[ad_1]
Tháng 4/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lao dốc 33% so với cùng kỳ. Còn tính từ đầu năm đến cuối tháng 4, tổng khối lượng mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Điều gì đang xảy ra trên thị trường trái phiếu?…
Theo Bộ Tài chính, trong quý 1/2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 138.809 tỷ đồng, chủ yếu phát hành trong tháng 1, trước thời điểm Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực. Còn trong tháng 2 và tháng 3/2021, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm dần.
KHỐI LƯỢNG PHÁT HÀNH LAO DỐC
Cũng trong quý 1/2022, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là hai nhóm phát hành nhiều nhất, chiếm lần lượt 50,98% và 18,87%.
Riêng nhóm các ngân hàng thương mại bị “lép vé” với tỷ trọng 4,85% sau thời gian dài dẫn đầu. Các loại hình khác như doanh nghiệp thương mại dịch vụ chiếm 6,8%, doanh nghiệp sản xuất chiếm 9,2%.
Đáng chú ý, trong tháng 4/2022, sau khi có những thông tin về việc hủy các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sụt giảm mạnh, chỉ đạt mức khoảng 30.000 tỷ đồng, giảm sâu 33% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 4/2022, chủ yếu là trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành, chiếm 63,4% còn trái phiếu của nhóm bất động sản đảo chiều sụt giảm, chỉ chiếm tỷ trọng 11,6%.
Đáng chú ý, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tiếp tục được các doanh nghiệp thực hiện với khối lượng lớn.
Trong quý 1, khối lượng mua lại trước hạn là 12.800 tỷ đồng nhưng tính đến cuối tháng 4, tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý 1.
“Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc đính chính thông tin công bố về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu gửi cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội”.
Bộ Tài chính.
Một chuyên gia phân tích nói với VnEconomy: “Gần đây, có nhiều nhà đầu tư gặp gỡ một số công ty chứng khoán (giữ vai trò tư vấn phát hành và phân phối – PV) đặt vấn đề nhà phát hành mua lại trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Song, hoạt động mua lại hoàn toàn phải căn cứ theo thời hạn đáo hạn trên hợp đồng, ngoại trừ trái chủ và nhà phát hành có thỏa thuận khác”.
Vị chuyên gia này cho rằng, mặc dù quy mô mua lại không lớn so với tổng quy mô phát hành nhưng trong bối cảnh cơ quan quản lý thanh lọc thị trường thì đây là hiện tượng đáng lưu ý. Trong các năm 2022 và 2023, khối lượng đáo hạn trái phiếu rất lớn. Do đó, việc mua lại trước hạn cũng có mặt tích cực là doanh nghiệp không phải trả chi phí lãi vay cao hơn lãi vay ngân hàng và giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu. Đây là động thái tích cực để doanh nghiệp hoàn thiện bức tranh tài chính của mình.
Cũng từ sau khi Chỉ thị số 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ được Bộ Tài chính ban hành, các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn tích cực thực hiện rà soát lại điều kiện và hồ sơ phát hành trước khi triển khai chào bán mới.
Theo đó, khối lượng phát hành trong 2 tuần đầu tháng 5 tiếp tục giảm, chỉ đạt 5.200 tỷ đồng, chỉ tương đương 1/3 khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2021.
GẤP RÚT VẬN HÀNH THỊ TRƯỜNG GIAO DỊCH THỨ CẤP
Đề cập đến các giải pháp phát triển ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời, điều hành linh hoạt, ổn định tâm lý thị trường.
Cụ thể, về hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính đang rà soát để báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi một số quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp.
Trong đó làm rõ hàng loạt nội dung về (i) phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ; (ii) các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; (iii) quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để hạn chế đối tượng nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp mà không quan tâm, đánh giá rủi ro; (iv) việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm để bảo vệ và khôi phục niềm tin nhà đầu tư và các nội dung có liên quan để thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.
Trong thời gian đánh giá sửa các quy định có liên quan tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Từ đó, nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành, hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn.
Đồng thời, đưa trái phiếu vào giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán để tăng tính minh bạch trên thị trường thứ cấp. Bên cạnh đó, nâng cao điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, cũng như bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức có chức năng giám sát trên thị trường.
Về điều hành thị trường, để phát triển thị trường an toàn, bền vững, Bộ Tài chính sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường, tăng cường công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành.
“Thời gian tới, trên cơ sở Nghị định sửa đổi Nghị định số 153 được Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ngay sau khi Thông tư được ban hành, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành ngay thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”.
Báo cáo Bộ Tài chính.
Cùng với đó, thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp, trong đó, ưu tiên phát triển nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thúc đẩy các định chế tài chính trung gian như doanh nghiệp bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí.
Từ đó, tăng tiềm lực tài chính và mở rộng các sản phẩm dịch vụ để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi và tạo kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư cá nhân.
Đồng thời tiếp tục tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư có đầy đủ kiến thức, năng lực tài chính khi tham gia thị trường.
Mặt khác, Bộ Tài chính sẽ triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đạo đức nghề nghiệp, năng lực quản trị của các tổ chức trung gian thị trường như công ty chứng khoán, công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá khi cung cấp các dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát, đánh giá mức độ phát triển của thị trường để kiến nghị cấp có thẩm quyền quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ theo lộ trình.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích các định chế trên thị trường tài chính ưu tiên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng cao.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường công tác quản lý giám sát thị trường và tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền.
Công tác quản lý giám sát sẽ tiếp tục được Bộ Tài chính thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đồng thời, tiếp tục thông tin tuyên truyền về các chính sách mới đối với phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức cung cấp dịch vụ hiểu biết và tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nguồn: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-nhao-nhao-mua-lai-trai-phieu-truoc-han.htm
[ad_2]