[ad_1]

Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34 phát hành ngày 22-08-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn…

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2022Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2022

Nhìn lại chặng đường gần 10 năm thực thi Luật Giá năm 2012 cùng hệ thống văn bản pháp luật về thẩm định giá, hoạt động thẩm định giá đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, hình thành nên các doanh nghiệp đủ năng lực và đội ngũ thẩm định viên về giá chuyên nghiệp, có trình độ, phục vụ nhu cầu thẩm định giá tài sản ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó, góp phần thúc đẩy các giao dịch kinh tế giữa các chủ thể trên thị trường, đặc biệt là giao dịch mua sắm, đấu thầu; mua bán sáp nhập doanh nghiệp; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Từ chỗ sơ khai, đến khi các giao dịch kinh tế ngày càng bùng nổ thì thẩm định giá trở thành mảnh đất màu mỡ và bắt đầu bộc lộ những mặt trái, thậm chí là tiêu cực đến mức vi phạm pháp luật. Ở một số thời điểm, số lượng doanh nghiệp hành nghề thẩm định giá phát triển đến mức quá nóng, vượt quá định hướng và quy hoạch phát triển nghề. Đơn cử, cuối năm 2020, có tới 409 doanh nghiệp thẩm định giá được cấp giấy chứng nhận, gấp 9,3 lần so với năm 2009, với 1.723 thẩm định viên hành nghề, gấp hơn 11,6 lần so với năm 2009. Trong khi đó, Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020 chỉ đặt ra mục tiêu có 250 doanh nghiệp, trong đó, nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn.

Chỉ đến khi nhận thấy những tiêu cực đằng sau số lượng doanh nghiệp phát triển quá nóng, cơ quan quản lý đã bắt đầu siết chặt lại hoạt động bởi Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ngày 24/2/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá có hiệu lực từ tháng 5/2021. Đến lúc đó, tình hình mới dịu đi. Đến đầu năm 2022, chỉ còn 279 doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động và số thẩm định viên về giá được phép hành nghề cũng sụt giảm chỉ còn 1.460.

Thực tế cho thấy điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá còn quá mở, dẫn đến một số doanh nghiệp thẩm định giá thường xuyên thay đổi người đại diện theo pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như việc kiểm soát chất lượng hoạt động các doanh nghiệp.

Đáng quan ngại, tình trạng cho thuê và mượn thẻ thẩm định viên về giá có xu hướng tăng, đạo đức thẩm định viên xuống dốc. Khi hàng loạt sai phạm trong hoạt động thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, định giá đất trong việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa bị đưa ra ngoài “ánh sáng”, chính là lúc lộ ra hành vi “tiếp tay” sai phạm của hàng loạt thẩm định viên về giá, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong số báo ra sáng thứ Hai, ngày 22-08-2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn Tiêu điểm: “Thanh lọc hoạt động thẩm định giá”, với những góc nhìn của người trong cuộc, các kiến nghị và đề xuất từ các chuyên gia, nhằm giúp cho hoạt động thẩm định giá ngày càng chuyên nghiệp và minh bạch hơn.

 Bao gồm các bài viết:

Bộ Tài chính sẽ mạnh tay “siết” quy định vi phạm Luật Giá. Sau gần 10 năm thực thi Luật Giá và hệ thống pháp luật về thẩm định giá, lĩnh vực này đã có sự chuyển biến theo hướng chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, những sai phạm gần đây liên quan đến hoạt động thẩm định giá và chất lượng thẩm định viên đã cho thấy, nếu không chấn chỉnh, thẩm định giá sẽ trở thành ung nhọt, làm méo mó về giá trong các giao dịch kinh tế, tiếp tay cho sai phạm, tham nhũng, gây thất thoát ngân sách, tài sản nhà nước. (Ánh Tuyết).

Dự thảo sửa đổi Luật Giá: Nhiều ý kiến trái chiều. Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đề xuất hàng loạt điểm mới trọng yếu trong dịch vụ thẩm định giá nhằm hướng tới phát triển nghề thẩm định giá ngày càng chuyên nghiệp, minh bạch hơn, tránh những “vết xe đổ” thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều quy định đang vấp phải ý kiến trái chiều… (Trâm Anh).

