[ad_1]

Khi thế giới sắp bước sang năm thứ ba trong cuộc chiến kéo dài với đại dịch, nhiều người hy vọng rằng mọi thứ sẽ bắt đầu trở lại bình thường. Các nền kinh tế và biên giới đang mở cửa trở lại là một bước cần thiết để thế giới chung sống với Covid-19. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại cũng sẽ kéo theo hàng loạt rủi ro mà doanh nghiệp cần cân nhắc, theo United Overseas Bank (UOB) – ngân hàng đa quốc gia có trụ sở tại Singapore.

Doanh nghiệp châu Á 2022: Thách thức cũ và mới đan xen

Tốc độ phục hồi không đồng đều

Năm 2021, vắc-xin đã phát huy tác dụng kỳ diệu giúp tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm, giúp các nền kinh tế và biên giới mở cửa trở lại, đồng thời hoạt động tại các nước phát triển tăng lên. Khi tỷ lệ tiêm chủng ở châu Á cao hơn, triển vọng kinh tế trở lại bình thường rất tươi sáng.

Tuy nhiên, sự phục hồi sẽ không đồng đều vì khả năng tiếp cận với vắc-xin vẫn nghiêng về các quốc gia giàu có hơn. Theo Our World in Data, tính đến ngày 18/11/2021, 52,3% dân số thế giới đã được tiêm một liều vắc-xin Covid, nhưng con số này rơi xuống ngưỡng dưới 5% đối với những người có thu nhập thấp.

Các biến thể Covid-19 mới

Dù đã có vắc-xin, cuộc đấu tranh ngăn chặn đại dịch có thể còn lâu mới kết thúc do có thể xuất hiện nhiều biến thể Covid-19 với khả năng lây nhiễm và gây chết người cao hơn. Biến thể Delta đã trở nên phổ biến đến mức giờ đây nó là chủng vi-rút chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia mà trước đây đã kiểm soát được Covid-19.

Hiện tại, Trung Quốc và Mỹ vẫn được kỳ vọng sẽ dẫn đầu sự phục hồi tăng trưởng sau đại dịch, ngay cả khi biến thể Delta làm giảm các dự báo đưa ra trước đó. Tại Mỹ, quốc gia đi đầu trong cuộc đua tiêm chủng đủ hai liều cho người dân, đã chứng kiến ​​tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm đáng kể trong những tháng gần đây. Nhiều nền kinh tế châu Á, ngoại trừ Singapore và Đài Loan, cũng bị hạ dự báo tăng trưởng do sự bùng phát của biến chủng Delta.

Lạm phát cao hơn

Một trong những thách thức cấp bách nhất trong năm nay là quản lý rủi ro lạm phát. Khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi, giá cả hàng hóa và dịch vụ dự kiến ​​sẽ tăng. Sự tăng giá hàng hóa gần đây, bao gồm cả giá dầu, cũng là một nguyên nhân khiến lạm phát cao. Với nhu cầu hàng hóa đặc biệt mạnh mẽ trong quá trình phục hồi kinh tế, giá cả sẽ còn tăng mạnh hơn.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã dẫn đầu thế giới trong việc mở cửa lại nền kinh tế. Nhưng lạm phát ở Mỹ hiện đã vượt quá 5%, trong khi mức tăng giá ở EU dao động khoảng 3%, cao hơn mức trung bình trong lịch sử.

Câu hỏi đặt ra là: Lạm phát diễn ra nhất thời hay kéo dài? Áp lực giá tăng liên quan đến việc kinh tế Mỹ mở cửa trở lại đã bắt đầu giảm bớt vào tháng 8, nhưng tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng kéo dài hiện nay có thể khiến áp lực lạm phát vẫn được duy trì trước khi giảm dần vào năm 2022.

