của nhà nước hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách ưu tiên về đất đai như thế nào?

Ngoài đất sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn còn được miễn tiền sử dụng đất ở (Ảnh: Duy Khánh)

Những đối tượng trên khi chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo mức bình quân chung của địa phương quy định được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất hoặc chuyển đổi nghề.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất, điều kiện thực tế của địa phương để quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh nhưng không được vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp cho mỗi hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai để làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất.

Về mức hỗ trợ, đối với hộ chưa có đất thì được hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ. Với hộ thiếu đất, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tương ứng với diện tích đất còn thiếu so với mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Điều 11, Điều 12 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với đất do chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở do tách hộ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

[ad_2]