“Điểm đen” thẩm định giá khi cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Xác định giá trị doanh nghiệp trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là mắt xích vô cùng quan trọng nhằm xác định đúng, đủ giá trị tài sản khi cổ phần hóa, thoái vốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình đó, đã xuất hiện tình trạng giá trị tài sản thẩm định giá thấp hơn thị trường, làm thất thoát tài sản nhà nước. Làm thế nào để giải quyết tình trạng này? P/v ông Phạm Minh Thụy, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường và giá cả, Viện Kinh tế, tài chính (Bộ Tài chính). (Phan Linh).

Thẩm định giá khi cấp tín dụng: Để tài sản bảo đảm chắc chắn “đảm bảo”. Để đưa ra quyết định cấp tín dụng, các ngân hàng thường dựa vào giá trị tài sản bảo đảm mà khách hàng thế chấp bởi đây là chiếc “phao cứu sinh” khi rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện tượng nâng khống giá trị khi thẩm định giá tài sản bảo đảm xuất hiện ngày càng nhiều, giá trị khoản vay lớn, khiến ngân hàng điêu đứng. (Đào Vũ).

Gỡ nút thắt trong hoạt động thẩm định giá. Vài năm gần đây, thẩm định giá đang bộc lộ những mặt trái, tiêu cực làm méo mó các giao dịch kinh tế, đặc biệt là thất thoát tài sản Nhà nước trong đấu thầu, mua sắm, cổ phần hóa, thoái vốn và đặc biệt là tiếp tay cho tham nhũng trục lợi trong đại dịch. Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên là do khung khổ quản lý đã lạc hậu, hoạt động thanh tra giám sát, chế tài xử phạt thiếu nghiêm khắc và lỏng lẻo. (Ánh Tuyết – Đào Hưng – Phan Linh).

Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:

-Chủ động tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp để “giữ chân” nhà đầu tư. Thay vì bị động, nhiều địa phương đã và đang chủ động tìm hiểu khó khăn của nhà đầu tư để có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc nhằm “giữ chân” nhà đầu tư. (Anh Nhi).

Đón “sóng” FDI Ấn Độ đổ vào ngành sản xuất ô tô. Một phái đoàn gồm 25 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) sẽ sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 21-26/8 để tìm hiểu cơ hội đầu tư, thương mại và kinh doanh tại Việt Nam. Sau giai đoạn chững lại với sự “đổ bộ” của hàng loạt “ông lớn” như Toyota, Honda, Ford, Hyundai… vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng trong thời gian tới với sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư đến từ Ấn Độ. (Khánh Vy).

Đầu tư vào startups tạo tác động xã hội. Các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) làm gì để đạt được tăng trưởng lâu dài trên thị trường đầy biến động như hiện nay? Đầu tư tạo tác động xã hội – một lĩnh vực mới mẻ tại Việt Nam, được hiểu như thế nào? Trong series phỏng vấn “Seal the Deals”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã chọn bà An Đỗ – partner của Patamar Capital, một trong 50 quỹ đầu tư tạo tác động hàng đầu thế giới và hiện tại đang quản lý 4 quỹ đầu tư khác nhau, là nhân vật đầu tiên và câu chuyện được chia sẻ là về lĩnh vực đầu tư tạo tác động xã hội. (Hoàng Thu).

Nợ đọng “vắt kiệt sức” nhà thầu xây dựng. Thời gian qua, giá nguyên vật liệu tăng đột biến, vốn tín dụng bị siết chặt, lãi suất cao khiến các doanh nghiệp xây dựng càng thi công càng lỗ nặng. Hơn nữa, tình trạng liên tục bị nợ đọng, nợ kéo dài đang làm suy kiệt sức cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Trước bối cảnh này, các doanh nghiệp xây dựng đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao sức lực cho nhà thầu… (Nhóm phóng viên).

