[ad_1]

Quán quân tiền mặt trên thị trường chứng khoán lúc này đang thuộc về Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Tại thời điểm cuối quý 1/2022, tổng tiền và các khoản tương đương tiền của Hoà Phát đạt hơn 46.300 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD), chiếm 25% tổng tài sản.

Doanh nghiệp Việt nào đang sở hữu “núi” tiền hơn 2 tỷ USD?

Ảnh: Hoà Phát

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), tính đến ngày 31/3/2022, quy mô tổng tài sản của tập đoàn này này đạt 185.847 tỷ đồng, tăng 4,3% so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, tài sản cố định của HPG đạt 70.214,5 tỷ đồng, tương đương 37,8% tổng tài sản; số dư hàng tồn kho là 40.036,2 tỷ đồng, tương đương 21,5% tổng tài sản, giảm 5% so với đầu năm.

Đáng chú ý, Tại thời điểm 31/3/2022, công ty sản xuất thép số 1 Việt Nam đang sở hữu 19.060 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền (bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển, các khoản tương đương tiền) và 27.249,3 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Như vậy tổng cộng, Tập đoàn này đang nắm giữ “núi” tiền lên tới hơn 46.300 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 2 tỷ USD,chiếm 25% tổng tài sản; trong khi con số đầu năm là khoảng 40.700 tỷ đồng.

Tính riêng trong quý 1/2022, Hoà Phát thu được 416,5 tỷ đồng lãi tiền gửi và lãi cho vay.

Theo thống kê, lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng của Hòa Phát tăng trưởng mạnh trong gần hai năm qua, từ mức 5.900 tỷ đồng thời điểm cuối 2019.

Hoạt động sản xuất gang thép và các sản phẩm thép giúp sản sinh ra dòng tiền lớn cho Tập đoàn. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đạt trên 13.500 tỷ đồng; đến năm 2021, Tập đoàn lần đầu tiên cán mốc lợi nhuận ròng lên tới 34.520 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, Hòa Phát tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội khi đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với quý I/2021. Sản xuất gang thép và các sản phẩm thép đóng góp 90% vào kết quả chung của Tập đoàn. Tập đoàn Hòa Phát hiện có công suất thép thô trên 8 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 700.000 tấn/tháng.

Đáng chú ý, dù là doanh nghiệp lớn, sản phẩm nhiều, “vua” thép số 1 Việt Nam chỉ tiêu tốn hơn 15 tỷ đồng trong quý cho chi phí quảng cáo.

Dù lãi lớn nhưng tập đoàn này cũng giữ lại hầu hết lợi nhuận để phục vụ đầu tư các dự án mới. Năm 2019 và năm 2020, mỗi năm Hòa Phát chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% cho các cổ đông, còn lại trả bằng cổ phiếu. Từ 2016 – 2018, Hòa Phát chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu, không trả tiền mặt. Chỉ đến đầu năm nay, Tập đoàn mới công bố phương án chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 35% bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.

Với số tiền mặt và tiền gửi “khổng lồ” thời điểm hiện tại, Hòa Phát đang tích lũy nguồn lực cho việc đầu tư các dự án. HPG đã mua lại mỏ quặng sắt Roper Valley tại Northern Territory (NT) từ một doanh nghiệp của UAE (Al Rawda Resources), theo một thỏa thuận được ký kết vào tháng 2/2021. Mỏ quặng sắt này có trữ lượng khoảng 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm, theo HPG. Công ty đang đặt mục tiêu mua thêm các mỏ trong tương lai để tăng nguồn tự cung lên ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt, tương đương 10 triệu tấn mỗi năm.

HPG còn có kế hoạch sản xuất 500.000 TEU container/năm nhằm tham gia vào chuỗi giá trị ngành vận tải. Nhà máy container đầu tiên đang được xây dựng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Công suất của nhà máy là 180.000-200.000 TEU/năm và dự kiến sẽ đi vào hoạt động thương mại vào quý 2/2022. Nhà máy sản xuất container đầu tiên này khi hoạt động tối đa công suất sẽ cần khoảng 350.000 tấn HRC/năm, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm HRC trong tương lai.

Mở rộng quỹ đất mới cũng nằm trong kế hoạch của HPG. Hiện tập đoàn đang sở hữu 6 dự án bất động sản khu công nghiệp với tổng diện tích 1.135ha. Trong đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã chấp thuận HPG làm nhà đầu tư dự án KCN Yên Mỹ II mở rộng (216ha) và Phố Nối A mở rộng 2 (92,5 ha). Tại mảng bất động sản nhà ở, sau khi không có dự án lớn nào được triển khai trong năm 2020-2021, HPG sẽ ra mắt dự án khu đô thị Phố Nối trong năm 2022-2023 (tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng).

Ngày 28/5/2021, UBND tỉnh Cần Thơ cũng đã chấp thuận cho HPG tiến hành khảo sát 3 dự án BĐS dân cư với tổng quỹ đất hơn 540ha, gồm 88,2ha ở Cái Răng; 6,24ha tại Ninh Kiều và 452ha tại Bình Thủy.

Bên cạnh việc mua đất nền, HPG đang xem xét thực hiện các giao dịch M&A để đẩy nhanh việc mua lại quỹ đất. Ban lãnh đạo HPG kỳ vọng mảng bất động snar sẽ đóng góp nhiều hơn vào LN ròng công ty từ năm 2023 trở đi.

Ông lớn ngành thép cũng mở rộng đầu tư vào mảng điện máy gia dụng. Vào tháng 9/2021, HPG đã thành lập Tổng công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn của HPG là 99,9% và công ty sẽ chuyên về các sản phẩm điện lạnh và hàng gia dụng này. HPG hiện đang sản xuất các sản phẩm làm lạnh như tủ đông và máy điều hòa, bán dưới thương hiệu Funiki. Ngoài tủ đông và máy điều hòa, công ty hiện có kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm này sang các mặt hàng điện gia dụng như máy lọc không khí, máy lọc nước, quạt hơi nước và các sản phẩm liên quan khác. Theo Chủ tịch Trần Đình Long, HPG đặt mục tiêu doanh thu từ hoạt động kinh doanh là 1 tỷ USD vào năm 2030 và trở thành nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất cả nước. Công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm bao gồm điều hòa không khí, tủ lạnh, máy lọc nước và máy giặt, với 50% sản lượng dành cho xuất khẩu.

Với những mục tiêu đầy tham vọng, ngoài núi tiền mặt hơn 2 tỷ USD là bệ đỡ, Hoà Phát cũng tận dụng nguồn vốn vay ngân hàng. Nợ vay tại thời điểm 31/3/2022 của Tập đoàn là 86.889 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 72.447 tỷ đồng.

Trong quý 1/2022, Hoà Phát ghi nhận 597 tỷ đồng chi phí lãi vay, giảm nhẹ so với đầu năm. So với chi phí lãi vay, lợi nhuận thu được trong quý đầu năm 2022 của Tập đoàn gấp 14 lần, hay nói cách khách lợi nhuận của Hòa Phát gần đây dư sức trả 14 lần chi phí lãi vay.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/doanh-nghiep-viet-nao-dang-so-huu-nui-tien-hon-2-ty-usd-109386.html

[ad_2]