UOB cho rằng giá cả có thể vẫn ở mức cao trong những tháng tiếp theo, cho tới khi các vấn đề về chuỗi cung ứng được giải quyết. Trong khi đó tại châu Á, do các nền kinh tế vẫn đang vật lộn với việc mở cửa trở lại nên mức lạm phát thấp hơn so với toàn cầu.

Trong số các nền kinh tế G7, Nhật Bản vẫn đang chứng kiến tình trạng giảm phát khi cố gắng kiềm chế làn sóng Covid thứ tư. Tại Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,6% cho đến thời điểm hiện tại của năm 2021, bằng một phần tư so với năm 2020. UOB đã điều chỉnh dự báo CPI của Trung Quốc trong năm lên 0,8%, giảm từ 1,1%.

Bình thường hóa chính sách tiền tệ

Các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch không thể kéo dài mãi. Nhiều ngân hàng trung ương đang lên kế hoạch hoặc thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên sau nhiều năm. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể không tăng lãi suất cho đến nửa cuối năm sau, nhưng họ sẽ bắt đầu giảm chương trình mua trái phiếu (taper) trong tháng này và dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào tháng 7 năm 2022.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương của ASEAN có thể cần phải tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ phù hợp do vẫn đang phải vật lộn với đại dịch và khan hiếm vắc-xin.

Dòng vốn đầu tư ra ngoài khu vực

Sự khác biệt về chính sách giữa FED và các ngân hàng trung ương củad ASEAN có thể khiến dòng vốn đầu tư chảy ra khỏi khu vực này, tương tự như những gì đã xảy ra vào năm 2013 khi FED bắt đầu thực hiện taper.

Phân tích của UOB về một số nền kinh tế mới nổi tại châu Á cho thấy họ đang có khả năng phục hồi khá cao so với năm 2013. Họ cũng ở vị thế tốt hơn để chống chọi với bất kỳ đợt rút vốn tiềm năng nào.

Chính trị và các vấn đề khác

Đã có một số diễn biến đáng chú ý ở Mỹ, bao gồm việc Thượng viện phê chuẩn dự luật chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD và cuộc chiến tiếp theo của Tổng thống Mỹ Joe Biden để thông qua dự luật chi tiêu xã hội trị giá 3,5 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, mức trần nợ công của Mỹ sẽ được bàn bạc trở lại vào giữa tháng 12 tới.

UOB hy vọng các vấn đề sẽ được giải quyết khi Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Quốc hội và Nhà Trắng. Thách thức chính trị thực sự có thể đến vào cuối năm sau nếu Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Ngoài ra, căng thẳng Mỹ – Trung cũng có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Quan hệ giữa hai nước tiếp tục xấu đi, đặc biệt sau khi Mỹ, Anh và Australia tuyên bố thành lập một hiệp ước an ninh mới mang tên Aukus nhằm chống lại Trung Quốc. Ở một diễn biến khác, Đức dự kiến ​​sẽ chọn một thủ tướng mới để kế nhiệm bà Angel Merkel.

Tại Trung Quốc, thị trường tài chính sẽ còn biến động trong thời gian tới do các nhà đầu tư lo sợ trước những bất ổn xung quanh việc nhà phát triển bất động sản Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản và sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với nhiều lĩnh vực tại quốc gia này. Tuy nhiên, chính sách “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế vĩ mô.

Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy Evergrande sẽ được giải cứu tại thời điểm này, nhưng chính phủ Trung Quốc có đủ động lực và nguồn lực để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Điều này cũng sẽ tránh rủi ro đối với sự ổn định của xã hội và hệ thống tài chính trước Thế vận hội mùa đông vào tháng Hai tới.

Trước những bất ổn vĩ mô, các doanh nghiệp cần thận trọng trong việc vay nợ và quản lý dòng tiền một cách khôn ngoan trong trường hợp việc thu hồi công nợ bị chậm trễ. UOB khuyến nghị các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro trước các vấn đề về giá hàng hóa và biến động lãi suất, đồng thời đa dạng hóa hoạt động sang các thị trường khác nhau để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.

[ad_2]