Không giải quyết được nợ đọng, Việt Nam sẽ không còn nhà thầu xây dựng? Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), than phiền rằng tình trạng liên tục bị nợ đọng, khó thu hồi nợ khiến các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng trước nguy cơ phá sản. (Phan Dương).

Nhức nhối nợ đọng xây dựng. 100% doanh nghiệp xây dựng, từ những công ty nhỏ cho đến các tập đoàn, tổng công ty lớn đều có nợ đọng. Trong đó, số nợ trên 1.000 tỷ vô cùng nhiều. Ví như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Binh đoàn 12, vốn đăng ký 800 tỷ nhưng dư nợ tính đến hết quý 1/2022 là trên 1.500 tỷ đồng; Tổng công ty Lilama bị nợ khoảng 1.900 tỷ đồng; Tổng công ty 319 bị nợ gần 2.000 tỷ đồng… Điều này cho thấy nợ đọng xây dựng là vấn đề vô cùng nhức nhối. (Phan Nam).

Ì ạch cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%. Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là một trong những chính sách được doanh nghiệp mong đợi nhất năm nay. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn rất hạn chế, nếu không muốn nói là “giậm chân tại chỗ”. (Vũ Phong).

Ngành hàng không: Hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Là một trong 25 thị trường hàng không nội địa phát triển nhanh nhất thế giới, Việt Nam cần xây dựng một ngành hàng không sạch và bền vững nhằm hướng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trước năm 2030. (Graham Webb, Giám đốc Phát triển Bền vững của Pratt & Whitney).

Cuộc đua “truy xuất” để tận dụng FTA. Việc tham gia sâu rộng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt mở rộng tiếp cận thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định, tính chủ động của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng. (Tuệ Mỹ).

Đối tác công – tư trong nông nghiệp: Vướng mắc cần tháo gỡ. Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo ra 500.000 việc làm trực tiếp, nâng cao kỹ năng cho nông dân… Tuy nhiên, do được thành lập trên cơ sở sáng kiến, chưa có tiền lệ trong và ngoài nước nên hoạt động PSAV thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. (Chu Khôi).

Đón đầu xu hướng khi châu Âu áp dụng Chiến lược dệt may mới. Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may của EU sẽ đảm bảo rằng chỉ những sản phẩm bền vững nhất mới được bán ở châu Âu. (Vũ Khuê).

Sau 2 năm EVFTA có hiệu lực: Thị phần hàng Việt tại EU vẫn khiêm tốn. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sau 2 năm có hiệu lực đã tạo cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Song tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm thị phần rất rất nhỏ tại thị trường EU. Thời gian tới dư địa còn rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nếu biết khai thác hiệu quả thị trường này. (Song Hà).

Luật cần quy định cụ thể về tài chính y tế. Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này nhiều hơn một chương so với luật cũ (năm 2009). Nhiều nội dung trong lĩnh vực khám, chữa bệnh đang được thảo luận để hoàn thiện. Đặc biệt trong đó có liên quan đến tài chính y tế, cơ chế tài chính đối với cơ sở khám, chữa bệnh.  (Lý Hà).

Nông nghiệp công nghệ cao: Nông dân chưa dám vào cuộc. Việc đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao với những doanh nghiệp có nền tảng tài chính mạnh, nhưng cũng là một bài toán đầu tư đầy mạo hiểm. Với nông dân “cuộc chơi”nông nghiệp công nghệ cao còn thử thách, khó khăn hơn gấp bội… (Khởi Anh).

Trung Quốc tìm cách vực dậy tăng trưởng kinh tế. Dưới sức ép từ chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid và cuộc khủng hoảng của ngành địa ốc, nền kinh tế Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu giảm tốc mạnh mẽ. Để vực dậy tăng trưởng, Bắc Kinh đã áp dụng công thức tương tự như đã từng sử dụng trước đây – bao gồm hạ lãi suất và tăng chi tiêu công. (An Huy).

Nguồn: https://vneconomy.vn/don-doc-tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-34-2022.htm

[ad_2]